Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phố heo may về

Heo may về, lạnh. Kẻ ấm, người thiếu chăn. Kẻ no, người vắng hạt cơm trong chén.

Như mọi lần, những ngày Giáng sinh và cuối năm lại mang cái lạnh loáng thoáng về qua phố. Sáng chở con đi học, cha con quấn quít vui vui. Đường về một mình, những vòng quay của bánh xe như cuộn phim trả ngược, nhặt nhạnh biết bao điều đã tan trong cái se lạnh đôi lần mình bước qua.

Heo may về, nhớ hồi bé, trường học xa nhà, ngày nào cũng ngồi thu lu sau lưng ba. Nghe thấy mình bé xíu. Cũng trời lạnh như thế này, thích lắm khi chui hai bàn tay vào túi áo gió của ba, cái túi được lót bằng vải sa-tanh mát lạnh.

Lâu lâu thử lú tay ra ngoài xem sao, một chút gió lạnh lùa vào nghe buốt buốt, lại chui tay vào tổ, thỉnh thoảng ngo ngoe mấy ngón tay trong cái túi ấy thật thích. Con nít miền Nam có bao giờ biết mùa Đông là gì nên hôm nào thấy lạnh là mừng lắm. Năm 365 ngày có mấy ngày được mặc áo ấm đâu.

Heo may về, chợt nhớ thời con còn học mẫu giáo. Ngày nào lạnh, ba mẹ phải úm đủ thứ: áo gió, bao tay, vớ chân, khăn quấn cổ, thêm cái khăn voan trùm kín mặt con nữa. Mấy cha con chở nhau đi học, lâu lâu hỏi dò xem con có lạnh không.

Con im ru, Ba chồm người nhìn thì ra con đang bận liếm liếm, chơi với cái khăn voan gió thổi áp sát vào môi. Chèm nhẹp! Cha nào, con nấy. Có những khoảnh khắc yêu đến vậy, không bao giờ quên.

Heo may về, bỗng nhớ những ngày lạnh lạnh hồi đó, mình to đầu rồi mà mỗi lần ra đường Mẹ vẫn nhắc kéo dây kéo áo gió lên cho khỏi lạnh, không được để phong phanh dễ cảm.

Sach Sai Gon chu voi tren vai anh 1

TP.HCM một ngày trời lạnh. Ảnh: Lê Quân.

Tối học khuya, mới ho hung hắng vài ba tiếng, Mẹ đã sốt ruột bước ra: Đóng cửa sổ lại đi con. Đâu biết rằng thằng nhỏ mở toang cửa để gió lạnh ùa vào nghe mới đã đã. Mẹ thương, không la.

Heo may về, đêm ngủ không mở máy lạnh, gió lạnh lùa vào nghe thích thích. Con gái nhõng nhẽo đòi ba bóp chân. Nhớ ngày xưa mỗi sáng thức dậy Mẹ cũng bóp chân cho mình y như thế dù đã lớn nhồng.

Hóa ra vì cái cảm giác đã đã, được yêu thương ấy mà bây giờ mình bắt chước Mẹ chiều con. Yêu thương nối yêu thương, lùa heo may lon ton về.

Heo may về, nhớ thuở đại học có những đêm trực trường, ba bốn thằng trải tấm nylon giăng mùng nói chuyện tào lao hoài không hết, gió lùa lạnh muốn chết vậy mà vẫn cười nhăn răng. Có năm, lịch thi trúng ngày Noel, kẹt học bài, không về thăm nhà được.

Khuya học xong, ngồi ban - công ngắm người ta đi chơi Noel, nghe tiếng chuông nhà thờ văng vẳng xa xa, nhớ nhà mắt cay cay. Giận trường, khuya ngủ ngáy cho bõ ghét.

Heo may về, nhớ có lần về quê ngoại ở Quảng Nam mới hiểu cái lạnh cắt da cắt thịt của miền Trung. Có hôm lạnh lại thêm mưa lất phất, im ắng, không khí đặc quẹo, cô độc đến khôn cùng. Hàng quán buôn bán ế ẩm.

