Sáng 28/9, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cùng đoàn công tác đã tới thăm một số điểm và làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Dương về công tác phòng, chống dịch, phục hồi kinh tế.
Ông cho rằng bài học cần rút ra tại Bình Dương là nhờ đâu mà số ca tử vong tại đây thấp. Sau thời gian dài giãn cách, tỉnh cần có phương án từng bước mở lại sản xuất an toàn.
Phó thủ tướng băn khoăn Bình Dương có tiếp tục giãn cách theo Chỉ thị 16 trên toàn tỉnh và phải tính tới nguy cơ người từ Bình Dương đổ về các tỉnh khác sau khi nới lỏng giãn cách.
Phác đồ điều trị sớm giúp tỷ lệ tử vong thấp
Báo cáo với Phó thủ tướng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi cho biết trong 10 ngày qua, trung bình mỗi ngày tỉnh ghi nhận khoảng 1.500 F0, tuy nhiên, con số công bố lên tới khoảng 3.500 ca/ngày do tỉnh đang tiếp tục bổ sung hơn 10.000 F0 xét nghiệm nhanh trước đây chưa được Bộ Y tế ghi nhận.
“Theo quy định của Bộ Y tế, chỉ những F0 đã được xét nghiệm PCR mới được ghi nhận chính thức”, ông Nguyễn Văn Lợi giải thích.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam thăm khu nhà trọ tại TP Thuận An, Bình Dương. Ảnh: Thanh Tuấn. |
PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội kiêm Giám đốc Trung tâm hồi sức Covid-19 Bình Dương, cho biết tỷ lệ tử vong ở nhóm 46-50 tuổi là cao nhất. Người trẻ tử vong thường do đột tử, bão cytokine.
Từ đầu tháng 7, Bình Dương đã triển khai phác đồ điều trị "đồng thuận Bình Dương" (trước khi Bộ Y tế ra hướng dẫn về sử dụng thuốc vào giữa tháng 8), sử dụng các loại thuốc điều trị ngay từ tầng 1, khi bệnh nhân Covid-19 mới có triệu chứng nhẹ. Ca có triệu chứng sẽ được nhập viện; còn F0 đủ điều kiện sẽ cách ly ở nhà và có bác sĩ nội trú theo dõi, mỗi bác sĩ phụ trách khoảng 50 F0. Việc ra phác đồ và cho thuốc sớm cho các F0 được cho là đã giúp nhiều cho Bình Dương giảm số ca tử vong ở tỉnh này (hiện ở mức 0,94%, thấp hơn tỷ lệ trung bình của cả nước).
Từ đầu tháng 7, Bình Dương đã triển khai phác đồ điều trị mới, sử dụng các loại thuốc điều trị ngay từ tầng 1, khi bệnh nhân Covid-19 mới có triệu chứng nhẹ. Ca có triệu chứng sẽ được nhập viện; còn F0 đủ điều kiện sẽ cách ly ở nhà và có bác sĩ nội trú theo dõi, mỗi bác sĩ phụ trách khoảng 50 F0.
Nói về lý do giúp tỷ lệ tử vong ở Bình Dương thấp, bác sĩ Hiếu nhận định vai trò của lãnh đạo địa phương rất quan trọng. TP Thuận An không có ca tử vong trong cộng đồng. Hầu hết ca tử vong tại phường Thuận Giao và An Phú, nhưng tỷ lệ này giảm sau khi tổ chức trạm y tế lưu động.
Về kế hoạch thời gian tới, bác sĩ Hiếu chỉ ra 3 vấn đề. Thứ nhất, giai đoạn này cần tập trung tiêm vaccine cho công nhân. Nền kinh tế Bình Dương phụ thuộc nhiều vào sản xuất công nghiệp nên không thể thiếu công nhân.
"Có một ca F0 cứ hoảng loạn đóng cửa như trước là rất không nên. Nên có kịch bản, có ca F0 thì khoanh lại và cho y tế xử lý để tiếp tục làm việc. Đồng thời, tổ chức khu nhà trọ tốt hơn", ông nói.
Bên cạnh đó, ông cho rằng công tác xét nghiệm không nên tiến hành liên tục mà nên xét nghiệm ngẫu nhiên theo đại diện một cách thường kỳ.
Thứ hai, ông nhận định đáng lo nhất là nhóm người dưới 18 tuổi. Nếu đi học trở lại, người dưới 18 tuổi có nguy cơ như người lớn. Do đó, ông cho rằng tiêm xong nhóm này mới nên mở lại trường học.
