AFP đưa tin sau khi đào tẩu hồi tháng 8/2016, ông Thae đã được cấp quốc tịch Hàn Quốc và đang thích nghi với cuộc sống mới. Khác với những người Triều Tiên đào tẩu khác, ông Thae không ngần ngại xuất hiện ở nơi công cộng và chia sẻ về cuộc sống ở Triều Tiên.
Xuất hiện ồn ào
Gần như suốt tuần đầu tiên của năm mới, ông Thae tham gia hàng loạt chương trình truyền hình của Hàn Quốc, nói chuyện vui vẻ cùng những người đào tẩu như ông và khẳng định Triều Tiên đang lung lay.
Ông Thae không ngại xuất hiện trên các chương trình truyền hình Hàn Quốc. Ảnh: Reuters. |
Thae cũng trở thành chuyên gia về tình hình Triều Tiên quen thuộc trên nhiều tờ báo ở Hàn Quốc. Trong bài phỏng vấn hôm qua 6/1 trên tờ Joong Ang Daily, khi phân tích thông điệp năm mới của nhà lãnh đạo Kim Jong Un, ông Thae cho biết chính quyền Bình Nhưỡng tỏ rõ quyết tâm bảo vệ và phát triển chương trình tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM).
Hiện tại, ông Thae đang được Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc (NIS) bảo vệ. Ông không lo ngại về an toàn của mình ở Hàn Quốc, thậm chí còn làm việc tại viện nghiên cứu của NIS cùng nhiều người Triều Tiên bỏ trốn khác.
Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết hơn 1.400 người Triều Tiên đã trốn sang nước này vào năm 2016, tăng so với con số 1.275 người của năm 2015. Đến nay, hơn 30.000 người Triều Tiên đã đào tẩu sang Hàn Quốc.
So với phần lớn người đào tẩu chủ yếu sống ở vùng nông thôn gần biên giới Trung Quốc, ông Thae thuộc tầng lớp thượng lưu ở Bình Nhưỡng với lối sống hiện đại, nói tiếng Anh hoàn hảo và phong thái lôi cuốn.
“Thae hoàn toàn có thể trở thành người phát ngôn và biểu tượng cho những người đào tẩu”, Sokeel Park, đại diện một tổ chức làm việc cùng người Triều Tiên ở Hàn Quốc, nói.
Cựu phó đại sứ Triều Tiên tươi cười trong một sự kiện ở Seoul ngày 27/12/2016. Ảnh: Reuters. |
Nỗi sợ ám sát của những người đào tẩu
Ông Thae là quan chức Triều Tiên cấp cao nhất đã quay lưng với chính quyền này để đến Hàn Quốc trong 20 năm qua. Trước Thae, một nhân vật quan trọng từng đào tẩu năm 1997 là Hwang Jong Yop, nguyên chủ tịch quốc hội Triều Tiên.
Cả cuộc đời chạy trốn của Hwang rất ít khi xuất hiện ở nơi công cộng do nỗi sợ bị ám sát. Đến năm 2010, người ta phát hiện ông đã qua đời trong bồn tắm.
Nỗi lo sợ của Hwang không hẳn là mơ hồ. Cùng năm ông chạy đến Hàn Quốc, một người đào tẩu nổi bật khác là Yi Han Yong đã bị nhóm người nghi là điệp viên Triều Tiên hạ sát. Cũng ngay sau khi thông tin ông Hwang qua đời được công bố, chính quyền Seoul thông báo bắt giữ một điệp viên Triều Tiên được cho là đang lên kế hoạch giết ông.
Trong những năm sống ở Hàn Quốc, Hwang vô cùng thận trọng trước mọi sự việc. Ông chỉ ra khỏi nhà khi có lực lượng hộ tống đầy đủ, không bao giờ đụng vào ly nước trong các sự kiện.
“Sự khác biệt cơ bản là vai trò của Thae ít quan trọng hơn. Ông Hwang dẫu sao cũng là một giáo sư triết học, một quan chức cao cấp với hệ tư tưởng của nước này”, Michael Madden, chuyên gia về Triều Tiên, nói.