Hầu như sáng nào chúng tôi cũng từ thành nội tới khu Nhượng địa nghe báo cáo của thầy thuốc trưởng trạm quân y. Khi trở về, nếu có thời gian chúng tôi khoác vai nhau thẩn thơ dạo qua phố xá theo con đường dài nhất. Mỗi bước, chúng tôi lại dừng để ghi một chi tiết lạ, nghiên cứu tại chỗ những phong tục hay hay...
Mới sáng ra mà phố xá đã đông người. Trên con đường lớn của khu Nhượng địa, đi lại khó khăn vì phải chen chúc nhau. Những công nhân do công binh thuê với giá bình quân tám mươi centime một người, một ngày lũ lượt kéo đến: Có những người đàn bà mang theo quang gánh (trong nguyên tác, tác giả viết là "những cái cân lớn", có lẽ vì quá lạ lùng với sự gánh gồng của dân Việt Nam - dịch giả) để chuyên chở gạch và đất; những người đàn ông với đồ nghề trong tay.
Hãy chú ý đến cái bào, cái cưa của thợ mộc, cái dây quả dọi và thước đo góc của thợ làm nhà, chắc các bạn cũng đồng ý với tôi rằng chúng ta chẳng sáng chế được gì cả. Chỉ vài ngày những người dân thường ấy đã biết hệ đo lường của Pháp và bây giờ họ đã sử dụng thước mét của chúng ta.
Xin hãy dừng một lát trước kho bạc. Người nộp đã đến ngồi trước két bạc. Người gõ bạc cũng đã vào vị trí dưới mái hiên. Đó là một người An Nam vẻ mặt thông minh, đứng trước một cái bàn trên để một khoanh gỗ cứng nhẵn lì. Chúng ta hãy xem anh ta làm việc vì đúng lúc này có một nhà thầu lớn người Tàu đến nộp tiền.
Ở Bắc Kỳ không ai biết đến tiền vàng, mọi khoản thanh toán đều dùng đồng bạc Mexico rất nặng. Vì thế có một cu li còng lưng vác bao tiền theo sau người Tàu. Cách thanh toán ấy làm nảy sinh nhiều thủ đoạn gian dối của các vị con trời và người An Nam; pha chì hay thiếc vào để rút bớt bạc của đồng tiền.
Nhưng đã có người gõ bạc để vạch ra sự lừa đảo đó. Anh ta gieo từng đồng bạc xuống thớt gỗ cứng. Những đồng nào phát ra tiếng không trong của bạc thật bị loại ngay không thương tiếc. Trong vòng mười phút, anh ta kiểm tra xong năm trăm đồng bạc, loại ra ba đồng.
Phố Hàng Bè. Tranh khắc theo ảnh chụp của bác sĩ Hocquard. |
Vì muốn đi dạo lâu, chúng tôi thuê từ cổng khu Nhượng địa một xe hai bánh của Nhật do hai cu li kéo (xe tay hay xe kéo - dịch giả). Một cu li nắm hai càng xe ở phía trước kéo đi, cu li thứ hai đẩy ở phía sau. Với vài ba xu, họ đưa chúng tôi đi hàng giờ khắp Hà Nội.
Hãy đi về bên phải, dọc theo sông. Bây giờ ta đang ở phố des Marchands de bois (phố những nhà buôn gỗ, tức phố Hàng Bè - dịch giả).
Hai lề phố là những nhà nhỏ lợp rạ. Trước mỗi nhà là những mẫu tre gỗ để bán được dựng hay xếp theo từng loại. Có đến năm, sáu loại tre dài ở Bắc Kỳ, những cây gỗ thuộc rất nhiều loài khác nhau, trong số đó tôi nhận ra cay-ven-ven (Anisoptera sepulchrorum), một loại gỗ không mục, người An Nam dùng để đóng quan tài (cây vên vên, dùng đóng quan tài rẻ tiền, là loại gỗ đóng quan tài mau hỏng - dịch giả), và vài súc cay-go (Nauclea orientalis) (cây gõ hoặc gụ - dịch giả) rất hiếm, được người An Nam đánh giá rất cao vì ngâm nước hơn bốn mươi năm chưa mục.
Đắt nhất trong các loại gỗ xây dựng bản xứ là cay-liem (cây lim, gỗ sắt, Việt Nam có bốn loại gỗ sắt: Đinh, lim, sến, táu - dịch giả), một súc dài 5 m, đường kính 50, 60 cm có giá tới một trăm franc.
Tất cả đống tre gỗ này đều được chở theo đường thủy từ những cánh rừng ven sông Hồng và sông Đà (ngoài rừng Tây Bắc thì rừng Đông Bắc, rừng Thanh Hoa, Nghệ An cũng cung cấp gỗ cho Hà Nội - dịch giả) về Hà Nội.
Mỗi cây gỗ đều được đục lỗ ở một đầu để xỏ dây song hay dây rừng cho trâu, có khi là voi, kéo từ chỗ hạ cây ra sông.
Rừng Bắc Kỳ hầu như chỉ do người Mường khai thác. Người An Nam ở đồng bằng, nhất là vùng châu thổ, rất khiếp sợ rừng. Họ cho rằng những ma quỷ độc ác đầy rẫy trong rừng không tha thứ cho kẻ nào cướp đi thứ gì của rừng và sớm hay muộn sẽ trừng trị những kẻ dám đến khuấy động phá vỡ sự yên tĩnh của chúng.
Tôi muốn thêm vào đó những con hổ, cư dân thường thấy ở những khu rừng lớn và bệnh sốt rét ác tính do qua lại dưới tán rừng ẩm thấp, đi trên lớp rác hữu cơ lưu cữu, tích lũy hàng thế kỷ cũng góp phần duy trì sự khiếp hãi vì mê tín của người bản xứ (chắc hồi đó chưa biết ký sinh trùng sốt rét do muỗi là vật trung gian truyền đi - dịch giả).