Thứ ba, Bình Dương phải triển khai y tế tư nhân vào phòng, chống dịch bệnh. Ông đề nghị cho phép tư nhân thu phí điều trị, phí tham gia phòng, chống dịch. Đây là nguồn lực rất lớn bởi đa số người dân TP.HCM, Bình Dương đều quen khám tư nhân.
Kiến nghị lực lượng chi viện ở lại tới tháng 11
Bí thư Bình Dương Nguyễn Văn Lợi cho biết tỉnh đang khẩn trương xây dựng các phương án kiểm soát chặt chẽ người đến từ các địa phương khác, đồng thời phải đảm bảo lưu thông hàng hóa.
Ông Lợi thông tin thêm hiện Bình Dương có 2,67 triệu công nhân, trong đó 1,4 triệu người làm trong các khu công nghiệp. Vì vậy, tỉnh chủ trương thành lập phòng khám tư nhân trong các khu công nghiệp, chăm sóc y tế cho 12.000-15.000 công nhân, vừa điều trị bình thường và thực hiện chức năng của trạm y tế lưu động.
Ông Lợi cũng đề nghị lực lượng chi viện ở lại đến tháng 10-11 vì dự báo dịch Covid-19 vẫn có kéo dài, gây khó khăn cho Bình Dương, đặc biệt trong công tác điều trị.
Kết luận hội nghị, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết ông ghi nhận nỗ lực của Bình Dương và nhận định tỉnh có số ca tử vong thấp nhờ ra phác đồ điều trị sớm. Tỉnh cũng không phát thuốc tận nhà F0 mà dùng bác sĩ theo dõi, đây là cách làm sáng tạo.
Nhận định về 10.000 F0 phát hiện qua test nhanh đang được cấp mã bệnh nhân, Phó thủ tướng cho biết tình trạng này giống với 150.000 F0 chưa được cấp mã của TP.HCM.
Phó thủ tướng chỉ ra vấn đề là trước nay, các trường hợp test nhanh được đưa vào điều trị ngay, nhưng quy định của Bộ Y tế là chỉ khẳng định với bệnh nhân có xét nghiệm PCR. Trong khi đó, bệnh nhân chưa được cấp mã thì Nhà nước khó thanh toán được viện phí.
Phó thủ tướng và đoàn công tác kiểm tra công tác xét nghiệm tại TP Thuận An. Ảnh: Thanh Tuấn. |
Về xét nghiệm, ông nhìn lại các tỉnh đã trải qua 3 đợt xét nghiệm cao điểm. Đợt 1 chủ yếu xét nghiệm PCR, đợt 2 kết hợp xét nghiệm PCR và test nhanh, đợt 3 chủ yếu test nhanh.
Ông nhận định với chủng này, chỉ cần xét nghiệm vào các ngày 1 - 3 - 5 thì sẽ hết F0, nếu đậm đặc có thể xét nghiệm thêm ngày thứ 7. Để đảm bảo tiến độ này, địa phương cần khoanh các điểm nhỏ để xét nghiệm.
Về khôi phục sản xuất, ông nhấn mạnh tinh thần "từng bước chắc chắn, đảm bảo an toàn". Ông đề nghị Bí thư Nguyễn Văn Lợi sắp xếp thứ tự ưu tiên, tăng cường y tế tư nhân, y tế cộng đồng. Y tế tư nhân nên kết hợp với doanh nghiệp để chủ động có phương án quay lại sản xuất.
Tỉnh cần có phương án để nếu phát hiện ca bệnh trong nhà máy thì khoanh theo ca/kíp/nơi ở, tinh thần là gọn nhất có thể. Ông chia sẻ nhiều địa phương có tâm lý e ngại nên mở cửa rất chậm.
"Cuộc chiến này không có tiền lệ, chúng ta cứ làm từ thực tiễn", Phó thủ tướng động viên.
Trước đó, Phó thủ tướng đã tới thăm khu nhà trọ phường Bình Hòa, TP Thuận An. Lãnh đạo phường cho biết đến nay, địa phương này đã điều trị khỏi cho khoảng 15.000 F0 trên tổng số 131.000 dân. Trong số này, chỉ 0,6% có triệu chứng, hầu hết bệnh nhẹ.
Sau đó, đoàn công tác tới thăm xưởng của Công ty Pungkook Sài Gòn ở TP Dĩ An. Lãnh đạo công ty này đề nghị tỉnh sớm chấp thuận các phương án để cho công nhân đã tiêm vaccine có thể trở lại làm việc tại đơn vị. Pungkook mới chỉ duy trì được 5% số công nhân hoạt động theo mô hình "3 tại chỗ", không đủ cho các đơn hàng mà đơn vị này đang tiếp nhận.