Nhu cầu tiền mặt vào dịp tết năm mới thường tăng rất cao. Nhằm đáp ứng nhu cầu này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã xây dựng phương án tiền mặt, điều chuyển tiền mặt sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của người dân. Theo chỉ đạo của NHNN đối với các NHTM, đặc biệt quan tâm địa bàn có mức thu chi tiền mặt lớn như Hà Nội, TP HCM, Đồng Nai, Dình Dương.
Ngày 20/1, NHNN tổ chức họp báo về việc đáp ứng nhu cầu tiền mặt và đảm bảo hoạt động của ATM trong dịp tết Nguyên đán 2015. Bên lề cuộc họp, VOV.VN phỏng vấn Phó Thống đốc Đào Minh Tú để làm rõ hơn các thắc mắc của người nhận lương, thưởng qua tài khoản ATM.
- Thưa Phó Thống đốc, mỗi năm Tết đến câu chuyện về hệ thống ATM lại “nóng”, vì nhiều người lo không rút được tiền mặt để chi tiêu, trang trải?
- Đối với tiền mặt, ATM không phải đến Tết NHNN mới có chỉ đạo mà trong nhiều năm vừa qua chúng tôi làm rất quyết liệt, tích cực cả về chủ trương chính sách chung, sự vụ... NHNN luôn sẵn sàng cung ứng đủ tiền mặt cho các NHTM, thậm chí ưu tiên tiền mới những mệnh giá hay sử dụng cho hệ thống ATM để không bị kẹp zip, dính…
Dịp tết nhu cầu tiền mặt tăng đột biến, lúc đó DN, cơ quan xí nghiệp trả lương cho công nhân. NHNN chỉ đạo tinh thần cao nhất, tránh hiện tượng máy ATM không có tiền, hoạt động không đáp ứng đủ... Tôi khẳng định, lượng tiền mặt cho máy ATM đáp ứng đầy đủ, đặc biệt là thành lớn, khu công nghiệp… Vừa rồi, các NHTM đã đến làm việc với lãnh đạo các DN để bàn cách chi trả thuận tiện nhất cho người hưởng lương trong thời kỳ cao điểm, giáp tết.
Bây giờ mình đang tính câu chuyện ATM quá tải để có giải pháp khác, không phải chỉ mang tính tình thế, tức thì và không phải tỉnh nào cũng phải làm việc này. Việc tắc nghẽn ATM chỉ tập trung ở một số điểm, thậm chí ngay trong một địa phương cũng không phải chỗ nào cũng xảy ra tình trạng đó.
Để khắc phục tốt hơn nữa, NHNN chỉ đạo theo hướng, các NHTM tại những khu công nghiệp lớn được sử dụng nhiều biện pháp, trả tiền linh hoạt, như chuyển tiền thông qua tài vụ, trả tiền trực tiếp, hoặc người lao động đến chi nhánh gần nhất để lĩnh tiền...
- Thưa ông, những năm vừa rồi có tình trạng người lao động có thể đến NH rút tiền, nhưng lại trùng với thời gian công nhân đi làm. Vậy có cách nào để khắc phục tình trạng này không?
Phó Thống đốc Đào Minh Tú. |
- Thực ra, công nhân làm việc theo ca, kíp nên có thể dành thời gian đi rút tiền. Ngoài ra, các NHTM cũng hoạt động ngoài giờ hành chính nữa nên vẫn có những khoảng thời gian nhất định để những người làm ca kíp rút tiền. Còn trong trường hợp, những nơi tập trung nhiều công nhân, nếu phía NH phát hiện những bất cập thì chắc chắn sẽ có những xử lý tình huống cụ thể.
Với chỉ đạo quyết liệt, sát sao của NHNN, tôi tin chắc các NHTM sẽ có trách nhiệm, nhất là với những điểm nóng. Còn để xảy ra “điểm nóng” thì bản thân các NHTM cũng rất ái ngại, bị cắt thưởng… chưa kể là các NH cũng phải có chính sách cạnh tranh, lôi kéo khách hàng.
- Hiện nay, nhiều khách hàng phản ánh có tình trạng các NHTM chỉ cho hạn mức một lần rút tiền tại ATM rất thấp, chỉ 2 triệu đồng/lần, nếu muốn rút nhiều tiền thì mất nhiều phí. Ông có biết thực trạng này?
- Theo tôi biết thì hệ thống công nghệ thông tin, an ninh mạng… hiện nay có nhiều vấn đề nên phải đề phòng chứ không phải các NH thương mại đặt ra các hạn mức khi rút tiền để thu lợi. Tôi tin chắc đó không phải vì lợi nhuận.
- Thưa ông, trở lại với câu chuyện tiền mặt, nhiều người muốn dịp lễ, tết có tiền mới để đi lễ, mừng tuổi… Vậy năm nay, NHNN sẽ giải quyết nhu cầu này của người dân như thế nào ạ?
- Tiền mệnh giá 10.000, 20.000, 50.000 đồng tiếp tục được in mới. In mới tiền để mừng tuổi không phải là chính sách bắt buộc mà chỉ mang tính chất kết hợp. NHNN vẫn cung ứng các loại tiền này cho các đơn vị, còn các đơn vị có bao nhiêu thì đổi bấy nhiêu cho khách hàng của mình. Bây giờ không có chính sách nào đặt ra là phải đổi tiền để người dân mừng tuổi, đi lễ.
- 2 năm trở lại đây, NHNN không in tiền mệnh giá nhỏ, năm 2015 là tiền có mệnh giá 5.000 đồng. Ông có thể cho biết chủ trương này đã mang lại hiệu quả như thế nào?
- Năm 2013 khi không đưa tiền 500 đồng vào lưu thông đã tiết kiệm được (thông qua việc không in ấn, chi phí vận chuyển, bốc vác, bảo quản…) đã tiết kiệm được 94 tỷ đồng. Năm 2014 không in mới tiền mệnh giá 1.000 – 2.000 đồng đã tiết kiệm được 314 tỷ đồng và nếu cộng dồn với việc không in ấn và lưu thông tiền lẻ mệnh giá 500 thì năm 2014 đã tiết kiệm được 409 tỷ đồng. Năm 2015 nếu không in tiền mệnh giá 5.000 đồng mới vào lưu thông thì sẽ tiết kiệm được khoảng 171 tỷ đồng.
Cộng dồn cả ba mệnh giá và sau 3 năm thực hiện thì NHNN đã tiết kiệm được số tiền 1.084 tỷ đồng.
- Xin cảm ơn Phó Thống đốc!