Hết phố Hàng Mắm, chúng tôi sang phố des Cordiers (phố của những người làm thừng, chưa rõ tên tiếng Việt là gì - dịch giả) phải qua một mê cung những con phố nhỏ hẹp, phải theo cách định hướng để tới phố du Change.
Cả một đống thợ và buôn bán vặt quần tụ tại mê cung này. Họ phải ở chen chúc có khi hai, ba gia đình trong một căn lều tồi tàn và chiếm dụng cả đường phố để làm nghề hoặc bán hàng.
Người châu Âu hiếm khi lai vãng tới khu phố cổ này, nếu bất chợt có một người tới là các bà nội trợ vội vàng ra cửa để xem người ngoại quốc ấy.
Thế là chuyện trò không dứt xen lẫn tiếng cười vừa bật ra đã vội nén lại: “Cái lão quỷ đỏ kia! Râu dài thế chắc già lắm rồi! Da hắn như da lợn cạo ấy nhỉ! Hai thằng kia rõ khổ! Đổ mồ hôi sôi nước mắt kéo cái lão to như con bò mộng”. Khách lạ đã đi khỏi nhưng những câu bông đùa còn tiếp tục khá lâu.
Hình ảnh phố des Changeurs (Hàng Bạc) trên một tấm bưu thiếp gửi ngày 9 tháng giêng năm 1903. Nguồn ảnh: Manhhaiflickr. |
Phố du Change (còn có tên gọi là phố des Changeurs, nghĩa là phố đổi tiền hoặc phố của những người đổi tiền, nay là phố Hàng Bạc - dịch giả) là một trong những phố đẹp nhất của Hà Nội. Như tên gọi, những người đổi tiền ở phố này. Họ đang bắt chéo chân ngồi trong cửa hiệu, trước một cọc tiền và cái tráp sơn nhỏ dùng để đựng tiền.
Đồng tiền kẽm An Nam tròn, đường kính nhỏ hơn đồng kẽm của ta, giữa có lỗ vuông, hai mặt có chữ Hán chỉ rõ được đúc dưới triều vua nào. Năm trăm đồng kẽm xâu qua lỗ vuông bằng một sợi dây là một quan (tiền xưa của ta gồm ba đơn vị, lớn nhất là quan, tiếp đến là tiền, tiền lại chi ra tiền quý và tiền gián - dịch giả). Phải từ năm đến bảy quan mới có giá trị bằng một đồng bạc.
Để tránh nạn buôn tiền mà thương nhân Tàu và công chức An Nam dễ dàng thực hiện, mỗi tháng công sứ Pháp ở Hà Nội định giá chính thức của đồng bạc với đồng kẽm An Nam một lần. Nhưng quy định ấy không áp dụng chặt chẽ ở Hàng Bạc.
Người An Nam đánh giá đồng bạc không chỉ ở trọng lượng bạc mà còn xem đúc có hoàn hảo không, mặc dầu tiếng gieo đã chứng tỏ là bạc nguyên chất. Một đồng bạc hình đúc thật rõ nét, gieo xuống vật thể rắn tiếng kêu trong và ngân dài được người bản xứ trả thêm một quan so với đồng bạc cùng trọng lượng nhưng không đủ các điều kiện trên.
Ở An Nam cũng như ở Pháp, việc đúc tiền do chính phủ thực hiện. Bây giờ việc này được tiến hành ở Huế.
Đồng kẽm là loại tiền rất cồng kềnh và bất tiện. Cần một cu li khỏe mạnh mới mang nổi số quan tiền trị giá mười franc của Pháp. [...]
Đồng tiền An Nam bất tiện không chỉ vì nặng và cồng kềnh mà còn vì giòn, dễ gãy. Đó là một hợp kim kẽm, thiếc và đất, không chịu được va chạm. Sợi mây xâu quan tiền rất dễ tuột nút buộc để tiền tuột ra, rơi xuống đất. Đồng tiền muốn tiêu được thì phải còn nguyên vẹn và còn xâu vào dây được. Những đồng bị gãy là hết giá trị.
Ở phố này còn có thợ đúc bạc nén. Đó là những thoi bạc nhỏ, vuông bốn góc, dài bốn, năm xentimét, trọng lượng và độ dày không nhất định, là bạc gần nguyên chất.
Trước khi người châu Âu và nhất là người Tàu đưa đồng bạc Mexico vào thì tiền An Nam chỉ là những nén bạc và những đồng kẽm mà thôi (như vậy, quan và tiền chỉ dùng để tính toán - dịch giả). Từ khi có đồng bạc thì bạc nén và nhất là vàng nén càng hiếm trong thương mại.