19h30 ngày 8/7, TP.HCM tổ chức họp báo cung cấp thông tin về triển khai thực hiện Chỉ thị 16 tại TP.HCM và kỳ thi tốt nghiệp THPT. Họp báo diễn ra chậm hơn dự kiến 30 phút do cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM kéo dài.
Đầu buổi họp, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết trưa 8/7, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong đã ký văn bản 2279 về áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo tinh thần của Chỉ thị 16.
TP.HCM hướng dẫn cụ thể việc thực hiện Chỉ thị 16
Ông Đức nhấn mạnh nguyên tắc của lần áp dụng này là gia đình cách ly với gia đình, tổ dân phố - tổ nhân dân cách ly với tổ dân phố - tổ nhân dân, khu phố - ấp cách ly với khu phố - ấp, xã - phường - thị trấn cách ly với xã - phường - thị trấn, quận - huyện và thành phố Thủ Đức cách ly với quận - huyện và thành phố Thủ Đức.
TP.HCM sẽ thực hiện Chỉ thị 16 từ 0h ngày 9/7. Ảnh: Phạm Ngôn. |
"Mục đích chính là tận dụng thời gian giãn cách xã hội để siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch nhằm đạt kết quả cao nhất", ông Đức cho hay. Phó chủ tịch nhắc lại năm 2020, toàn quốc từng áp dụng Chỉ thị 16. Hiện, TP.HCM căn cứ trên nội dung của Chỉ thị 16 để ban hành văn bản 2279. Cơ bản đảm bảo giãn cách xã hội và duy trì hoạt động thiết yếu, hoạt động sản xuất nếu an toàn.
Ông Đức cho biết tinh thần là ngưng tất cả hoạt động không cần thiết. Cơ quan Nhà nước dừng cuộc họp không cần thiết, chỉ nhận hồ sơ trực tuyến, trừ trường hợp đặc biệt thì thủ trưởng cơ quan công bố cho người dân.
Về giao thông, thành phố sẽ hạn chế giao lưu không cần thiết trên đường nhưng vẫn phải duy trì, đảm bảo lưu thông hàng hóa, đảm bảo cung ứng dịch vụ thiết yếu như vận chuyển hàng hóa phục vụ sản xuất, lương thực thực phẩm... Thành phố vẫn tiếp tục cho phép siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng cung cấp dịch vụ thiết yếu hoạt động để đảm bảo duy trì, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cấp thiết của người dân.
Hoạt động y tế và đảm bảo an ninh trật tự phải hoạt động ở mức cao nhất. Lực lượng y tế và vũ trang làm việc 100% công suất. Sở Giao thông Vận tải (GTVT) được giao nội dung liên quan đến ngừng hoạt động vận chuyển hành khách. Nhưng vận chuyển hàng hóa vẫn duy trì với loại hình cấp thiết.
Sở Y tế và các sở ngành liên quan phải tập trung chuẩn bị cơ sở chữa bệnh, cơ sở cách ly phải đảm bảo dự phòng trong tình huống diễn biến xấu. Cụ thể, ông Đức cho biết ngành y tế phải nâng quy mô để dự phòng trong trường hợp có đến 1.000 bệnh nhân nặng. UBND TP.HCM giao Sở Y tế thực hiện tiêm vaccine cho người dân an toàn và đúng tiến độ vì một trong những mục tiêu của thành phố là cố gắng đạt miễn dịch cộng đồng.
Phó chủ tịch khẳng định thành phố đã tính toán để đảm bảo duy trì các nguồn cung ứng. Chợ truyền thống đảm bảo an toàn vẫn được duy trì để đảm bảo cung cấp nhu cầu thiết yếu của người dân.
Shipper được hoạt động nhưng cấm dịch vụ ăn uống mang về
Tại họp báo, nhiều phóng viên đặt câu hỏi chi tiết về việc tạm dừng dịch vụ ăn uống mang về. Ông Đức cho biết các dịch vụ vận chuyển hàng hóa bằng môtô không phải chở người vẫn được duy trì.
Shipper được phép hoạt động. Ảnh: Phạm Ngôn. |
"Các hoạt động liên quan vận chuyển hàng hóa, giao hàng bằng môtô vẫn được tiếp tục duy trì như trong văn bản", ông Đức cho biết.
