Tại cuộc họp báo thông tin về tình hình dịch bệnh Covid-19 TP.HCM chiều tối 9/7, Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM Nguyễn Nguyên Phương cho biết cập nhật đến sáng cùng ngày, một số điểm bán lương thực, thực phẩm có lượng người mua sắm tương đối đông. Hàng hóa tại hệ thống phân phối dồi dào, hoàn toàn không có chuyện hàng hóa không lên kịp, để trống quầy.
Gần 2/3 số chợ truyền thống đóng cửa, TP.HCM cung ứng hàng ra sao?
Trả lời câu hỏi của Zing về phương án phân phối hàng hóa cho người dân khi 151/234 chợ truyền thống đóng cửa (hơn 64,5%), ông Phương nhìn nhận việc này chắc chắn ảnh hưởng đến cung ứng hàng hóa cho người dân, đặc biệt là phân khúc thị phần dành cho người có thu nhập thấp tới trung bình.
Ông khẳng định Sở Công Thương rất lo lắng về vấn đề này và đã có văn bản hướng dẫn quận, huyện, TP rà soát chợ đóng cửa. Các chợ đủ điều kiện cần sớm mở lại, nơi chưa đáp ứng tiêu chuẩn phòng, chống dịch thì thông tin cho Sở để cùng khắc phục.
"Số chợ tạm ngừng hoạt động đã giảm hẳn, trước đây mỗi ngày vài chục chợ đóng cửa", ông Phương cho hay.
Sở Công Thương khẳng định đủ hàng hóa cung ứng cho người dân. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Để đảm bảo cung ứng hàng hóa cho người dân, ông Phương cho biết doanh nghiệp phải chuẩn bị thông tin về hàng hóa, quy cách, phương thức giao nhận. Các địa phương tổ chức lực lượng tiếp nhận nguồn hàng hóa, có thể huy động Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, tiểu thương tạm ngưng kinh doanh. Các đầu mối này sẽ nhận hàng hóa để cung ứng cho người dân.
Thời gian qua, giá cả một số mặt hàng tươi sống tại TP.HCM tăng cao
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM
Sở cũng quy định các quận, huyện, TP nếu đóng cửa chợ thì cần rà soát mặt bằng khu vực quanh chợ để Sở Công Thương điều phối, tổ chức điểm bán hàng lưu động hoặc bán hàng đồng giá. Cách thức là hệ thống phân phối cung cấp thông tin về mặt hàng, quy cách đóng gói, giá cả, giờ bán. Địa phương thông tin cho người dân trong khu phố để tới mua hàng.
Phó giám đốc Sở Công Thương thừa nhận thời gian qua, giá cả một số mặt hàng tươi sống tại TP.HCM tăng cao. Nguyên nhân có nhiều, như giá xăng dầu tăng, chợ đầu mối đóng cửa, tài xế gặp khó khăn khi di chuyển liên tỉnh, chi phí xét nghiệm SARS-CoV-2 cho tài xế, nguồn cầu tiêu dùng tăng đột biến...
Sở Công Thương khẳng định không thiếu hàng hóa, người dân không cần tích trữ. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Trước câu hỏi tại sao Sở Công Thương có chương trình bình ổn giá thị trường nhưng chi phí hàng hóa vẫn tăng khi giãn cách, ông Nguyễn Nguyên Phương khẳng định giá cả trong chương trình bình ổn thị trường không thiếu, không tăng. Tuy nhiên, việc vận chuyển hàng hóa không thuận lợi.
"Chúng tôi đã rất nỗ lực. Có hệ thống phân phối toàn bộ cơ quan đầu não phải cách ly tại cơ quan luôn, không về nhà được. Quan trọng nhất là hàng hóa các nơi ùn ứ. Hôm nay, chúng tôi nhận được nhiều cuộc gọi từ các địa phương, cụ thể là Cần Thơ, anh em nói hàng hóa đang ứ đọng và bức xúc vì hàng hóa không đưa được về TP.HCM", ông Phương chia sẻ.
