Trong thời hoàng kim, Cheongnyangni 588 là nơi kiếm sống của 1.000 cô gái.
Cheongnyangni 588 là một trong 44 khu đèn đỏ trên khắp Hàn Quốc.
Theo Korea Herald, trong những ngày cuối cùng của Cheongnyangni 588, phần lớn "lực lượng lao động" và dân dắt mối đã chuyển đi. Hầu hết trong số 156 nhà thổ tại đây đã đóng cửa. Một tấm băng rôn chào mừng dự án tái quy hoạch được treo lên ngay lối vào con đường này. Trong khu phố một thời sầm uất, những thứ còn lại là nhà cửa bỏ hoang, cửa kính vỡ, tường được viết chữ "giải tỏa". Chỉ có 8 nhà thổ còn hoạt động vì từ chối dời đi.
Dù chỉ còn vài cô gái ngồi trước cửa để đón khách, nhiều đàn ông trung niên vẫn tìm đến họ. Một vài người trong số đó đi vào trong.
Một trong số những ngôi nhà đang chờ giải tỏa tại Cheongnyangni 588. Ảnh: Korea Herald.
|
Những thập kỷ hoàng kim
Theo Korea Times, lịch sử của Cheongnyangni 588 bắt đầu từ thời Chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953). Khi đó, Ga Cheongnyangi, cách Cheongnyangni 588 hiện nay chỉ 5 phút đi bộ, là điểm trung chuyển chính của binh sĩ để ra chiến trường phía đông ở tỉnh Kangwon. Vì vậy, các cô gái bán dâm bắt đầu tụ tập về đây để kiếm khách.
Thời hoàng kim của Cheongnyangni 588 là vào thập kỷ 1980 và 1990, khi phố đèn đỏ này trở thành nơi kiếm sống của khoảng 1.000 cô gái và là 1 trong 3 khu đèn đỏ lớn nhất Hàn Quốc, cùng với Cheonho-dong Texas và Miari Texas. Con số 588 có thể là địa chỉ của khu vực này hoặc là số hiệu của tuyến xe buýt nội thành đi ngang qua đây.
"Trong hơn 30 năm tôi làm ăn tại đây, chỗ này chẳng thay đổi chút nào. Trừ việc ngày càng sa đọa hơn. Vào những ngày huy hoàng của thập kỷ 1980 và 1990, có những kẻ ngậm tờ 10.000 won trong miệng và đi khắp phố", Korea Times dẫn lời một "chủ doanh nghiệp" 48 tuổi làm ăn tại đây.
"Đạo luật năm 2004 đã làm chúng tôi chao đảo", người đàn ông này cho biết.
Một người dắt mối khác, 60 tuổi và thường được các đồng nghiệp gọi là "anh lớn", cho biết trước đây các cô gái đang trong cảnh nợ nần thường bị đẩy vào con đường này. Mọi chuyện đã thay đổi.
"Bây giờ họ đi làm bằng Mercedes và BMW. Họ có thể là sinh viên đại học hoặc mẹ đơn thân và phần lớn đến từ nông thôn. Họ làm việc 5 ngày/tuần, không khác gì viên chức. Chúng tôi mới là những người đang khó khăn", ông nói.
Năm 2004, Luật Cấm bán dâm đã biến các khu phố đèn đỏ tại Hàn Quốc trở thành hoạt động bất hợp pháp. Việc mua bán dâm trở nên kín đáo hơn, người mua bán dâm rút về hoạt động trên mạng. Từ đó, nhu cầu đối với các nhà thổ ở Cheongnyangni 588 cũng giảm sút.
Dù vậy, khu vực này vẫn là nơi trú ngụ và kiếm sống cho nhiều người bán dâm, những kẻ dắt mối, "tú bà", người dọn dẹp, chủ nhà nghỉ và cả người bán phim khiêu dâm.
Cheongnyangni 588 thời thịnh vượng. Ảnh: Korea Herald.
|
Tồn tại cùng lịch sử thành phố
Theo số liệu đến năm 2014, Hàn Quốc có 44 khu phố đèn đỏ. Nhưng con số này đang sụt giảm nhanh chóng. Năm 2010, một khu nhà thổ ở gần Ga Yongsan (trung tâm Seoul) bị giải tỏa trong dự án tái quy hoạch do Samsung khởi xướng. Một khu phố khác tại Miari (phía bắc Seoul) đã biến thành khu dân cư. Nhiều nơi khác đang chứng kiến lượng khách hàng giảm sút.
Văn phòng quận Dongdaemun cho biết 85% trong số hơn 700 căn nhà ở khu vực Cheongnyangni, bao gồm cả nhà dân lẫn các cửa hàng bình thường, đã di dời. Số bám trụ là những người chưa thỏa thuận được tiền đền bù.
Dù vậy, những người làm trong ngành công nghiệp tình dục nói rằng việc giải tỏa các khu phố đèn đỏ không thể dẹp bỏ loại hình kinh doanh này.
"Nhiều người bán dâm đã rời khỏi Cheongnyangni 588. Không ai thật sự biết họ đi đâu. Tôi nghe rằng một số người đến những phố đèn đỏ khác. Những người khác có lẽ đã vào làm tại những quán bar, quán karaoke và tiệm massage chuyên nhận khách trên mạng", một người "trong nghề" giấu tên cho biết.
Trong khi đó, các nhà nghiên cứu xã hội học cho rằng những khu phố như Cheongnyangni 588 đã tồn tại cùng nhiều thập kỷ phát triển của Hàn Quốc.
"Đó là sản phẩm của thời kỳ đô thị hóa sau chiến tranh, giai đoạn những người nhập cư từ nông thôn đổ về sống tại thủ đô, nơi đây đã quyện chặt với các hoạt động chính trị của người dân Seoul", giáo sư Oh Yoo Seok của Viện nghiên cứu Dân chủ và các Phong trào Xã hội thuộc Đại học Sungkonghoe, nhận định.
"Nhà nước dung dưỡng cho sự lớn mạnh của nó trong khi xã hội hưởng lợi từ nó. Ở một mặt khác, người ta làm lơ trước những nạn nhân - những người bán dâm. Không nên dùng góc nhìn đạo đức của một người đứng ngoài để đánh giá Cheongnyangni 588", giáo sư này cho biết.