Tiếp tục chuyến công tác tại Brazil, ngày 3/7 (giờ địa phương), Phó thủ tướng Vương Đình Huệ (Trưởng Ban chỉ đạo hội nhập quốc tế về kinh tế) đã dẫn đầu đoàn công tác của Chính phủ tới làm việc tại thành phố Sao Paulo (bang Sao Paulo). Đây là trung tâm tài chính, công nghiệp lớn nhất của Brazil (chiếm 80% tổng sản phẩm công nghiệp liên bang) và khu vực Nam Mỹ.
Tiếp Phó thủ tướng, Đại sứ Rubens Barbosa, Chủ tịch Hội đồng cấp cao về ngoại thương của bang Sao Paulo (FIESP) và bà Paula (đại diện Bộ Ngoại giao Brazil) đều bày tỏ Chính phủ Brazil đặc biệt coi trọng và đánh giá cao chuyến công tác của Chính phủ Việt Nam.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ gặp đại sứ Rubens Barbosa, Chủ tịch Hội đồng cấp cao về ngoại thương của bang Sao Paulo (FIESP). Ảnh: VGP/Thành Chung. |
Bà Paula cho biết 2 quốc gia đang có mối quan hệ ngoại giao, chính trị tin cậy, tốt đẹp và Brazil vui mừng khi Việt Nam ngày càng có vị trí cao trên thế giới.
“Nền kinh tế phát triển mạnh mẽ của Việt Nam đã giúp hàng triệu người thoát nghèo. Do đó, Brazil muốn tăng cường hơn nữa mối quan hệ đầu tư, thương mại, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp với Việt Nam, không chỉ hướng tới thị trường 100 triệu dân mà còn hướng tới thị trường ASEAN với 600 triệu dân và quy mô kinh tế 3.000 tỷ USD”, bà nói.
Trong khi đó, ông Alencar Burti, Chủ tịch Phòng thương mại công nghiệp Sao Paulo, nhận định đây là cơ hội để hình ảnh Việt Nam xuất hiện rõ nét, trở thành một trung tâm thu hút đầu tư của doanh nghiệp SaoPaulo và kêu gọi các doanh nghiệp ở bang này tăng cường quan hệ thương mại, đầu tư hơn nữa.
Nói trước khoảng 100 doanh nghiệp 2 nước tại Diễn đàn thương mại - đầu tư Việt Nam - Brazil, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh tiềm năng dựa trên mối quan hệ chính trị, ngoại giao tốt đẹp và thế mạnh của 2 quốc gia là rất nhiều, nhưng trên thực tế nhiều năm qua chưa mang lại lợi ích nhiều cho hai bên.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại Diễn đàn thương mại - đầu tư Việt Nam - Brazil. Ảnh: VGP/Thành Chung. |
Hai bên đã có hơn 10 năm quan hệ thương mại đầu tư với kim ngạch xuất nhập khẩu 2 chiều gần 4 tỷ USD, chủ yếu mang lại từ các mặt hàng nông sản. Phó thủ tướng cho rằng con số này còn rất khiêm tốn so với tiềm năng của 2 bên, khi chỉ chiếm khoảng 0,8% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam và đầu tư FDI chỉ là con số 0.
“Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trong nhiều năm, sẽ là cửa ngõ cho Brazil vào ASEAN và các khối thị trường tự do khác mà Việt Nam là thành viên. Brazil cũng sẽ là cầu nối để hàng hoá của Việt Nam xâm nhập vào khối thị trường chung Nam Mỹ (MECOSUL)”, ông nói.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ bày tỏ tin tưởng với cộng đồng doanh nghiệp 2 bên rằng quan hệ thương mại đầu tư sẽ tốt hơn trong thời gian tới với các chương trình, việc làm cụ thể.
“Các bộ, ngành 2 nước đã thống nhất rồi và bây giờ là cần tới hành động là của doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề hai bên. Các Phòng thương mại Mỹ, châu Âu cho biết 90% doanh nghiệp tại Việt Nam có tăng trưởng lợi nhuận năm 2018. 70% doanh nghiệp Mỹ và Nhật Bản sẽ mở rộng đầu tư kinh doanh. Điều tương tự cũng sẽ đến với các doanh nghiệp Sao Paulo và Brazil nói chung”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.