Sach Sai Gon chu voi tren vai anh 2

Sách Sài Gòn chữ vội trên vai. Nguồn: NXB Văn hóa - Văn nghệ TP.HCM.

Thương bà mợ tối lúi húi gánh nước giếng về cho cháu tắm. Nước giếng chua chua, chẳng biết đục hay trong nữa - tắm dưới ánh trăng bàng bạc quê nghèo. Đường làng vắng teo.

Heo may về, nhớ Hà Nội những lần đầu đặt chân đến. Cảm xúc khó tả. Lạnh, mưa nhẹ, hạt mưa bé xíu như hạt bụi. Đeo ba - lô đi dọc theo phố nhỏ tìm chút gì bỏ bụng cho bữa tối.

Phố Hà Nội bé bé đến yêu, tiếng dương cầm đâu đó từ một căn gác nhỏ trên cao tí tách, lăn thật khẽ. Hắn dừng lại nghe. Lòng thấy lạ. Về phòng hí hoáy viết. Bài hát “Phím dương cầm” ra đời như thế.

Từng phím dương cầm gõ nhịp trong đêm

Từng phím dương cầm còn lại không em?

Thinh không vỡ vụn...

Heo may về, cũng làm hắn nhớ thời sinh viên thỉnh thoảng tối chui vào một quán cà phê. Cà phê Chiêu đường Nguyễn Thiện Thuật với hắn nhiều kỷ niệm. Có lần, đêm Noel ngồi ở đó, khách dập dìu, ánh sáng vừa đủ ấm.

Cô chủ cũng mộc mạc như cái ánh sáng hiền lành ấy. Nhạc xưa ở đây thật tuyệt. Nghe Tuấn Ngọc, Anh Tú, Vũ Khanh hát mấy bài hay quá, chợt thèm phải chi mình biết viết nhạc. Rồi một năm sau hắn có bài hát đầu tay Cỏ Xưa. Yêu biết mấy cho vừa. Cứ ước mơ. Đừng hỏi bao giờ chạm tới.

Heo may về, nhớ những hôm có việc về trễ, chạy xe ngang những góc đường, thấy những người lặng lẽ quét lá, quét rác bên đường, lòng nghe thương thương, nham nhám buồn.

Họ lủi thủi công việc của mình trong cái không khí lạnh lạnh đầu đêm, không ngẩng mặt lên, không màng đến xung quanh, cứ thế mà làm.

Phải thôi, ngày này qua tháng nọ, mặt họ nhìn xuống, chỉ thấy mặt đường rộng lớn trộn với tiếng chổi lào xào như tiếng đờn phết trên mặt đường không dây. Ngày tháng đã quá đầy. Bóng người và bóng cây chổi núng níu đổ dài, dìu nhau qua tiếp ngày sau.

Heo may về, lạnh lạnh. Kẻ ấm, người thiếu chăn. Kẻ no, người vắng hạt cơm trong chén. Dừng xe chờ cho qua đèn đỏ, thấy hai mẹ con nghèo ngồi sát chân mình đã hết cách mưu sinh, dắt díu nhau đến góc đường này xem dòng người còn bao nhiêu người tử tế? Người mẹ vẻ đã mệt mỏi, chán chường, làm thinh, ánh nhìn vô hình.

Thằng bé con chân trong chân ngoài lòng mẹ, miệng cười vẫn tươi. Đồ chơi của nó là cái nón lá rách tươm và mớ tóc lòa xòa của bà mẹ đủ làm nó vui. Bên kia đường một lão bụng bự ngồi rung đùi phủ phê miếng gà gặm chưa hết thịt đã vứt cho chó xơi. Chơi vơi dòng đời.

Phố vẫn thế. Heo may vẫn về như có hẹn. Nắng giờ đã lớn. Có ai ngồi đếm bao nhiêu lần mùa sang. Mùa rơi trên phố, ai nhặt lại chút hơi ấm tìm nhau - buổi ban đầu và ngày sau?

Phố heo may về

Mải mê ngồi kể

Những tháng ngày ngô nghê.

Vũ Minh Đức / NXB Văn hóa - Văn nghệ TP.HCM

SÁCH HAY