Về câu hỏi liên quan dịch vụ ăn uống mang về, ông Đức cho biết trong Chỉ thị 10 đã cấm việc ăn uống tại chỗ, giờ thành phố cấm thêm mang về. Làm rõ hơn điều này, ông Đức cho biết theo chỉ thị mới, chủ thể là người bán hàng dịch vụ ăn uống sẽ phải tạm ngưng bán mang về.
Phó chủ tịch Dương Anh Đức nói thành phố đang ở một giai đoạn khó khăn mà mỗi người phải hy sinh một chút. "Không có quyết định nào toàn vẹn. Ra quyết định này lãnh đạo thành phố rất cân nhắc. Ví dụ như cá nhân tôi cũng rất cần. Tôi, bà xã và con đều làm suốt ngày nên thường về muộn. Nếu có dịch vụ như vậy rất tiện lợi cho mình", ông chia sẻ.
Tuy nhiên, thực tế các nơi bán hàng ví dụ như tiệm bánh mì, khi nhiều người đặt hàng, shipper đến đứng đợi ở cửa hàng rất khó đảm bảo giãn cách theo Chỉ thị 16. Cụ thể, yêu cầu giãn cách là hai người mà thường những tiệm nhỏ như tiệm bánh mì cũng có 2 người bán. Thêm một người đến mua nữa là 3 người.
"Mong mỏi sự chia sẻ vì mỗi loại hình hoạt động phải dừng là vấn đề rất đắn đo, cân nhắc của lãnh đạo thành phố. Thành phố thời gian vừa qua đã nhận cái khó về mình. Cân nhắc từng bước, hoạt động nguy cơ cao thì mới siết chặt và đến lúc này, cần những biện pháp thực sự quyết liệt và rất mong có sự chia sẻ, đồng cảm, ủng hộ của người dân", ông Đức nói.
Phó chủ tịch nhận định những việc trước đây tiện lợi thì cố gắng làm cách khác thay thế. "Ví dụ, tôi cố gắng tự nấu, nếu không thì tôi cũng tự nấu mì ăn liền. Thực tế thời gian qua tôi ăn rất nhiều loại mì khác nhau. Mỗi người hy sinh thói quen của mình một chút thì tình hình sẽ được cải thiện. Đây không chỉ là mong muốn của cá nhân tôi mà của cả đồng bào", ông Đức nói.
Ra/vào TP.HCM như thế nào?
Về việc di chuyển ra vào thành phố, ông Đức cho biết khi áp dụng Chỉ thị 16 thì người dân chỉ được ra đường để giải quyết nhu cầu cấp thiết, giãn cách nhà với nhà, phường với phường.
“Nếu người dân không lý giải được việc di chuyển thì chắc chắn là không được phép. Và di chuyển từ TP.HCM sang tỉnh khác cũng có quy định đã nói rõ. Ví dụ người từ TP.HCM sang tỉnh khác sẽ bị cách ly 7 ngày”, ông Đức thông tin.
TP.HCM rất nỗ lực thống nhất với các tỉnh về quy trình để hạn chế việc ách tắc giao thông, hạn chế lưu thông hàng hóa và duy trì được việc phục vụ hoạt động thiết yếu. Chẳng hạn, thành phố thỏa thuận được đội xe để duy trì hoạt động cung ứng cho thành phố, chuyên chở hàng hóa thực phẩm phải vận chuyển từ Đà Lạt và miền Tây vào TP.HCM.
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Trần Quang Lâm cho biết từ ngày 9/7, tất cả các loại hình giao thông công cộng, liên tỉnh đều không đi qua địa bàn TP.HCM trừ một số trường hợp như xe chở người cách ly, công nhân, chuyên gia... TP đã sắp xếp taxi của Mai Linh và Vinasun để chở người dân trong trường hợp cần thiết.
