4 tháng chuẩn bị kể từ khi có quyết định phê duyệt chủ trương của thành phố, UBND quận Hai Bà Trưng tổ chức lễ khai trương không gian phố đi bộ Trần Nhân Tông và vùng phụ cận vào tối 30/12.
Lựa chọn việc khai trương phố đi bộ trùng với thời điểm chuẩn bị bước sang năm mới, địa phương hy vọng địa điểm sẽ thu hút sự tham gia của người dân. Dù vậy, nhiều người tỏ ra thất vọng ngay trong lần đầu đến tham gia hoạt động đi bộ ở tuyến phố này.
Thất vọng
Đặt chân đến tuyến phố đi bộ Trần Nhân Tông sau khi phần lễ khai trương kết thúc, chị Vũ Ánh Ngọc và chồng bất ngờ khi toàn bộ phần không gian vỉa hè giáp với hồ Thiền Quang "biến" thành một hội chợ thu nhỏ với những gian hàng bày bán đủ các món đồ từ quần áo, đồ gia dụng đến thức ăn.
"Tôi thích không gian tự nhiên như ở phố đi bộ hồ Gươm hơn là bày bán gian hàng như thế này", chị Ngọc chia sẻ cảm nghĩ sau khi cùng chồng đi dạo một vòng quanh tuyến phố.
Người phụ nữ cho biết chỉ tình cờ đi ngang qua đây, thấy khu vực đã được rào chắn để làm phố đi bộ nên muốn vào trải nghiệm. Nhưng quang cảnh không có gì đặc sắc, chủ yếu là gian hàng kinh doanh khiến chị có phần thất vọng.
Chị Ánh Ngọc và chồng tham gia buổi khai trương phố đi bộ Trần Nhân Tông nhưng không hài lòng vì các gian hàng bày bán như hội chợ. Ảnh: Mỹ Hà. |
Chung cảm nhận, Phạm Hồng Anh (quận Hà Đông) cho biết đã vượt quãng đường xa đến trải nghiệm không gian đi bộ tại đây. Nhưng chị cảm thấy chưa thỏa mãn với trải nghiệm này khi ngoài một số trò chơi dân gian như kéo co, nhảy sạp, không gian này có rất ít điểm nhấn về văn hóa.
"Gọi là phố đi bộ quanh hồ Thiền Quang nhưng toàn bộ gian hàng kinh doanh đã chắn hết tầm nhìn ra phía hồ. Trong khi ngoài đèn led nhấp nháy trưng bày trên cây, tôi cũng không thấy khung cảnh ở đây có gì đặc sắc", chị Hồng Anh nói.
Người phụ nữ so sánh phố đi bộ Trần Nhân Tông với tuyến phố đi bộ ẩm thực đêm Đảo Ngọc - Ngũ Xã cũng vừa khai trương và cho biết hai không gian này hoàn toàn khác nhau.
Theo chị, phố Đảo Ngọc - Ngũ Xã dù nhỏ hẹp hơn, vẫn tận dụng được hàng quán có sẵn từ nhà dân, không có thêm gian hàng chắn tầm nhìn ra phía mặt nước. Đồng thời, không gian này được treo đèn lồng mang phong cách Hong Kong nên có được điểm nhấn riêng.
Trong khi đó, phố đi bộ Trần Nhân Tông quá thiếu điểm nhấn. Mặc dù khó chịu vì bị lấn chiếm không gian đi bộ, chị cũng hiểu rằng nếu không có những gian hàng bày bán thì người dân cũng không biết tham gia hoạt động gì ở khu vực này.
Ở góc nhìn tích cực hơn, bà Thu Mai (quận Hai Bà Trưng) cho biết hài lòng với những trải nghiệm ở phố đi bộ hồ Thiền Quang. Theo cô, những gian hàng bày trên vỉa hè giúp người dân có thể mua sắm khi tham quan phố đi bộ.
"Tôi cũng hài lòng vì không có tình trạng chèo kéo khách như nhiều tuyến phố khác, việc mua sắm diễn ra khá văn minh và trật tự. Một số gian hàng có bán đồ ăn ngon và đặc sắc", bà Mai bày tỏ.
Với việc một số trò chơi dân gian như kéo co, nhảy sạp, hát dạo... thu hút được sự tham gia của người trẻ, người phụ nữ đánh giá tuyến phố này đã làm tròn vai trò là một không gian để đi bộ, vui chơi, mua sắm.
