Chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chiều 21/5, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam (Trưởng ban Chỉ đạo), đề nghị các thành viên dự họp thảo luận, phân tích sâu diễn biến tình hình dịch bệnh để dự báo và các giải pháp ứng phó.
PGS.TS Trần Đắc Phu nhận định ổ dịch Bắc Ninh đã kiểm soát được, những ngày tới vẫn rải rác ghi nhận các ca nhiễm mới nhưng sẽ không bùng lên nữa (80% trở lên). Tỉnh Bắc Giang cũng đã kiểm soát được, nhưng số ca mắc mới có thể tăng do tốc độ xét nghiệm các F1 (đã cách ly) đang được đẩy mạnh.
Mạnh dạn đổi mới xét nghiệm, cách ly, điều trị
Kết luận cuộc họp, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu tiếp tục theo dõi chặt chẽ các ổ dịch ở Bắc Ninh, Bắc Giang. Đặc biệt, Bắc Giang phải quản lý chặt công nhân làm trong khu công nghiệp, không để lan ra các tỉnh.
Đồng thời, Bắc Ninh, Bắc Giang cần nhanh chóng đưa các doanh nghiệp đủ điều kiện bảo đảm an toàn vệ sinh dịch tễ sớm trở lại hoạt động, nhất là những doanh nghiệp có chuỗi cung ứng lớn.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu tiếp tục theo dõi chặt chẽ các ổ dịch ở Bắc Ninh, Bắc Giang. Ảnh: VGP. |
Phó thủ tướng cũng đề nghị Bộ Y tế, các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang vừa làm vừa rút kinh nghiệm, xây dựng mô hình mẫu để nếu có dịch ở những nơi tập trung đông người như các khu công nghiệp sẽ không bị lúng túng khi ứng phó.
Trong đó có tình huống F1 quá nhiều phải thí điểm ngay việc cách ly tại nhà bảo đảm an toàn, “mạnh dạn thí điểm quy mô nhỏ, đúc rút để xem xét mở rộng”.
Ban Chỉ đạo yêu cầu Bộ Y tế tiếp tục giám sát chặt chẽ tình hình, nhanh chóng khoanh vùng, dập dịch triệt để tại các ổ dịch ở Điện Biên. Các địa phương khác có công nhân trở về từ khu công nghiệp có dịch phải sẵn sàng, nếu phát hiện phải nhanh chóng khoanh vùng, dập dịch ngay lập tức.
“Mầm bệnh đã ở trong cộng đồng, lúc nào cũng có thể bùng phát. Chúng ta chỉ lơ là 2 ngày là hết một chu kỳ lây nhiễm, sau 5 ngày là 2 chu kỳ lây nhiễm”, Phó thủ tướng lưu ý.
Ông đề nghị tiếp tục đổi mới xét nghiệm, không chỉ ở Bắc Ninh, Bắc Giang mà ở tất cả địa phương theo hướng kết hợp các loại xét nghiệm, tăng cường công suất bằng cách xét nghiệm mẫu gộp, sử dụng công nghệ thông tin để quản lý quy trình lấy mẫu, xét nghiệm và trả kết quả.
Tại cuộc họp, đại diện Bộ Y tế đã làm rõ hai loại xét nghiệm là xét nghiệm sàng lọc và xét nghiệm tự nguyện. Bộ này không khuyến khích người dân tự bỏ tiền túi để xét nghiệm dịch vụ vì không chỉ gây tốn kém mà còn gây ra tâm lý chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch.
Không áp dụng biện pháp chống dịch "quá máy móc"
Báo cáo về tình hình sản xuất tại các khu công nghiệp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết vừa qua, một số hiệp hội, doanh nghiệp, địa phương đã gửi văn bản đến Bộ đề nghị tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hoá.
Trong khi đó, PGS.TS Trần Đắc Phu đề nghị các tỉnh không áp dụng các biện pháp chống dịch quá “máy móc” ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh.
Cuộc họp của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống Covid-19 chiều 21/5. Ảnh: VGP. |
Ban Chỉ đạo thống nhất giao Bộ Y tế chỉ đạo quyết liệt, hướng dẫn cụ thể các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh để “tìm mọi cách đưa các nhà máy lớn trở lại hoạt động sớm nhất”.
Định hướng được đưa ra là nhà máy nào đảm bảo 4 tiêu chí sẽ được trở lại hoạt động.
Một là tất cả công nhân được quản lý chặt chẽ cả trong giờ và sau giờ làm việc. Hai là tiến hành xét nghiệm sàng lọc trong nhà máy theo chu kỳ tối thiểu 3 ngày/lần hoặc tiến hành xét nghiệm nhanh hàng ngày. Ba là trong nhà máy phải đảm bảo giãn cách ở mức cần thiết. Bốn là phương tiện vận chuyển hàng hoá phải được khử khuẩn, lái xe được xét nghiệm hàng ngày.
Cũng về vấn đề này, đại diện Bộ Công an đề nghị các doanh nghiệp nước ngoài có phương án quản lý chặt chuyên gia theo hướng các chuyên gia nước ngoài phải ở lại nhà máy (ký túc xá hoặc khu nhà ở cho chuyên gia), không đi lại giữa nhà máy và nơi cư trú.