Ngày 27/8, Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chủ trì cuộc họp với Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia sau nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra thời gian qua.
Trên cương vị Chủ tịch Ủy ban, ông Trương Hòa Bình đánh giá từ tháng 6 đến nay, các vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng liên tiếp xảy ra, chủ yếu liên quan đến ôtô kinh doanh vận tải, làm chết và bị thương nhiều người. Thực trạng này khiến dư luận bức xúc.
Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình. |
Nghiêm trọng nhất là vụ tai nạn ngày 26/7 tại Quảng Bình làm 15 người chết, 22 người bị thương. Ngoài ra, phải kể đến các vụ tai nạn như ở Đắk Nông ngày 13/6 làm 5 người chết, 5 người bị thương; vụ ở Kon Tum ngày 11/7 làm 6 người chết, 35 người bị thương; vụ ở Bình Thuận ngày 21/7 làm 8 người chết, 7 người bị thương.
Mới đây nhất, vụ tai nạn xảy ra tại quận Long Biên (Hà Nội) làm 3 người chết và 1 người bị thương.
Phó thủ tướng Trương Hòa Bình chỉ rõ nguyên nhân cơ bản của thực trạng này là sự buông lỏng, thiếu trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh vận tải. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý Nhà nước ở Trung ương và địa phương cũng phải chịu trách nhiệm.
"Chúng ta rất kỳ vọng vào việc ban hành Nghị định 10/NĐ-CP vừa rồi (ngày 17/1/2020 - PV) sẽ giúp nâng cao ATGT cho hoạt động kinh doanh vận tải. Vậy tại sao lại liên tiếp xảy ra tai nạn?", ông Trương Hòa Bình nêu câu hỏi.
Phó thủ tướng cho biết ông chưa nhận được bất kỳ báo cáo nào về chủ phương tiện, chủ doanh nghiệp bị xử lý hình sự do vi phạm quy định về đảm bảo ATGT trong kinh doanh vận tải, để xảy ra tai nạn có hậu quả nghiêm trọng. Ông cho rằng không thể nói chủ doanh nghiệp vô can khi để lái xe nghiện ma túy, ép lái xe không có bằng lái đúng loại xe.
Hiện trường vụ tai nạn xe khách tại Quảng Bình ngày 26/7 làm 15 người chết. Ảnh: Văn Được. |
"Sở GTVT có thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý các đơn vị này lần nào không? Nếu có thì thanh tra, kiểm tra nội dung gì? Có phát hiện sai sót, vi phạm gì trong việc thực hiện quy định pháp luật về kinh doanh vận tải? Các đồng chí đã xử lý và yêu cầu sở GTVT các địa phương xử lý thế nào?", Phó thủ tướng Trương Hòa Bình đặt hàng loạt câu hỏi.
Người đứng đầu Ủy ban ATGT quốc gia cho biết đã giao cho các bộ, ngành, địa phương kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, nhưng việc này chưa được làm quyết liệt.
"Các cấp, các ngành phải làm quyết liệt hơn. Quý III phải có báo cáo kết quả cụ thể", ông giao nhiệm vụ.
Phó thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công an trước ngày 15/9 gửi báo cáo về việc xử lý trách nhiệm của chủ phương tiện, người đứng đầu đơn vị kinh doanh vận tải có lái xe và phương tiện gây tai nạn giao thông nghiêm trọng trở lên từ tháng 1/2019 đến hết tháng 7 năm nay.
Lực lượng công an phải duy trì hoạt động tuần tra, xử lý vi phạm đối với xe tải, xe khách trong khoảng thời gian từ 21h hôm trước đến 5h hôm sau; gắn trách nhiệm của người đứng đầu đối với tình hình vi phạm trật tự ATGT của xe kinh doanh vận tải.
Từ 1/9 tới, UBND các tỉnh, thành phố tổ chức ra quân lập lại trật tự lòng, lề đường, hành lang ATGT các tuyến đường bộ, đặc biệt là các tuyến quốc lộ qua địa phương, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm hành lang ATGT.
Ủy ban ATGT quốc gia sẽ tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành về các địa phương có tình hình giao thông phức tạp để chấn chỉnh hoạt động quản lý đào tạo, sát hạch lái xe, đăng kiểm phương tiện... Thành phần đoàn kiểm tra gòm các lực lượng chức năng có thể xử lý vi phạm hoặc kiến nghị xử lý vi phạm.