Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phó thủ tướng: Không tập trung hết dân vào nhà văn hóa khi tránh bão

"Ứng phó với bão phải bảo đảm phòng chống dịch, tránh tập trung cả xóm vào nhà văn hóa. Nếu không làm tốt, dịch bệnh có thể xuất hiện khi người dân trở về nhà", Phó thủ tướng nói.

Chiều 23/9, Phó thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp ứng phó với bão số 6 trên Biển Đông của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai. Cuộc họp diễn ra khi chỉ còn một ngày nữa, bão khả năng tiến vào đất liền các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi với sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 10.

Xét nghiệm cho người dân khi phải di dời

Tại cuộc họp, Phó thủ tướng đánh giá cơn bão được hình thành từ Biển Đông sẽ di chuyển nhanh vào đất liền các tỉnh Trung Trung Bộ, tác động đến khu vực trong tối 23/9. Do đó, công tác ứng phó của các địa phương phải vừa chính xác, vừa kịp thời.

Dù vùng áp thấp mạnh lên thành bão chỉ xảy ra trong thời gian ngắn, nhiều địa phương đã triển khai đồng bộ các giải pháp từ việc kêu gọi tàu thuyền ngoài biển về khu tránh bão, hỗ trợ người dân thu hoạch lúa, nông sản để hạn chế thiệt hại khi bão vào.

Theo Phó thủ tướng, bão đổ bộ khi nhiều địa phương đang ứng phó với dịch bệnh Covid-19. Do đó, công tác phòng, chống thiên tai phải đi kèm với phòng, chống dịch bệnh; "không vì cơn bão mà không kiểm soát dịch bệnh".

ung pho bao so 6 tren Bien Dong anh 1

Phó thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp ứng phó với bão số 6 chiều 23/9. Ảnh: Ngọc Hà.

Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai yêu cầu các địa phương quan tâm đến việc xét nghiệm trong quá trình di dân, sắp xếp để xét nghiệm cho người dân sống tại khu vực nhà ở xuống cấp hoặc nơi nguy hiểm. Đồng thời, dứt khoát di dời người dân sống trên các lồng bè, chòi canh ở trong vùng ảnh hưởng của bão.

"Trước đây, một số địa phương thường di dời dân cư bằng cách tập trung hết về nhà văn hóa. Nhưng hiện nay, công tác ứng phó với bão phải bảo đảm cả phòng, chống dịch, tránh tập trung đông cả xóm vào khu vực nhà văn hóa, hội trường. Nếu không làm tốt, dịch bệnh có thể xuất hiện khi người dân quay về nơi ở", Phó thủ tướng nói.

Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu các địa phương như Đà Nẵng, Quảng Nam khẩn trương hướng dẫn tàu thuyền thoát khỏi vùng nguy hiểm của bão, thường xuyên giữ liên lạc với chủ tàu để chủ động hỗ trợ.

Sau khi đưa tàu thuyền vào nơi an toàn, lực lượng chức năng phải có giải pháp để bố trí, sắp xếp cho thuyền viên, ngư dân tránh trú phù hợp, đồng thời kết hợp xét nghiệm nhanh Covid-19 cho những người này.

"Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp càng gia tăng mức độ nguy hiểm của thiên tai. Vì vậy, phòng, chống bão trong tình hình hiện nay đòi hỏi phải rất căn cơ, sơ sẩy là có thể thiệt hại gấp nhiều lần so với lúc không có dịch bệnh", Phó thủ tướng Lê Văn Thành nói.

29 huyện nguy cơ lũ quét, sạt lở

Báo cáo tại cuộc họp, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết bão số 6 duy trì sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 10 trong những giờ qua và đang di chuyển hướng vào vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi.

"Đặc điểm của bão là di chuyển nhanh theo hướng tây tây bắc với vận tốc 15-20 km/h. Đồng thời, vùng gió mạnh, mưa lớn tập trung ở rìa phía tây và phía bắc cơn bão", ông Khiêm cho biết.

Theo số liệu quan trắc của cơ quan khí tượng, từ chiều 23/9, vùng biển ngoài khơi từ Quảng Trị đến Bình Định (bao gồm Cồn Cỏ, Lý Sơn và Cù Lao Chàm) có gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 10.

Tối và đêm nay, đất liền các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có gió giật mạnh cấp 6-8, vùng ven biển có gió cấp 6-7, giật cấp 10.

Chuyên gia cảnh báo từ đêm nay đến ngày 24/9, mưa lớn do bão tiếp diễn ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bình Định với lượng phổ biến 150-250 mm, có nơi trên 300 mm. Các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, mưa nhỏ hơn, dao động 100-150 mm, có nơi trên 200 mm.

Ngày 24-25/9, vùng mưa lớn do hoàn lưu bão mở rộng ra các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An. Khu vực này sẽ xuất hiện mưa dông diện rộng với lượng 50-100 mm, có nơi trên 150 mm.

Với kịch bản mưa trên, ông Khiêm cảnh báo 32 huyện và khu đô thị tại các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi và Kon Tum có nguy cơ ngập lụt. Ngoài ra, 29 huyện tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất.

ung pho bao so 6 tren Bien Dong anh 2

Dự báo đường đi của bão số 6 cho thấy lúc 19h, hình thái này đang áp sát vùng biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi. Ảnh: VNDMS.

Theo ông Trần Phước Hiền, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, địa phương đã liên lạc được với tất cả tàu đang hoạt động trên biển, trong đó 10 tàu đang nằm trong vùng nguy hiểm và đang di chuyển xuống phía nam để đến nơi tránh trú an toàn.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi đề nghị Trung ương chỉ đạo các địa phương hỗ trợ tàu cá của Quảng Ngãi vào tránh trú, vì một số nơi đang cấm cảng để phòng chống dịch Covid-19.

Trong khi đó, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết tỉnh đã dự trữ 100 tấn mì ăn liền và 100 tấn gạo. Các địa phương cũng dự trữ lương thực, thực phẩm để sẵn sàng ứng phó với bối cảnh thiên tai dài ngày.

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, 21 tàu, thuyền của các tỉnh, thành phố như Đà Nẵng, Bình Định, Quảng Ngãi, còn trong vùng nguy hiểm của bão. Lực lượng biên phòng tuyến biển đã cùng gia đình các chủ tàu thường xuyên liên lạc, kêu gọi các phương tiện di chuyển vào nơi an toàn.

Tại cuộc họp, đại tá Trần Thái Bình, đại diện Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, cho biết do đặc thù mưa lớn thường xảy ra sau bão. Đơn vị đã chỉ đạo lực lượng tuyến biển và biên giới chủ động xây dựng phương án phòng, chống lũ ống lũ quét và sạt lở đất ở biên giới.

Hai giai đoạn mưa lớn ở miền Trung do áp thấp nhiệt đới

Với hoàn lưu gây mưa tương đối rộng và tốc độ di chuyển nhanh, áp thấp nhiệt đới khả năng tác động trực tiếp đến các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định sau 19h hôm nay, 23/9.

Bão số 6 hình thành trên Biển Đông

Bão số 6 dự kiến đi thẳng vào đất liền từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi, gây mưa lớn cho khu vực này trong ngày 23-24/9.

Mỹ Hà

Bạn có thể quan tâm