Phó giám đốc Sở Công Thương cho biết hiện, hàng hóa đưa về TP.HCM rất khó khăn, có lúc xe hàng kẹt mấy km trên quốc lộ.
"Chúng tôi chưa bao giờ hình dung tình huống này", ông Phương chia sẻ.
Phương tiện chở hàng hóa gặp khó khi đi liên tỉnh
Trả lời Zing về phương án lưu thông cho tài xế chở hàng qua các tỉnh về TP.HCM, ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM (GTVT), cho biết đã làm việc với các tỉnh Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ cùng các bộ, ngành về việc tạo điều kiện cho phương tiện chở hàng hóa thiết yếu của thành phố.
Anh em nói hàng hóa đang ứ đọng và bức xúc vì hàng hóa không đưa được về TP.HCM. Có lúc xe hàng kẹt mấy km trên quốc lộ
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM
Thời gian qua, một số phương tiện chở hàng hóa từ các tỉnh, thành miền Tây về TP.HCM bị giữ lại tại các tỉnh do yêu cầu mới về giấy xét nghiệm.
Để tháo gỡ khó khăn, Sở GTVT TP.HCM đã báo cáo với Bộ GTVT, Bộ Y tế về phương án như thay đổi thời hạn quy định đối với giấy xét nghiệm, tạo luồng vận chuyển thông thoáng hàng hóa về TP.HCM.
UBND TP.HCM đã có văn bản gửi các tỉnh, thành đề nghị phối hợp hỗ trợ tạo "luồng xanh" cho các phương tiện vận chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu.
"Hy vọng thời gian tới, phương án mới sẽ khiến hàng hóa chuyển về thành phố thuận lợi, đáp ứng nhu cầu người dân trong thời gian cách ly xã hội", đại diện Sở GTVT cho hay.
Tài xế trình giấy tờ tại chốt kiểm soát ở cửa ngõ Long An. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Ngoài ra, ngành giao thông thành phố cũng lưu ý thêm giấy nhận diện không phải là điều kiện bắt buộc cho toàn bộ phương tiện trong thời gian áp dụng Chỉ thị 16. Giấy này được Sở cung cấp cho doanh nghiệp có lượng hàng hóa lớn, xe chuyên chở công nhân, chuyên gia.
Thông tin về tình hình giao thông ngày đầu áp dụng Chỉ thị 16, ông Đường cho biết qua số liệu của hệ thống giám sát, ngày 9/7, lượng phương tiện tại các tuyến đường chính trên địa bàn đã giảm khoảng 15%. Xe chở hàng hóa ra vào các cảng cũng giảm 10% so với những ngày trước.
"Một số thời điểm, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây ùn tắc khoảng 2 km, nhiều xe phải quay đầu khiến giao thông ùn ứ. Nguyên nhân có thể là người dân chưa chuẩn bị đầy đủ giấy tờ theo quy định mới", đại diện Sở GTVT TP.HCM thông tin.
Ngày 8/7, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong đã ký công văn số 2279 về áp dụng Chỉ thị 16 trên toàn TP.HCM trong 15 ngày kể từ 0h ngày 9/7.
Theo đó, các loại phương tiện công cộng, xe hợp đồng, xe ôm, xe hai bánh vận chuyển hành khách có sử dụng công nghệ đều tạm dừng hoạt động. Các dịch vụ bán đồ ăn mang về cũng phải tạm ngưng. TP.HCM đã chuẩn bị đủ hàng hóa để cung ứng cho người dân và đề nghị người dân không tích trữ lương thực, thực phẩm, gây tập trung đông người tại các điểm mua, bán nhu yếu phẩm.
Từ ngày 27/4 đến tối 9/7, TP.HCM ghi nhận 10.295 ca mắc Covid-19, đang là ổ dịch lớn nhất trên cả nước.