Đừng biến phố đi bộ thành hội chợ
Theo ghi nhận của Zing, buổi tối khai trương phố đi bộ Trần Nhân Tông khá vắng vẻ, chủ yếu thu hút sự tham gia của người dân sống xung quanh khu vực.
Ngay từ cổng chào bước vào là các gian hàng bày bán quần áo, đồ ăn. Toàn bộ phần vỉa hè chạy dọc tuyến phố bị khoảng 40 gian hàng chiếm dụng với nhiều loại mặt hàng, che lấp quang cảnh ở hồ Thiền Quang và chiếm mất phần không gian đi bộ.
Đáng chú ý, một số gian hàng bày dao, kéo... là những vật dụng không phù hợp khi bày bán ở một nơi mà người dân đến để vui chơi, thư giãn như phố đi bộ.
Trong khi đó, các hoạt động để người dân tham gia khá nghèo nàn vì chỉ có trò chơi kéo co, nhảy sạp và hát qua loa kẹo kéo. Khung cảnh được đầu tư trang trí bằng đèn led nhưng các điểm nhấn mang tính văn hóa gần như không có.
Dù vậy, điểm cộng là việc gửi xe để vào phố đi bộ khá thuận tiện. Ngay từ cổng vào, người dân có thể nhìn thấy bảng chỉ dẫn khu vực gửi xe ở trong khuôn viên của Công viên Thống Nhất.
Đồng thời, với những người thích mua sắm và ăn uống, việc tham gia phố đi bộ này có thể là lựa chọn phù hợp.
Toàn bộ vỉa hè ở phố đi bộ Trần Nhân Tông được sử dụng để các gian hàng bày bán từ đồ ăn, quần áo, đồ gia dụng đến dao, kéo. Ảnh: Mỹ Hà - Quy Lê. |
Theo ông Nguyễn Quang Trung, Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng, không gian phố đi bộ phố Trần Nhân Tông được kỳ vọng phát huy giá trị vốn có của công viên Thống Nhất, hồ Thiền Quang, cụm di tích chùa Quang Hoa...
"Kết hợp với quảng trường "Công an nhân dân vì dân phục vụ", các yếu tố trên tạo ra một khu vực văn hóa cộng đồng, đáp ứng nhu cầu giao lưu văn hóa, vui chơi giải trí, mua sắm gắn với ẩm thực của người dân", theo ông Trung.
Để phố đi bộ được duy trì và hoạt động hiệu quả thời gian tới, lãnh đạo quận Hai Bà Trưng cho biết địa phương tiếp tục hoàn chỉnh thiết kế đô thị, đầu tư, nâng cấp, chỉnh trang cảnh quan, định hình không gian giao lưu văn hóa - ẩm thực đặc sắc, góp phần thu hút người dân.
Sau khi khai trương, phố đi bộ Trần Nhân Tông sẽ hoạt động trong hai ngày thứ 7 và chủ nhật hàng tuần, từ 7h đến 24h.
Trao đổi với Zing, KTS Trần Huy Ánh, Ủy viên Thường trực Hội Kiến trúc sư Hà Nội, cho rằng việc biến một tuyến phố trở thành mô hình hội chợ sẽ phá hủy sức hấp dẫn tự nhiên của nó.
Theo đó, nếu chỉ quan tâm đến mục đích kinh tế khi thành lập một tuyến phố đi bộ sẽ khiến mô hình này thất bại. Trong khi về bản chất, mục tiêu khi địa phương "tạo ra" phố đi bộ không phải để kinh doanh mà là nâng cao chất lượng đô thị và trả lại cho người dân phần không gian hàng ngày bị xe cộ chen chúc.
Trong tháng 12, Hà Nội khai trương hai tuyến phố đi bộ mới là phố đi bộ ẩm thực đêm Đảo Ngọc - Ngũ Xã ven hồ Trúc Bạch và phố Trần Nhân Tông ven hồ Thiền Quang. Ảnh: Google Maps. |
Những cuốn sách hay về đô thị Hà Nội
Hà Nội chuyện xưa phố cũ gồm 39 đoản văn biên khảo về các hoạt động ở Hà Nội giữa thế kỷ XX trở về trước, từ chuyện phố xá, quy hoạch, đến chuyện ăn, chuyện mặc,... của người Hà thành.
Mùa đi qua phố - bạn đọc sẽ rung động theo những cảm nhận riêng, đôi khi rất khác nhau về Hà Nội trong bốn mùa xuân, hạ, thu, đông.