Chủ trì cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 chiều 19/5, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định các lực lượng đang tập trung toàn lực dập dịch ở Bắc Giang và Bắc Ninh. Đây cũng là hai địa phương có số ca nhiễm lớn nhất trong chiều nay với 78 ca ở Bắc Giang và 21 ca ở Bắc Ninh.
Siết chặt quản lý cách ly
Sau khi nghe báo cáo của Bộ Y tế về các văn bản quy định, hướng dẫn cách ly cho các đối tượng khác nhau, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu phải đổi mới, tăng cường kỷ cương, siết chặt quản
Phó thủ tướng giao Bộ Y tế tiếp thu ý kiến để ban hành quy trình quản lý chặt chẽ người nhập cảnh, kể cả đối với chuyên gia nước ngoài và người Việt Nam về nước, trước hết bằng đường hàng không. Tinh thần được phó thủ tướng quán triệt là đảm bảo chặt chẽ, an toàn phòng chống dịch và ràng buộc trách nhiệm thật rõ ràng đối với mọi tổ chức, cá nhân có liên quan.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh phải thiết lập được một hệ thống chuẩn, tiêu chí và công nghệ kèm theo để Chính phủ, Thủ tướng, Ban Chỉ đạo biết được tình hình dịch cả nước. Ảnh: VGP. |
Theo phó thủ tướng, toàn bộ trung tâm cách ly, các khách sạn đăng ký cách ly phải đảm bảo đủ điều kiện, lập lên một hệ thống để quản lý từ giá cả đến các điều kiện phòng, chống dịch. Không đủ điều kiện không được tiếp nhận người nhập cảnh vào cách ly.
Ngoài ra, phó thủ tướng đề nghị Bộ Y tế khẩn trương xây dựng, ban hành hướng dẫn kết hợp các phương thức xét nghiệm khác nhau với người từ nước ngoài về Việt Nam, trước hết bằng đường hàng không.
Mục đích sau khi xét nghiệm có thể phân loại để không ai cũng phải cách ly tập trung 21 ngày hay 14 ngày như nhau. Theo đó, người nào an toàn có thể chỉ cần cách ly tập trung 7 ngày và tiếp tục về nhà theo dõi y tế.
Đây là việc rất quan trọng, giúp cho giao thương đi lại, trong đó có đón chuyên gia nước ngoài vào và đưa người Việt Nam bị kẹt về nước bảo đảm an toàn nhưng không máy móc, giảm bớt áp lực cho các khu cách ly, giảm thời gian, chi phí cho người cách ly.
“Chậm nhất một tuần nữa, Bộ Y tế phải ban hành hướng dẫn mới và tổ chức ngay việc xét nghiệm, quản lý cách ly y tế theo quy trình mới”, phó thủ tướng giao nhiệm vụ.
Thường trực Ban Chỉ đạo cũng thảo luận việc xây dựng Bộ tiêu chí về mức độ đánh giá nguy cơ dịch bệnh tại các địa phương theo 4 cấp (xã, huyện, tỉnh, toàn quốc) và 4 mức: bình thường mới, nguy cơ, nguy cơ cao và rất cao.
Từ các dữ liệu cập nhật của địa phương, dữ liệu liên thông giữa các bộ ngành, dữ liệu mở… Bộ tiêu chí phải đánh giá đúng tình hình dịch bệnh hàng ngày và dự báo những ngày tới, kèm theo đó là các khuyến nghị.
“Phải thiết lập được một hệ thống chuẩn, tiêu chí và công nghệ kèm theo để Chính phủ, Thủ tướng, Ban Chỉ đạo biết được hôm nay tình hình dịch cả nước thế nào, nơi nào nguy cơ cao, nơi nào nguy cơ rất cao, đi kèm là các biện pháp ứng phó. Quan trọng hơn dự báo tình hình trong những ngày tới và đưa ra các khuyến nghị”, phó thủ tướng giải thích.
Xét nghiệm tầm soát diện rộng khoa học, tiết kiệm
Tại cuộc họp, một số thành viên Ban Chỉ đạo, các chuyên gia cho biết gần đây có một số người cho rằng việc xét nghiệm nhiều đang được khuyến khích, thậm chí có người còn đề nghị thực hiện “5K + vaccine + xét nghiệm”.
Cuộc họp của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: VGP. |
Về việc này GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ tưởng Bộ Y tế khẳng định: “Hiện tại chúng ta chỉ có chủ trương tăng cường năng lực xét nghiệm tại các tỉnh, thành phố và tại các cơ sở y tế để chủ động tấn công bằng xét nghiệm trong trường hợp cần thiết nhằm tăng cường truy vết”.
Theo ông Cường, chủ trương của Bộ Y tế không khuyến khích người dân tham gia xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2, bởi lẽ nếu xét nghiệm có kết quả âm tính sẽ gây ra tâm lý chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch.
“Chúng tôi nhắc lại, Bộ Y tế không có quan điểm 5K + vaccine + xét nghiệm, mà tuyệt đối tuân thủ theo phương châm đã đề ra là 5K + vaccine”, Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh tinh thần thực hiện xét nghiệm phải rất tiết kiệm vì chi phí rất đắt. Do đó, phải có chiến lược xét nghiệm tầm soát trên diện rộng rất khoa học để dự báo trước, cùng với việc truy vết F1, F2.