Từ mai, với xe tải vận chuyển hàng hóa sản xuất kinh doanh trên địa bàn TP.HCM vẫn hoạt động. Thành phố không cấm xe chở hàng hóa hoạt động theo đúng quy định phòng, chống dịch theo điều kiện mới của thành phố. Với xe liên tỉnh chở nhu yếu phẩm từ TP.HCM đi các tỉnh và các tỉnh đi TP.HCM, Sở GTVT cho biết sẽ chủ trì tiếp nhận danh sách phương tiện của xe chở nhu yếu phẩm, rau củ quả, hàng tươi sống; xe đưa rước công nhân, chuyên gia; xe chở hàng hóa ra vào cảng; xe quá cảnh (đi qua nhưng không dừng lại).
Với nhóm xe chở hàng thiết yếu, sản xuất kinh doanh thuộc nhóm đối tượng ưu tiên. Hiện, có hiện tượng ùn ứ ở chốt do dừng lại để kiểm soát y tế. Tuy nhiên, hiện các tỉnh trong vùng đã thống nhất tất cả phương tiện sẽ có sự kiểm tra giám sát của doanh nghiệp vận tải, đơn vị quản lý cảng biển và với thành phố, Sở Công Thương, hệ thống Co.op Mart và doanh nghiệp vận tải quản lý trực tiếp.
Sở GTVT sẽ tiếp nhận danh sách phương tiện và tài xế cố định, cấp một mã QR để trên kính chắn gió của xe ôtô. Khi xe có phương tiện này sẽ được tổ chức luồng xanh, tức là làn ưu tiên cho phương tiện có nhận diện này để không ùn ứ tại trạm, đảm bảo sản xuất kinh doanh, phục vụ hàng thiết yếu. TP.HCM đã có văn bản gửi các tỉnh Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ.
Hiện, thành phố đang ưu tiên 700 xe của Saigon Co.op để qua chốt của các tỉnh thuận lợi. Khi lưu thông, người vận chuyển phương tiện và nhân viên trên xe phải chấp hành quy định. Ngoài ra, các giấy tờ cần thiết khác là phải có thông báo của Sở GTVT và các giấy tờ đầy đủ của một tài xế.
Với các loại hình khác như xe 2 bánh công nghệ, xe ôm, shipper, ông Lâm cho biết tất cả xe mô tô chở hành khách đều tạm dừng. Chỉ còn xe mô tô chở hàng được hoạt động theo quy định, hạn chế dùng tiền mặt, khi nhận hàng.
12 trạm chốt cửa ngõ kiểm soát người ra sao?
Phóng viên đặt câu hỏi về việc với 12 trạm chốt tại cửa ngõ thành phố hoặc trong quá trình tham gia giao thông, người dân cần xuất trình giấy tờ gì nếu bị kiểm tra.
Thượng tá Nguyễn Văn Bình, Phó trưởng phòng CSGT (PC08, Công an TP.HCM), cho biết nhằm đảm bảo tối thiểu nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng, theo nội dung công văn 2279, TP.HCM cần tăng cường xử phạt hành chính với người ra khỏi nhà không theo quy định.
"Công an bằng biện pháp nghiệp vụ sẽ kiểm tra. Đây là nghiệp vụ của công an nên không công khai", ông Bình cho biết.
Văn bản 2279 cũng giao Công an TP tổ chức lại 12 chốt trạm. Theo ông Bình, Công an TP đã thành lập 12 chốt tại địa bàn giáp ranh Long An, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai. Cụ thể là các chốt trên QL50, QL1, QL22, QL13 (cầu Vĩnh Bình), QL1 (trước KCN Sóng Thần), QL1K, QL1 giáp ranh Đồng Nai, đường dẫn cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây...
Tại đây, công an phối hợp với CSGT, công an phường, cảnh sát cơ động, an toàn thực phẩm, cảnh sát quân sự. Tại các chốt, lực lượng chức năng sẽ đảm bảo kiểm soát người, kiểm soát dịch và kiểm soát phương tiện ra, vào thành phố.
TP.HCM sẽ thực hiện giãn cách xã hội trong 15 ngày. Ảnh: Duy Hiệu. |
Chiến lược của ngành y tế 15 ngày giãn cách
Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Hưng khẳng định thời gian qua, không chỉ đợt dịch thứ 4 mà các đợt dịch khác, công tác phòng chống dịch đã đi đúng hướng. Nhưng trong 15 ngày tới, ông nhận định cần quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa mới mong khống chế được dịch bệnh.
Trên tinh thần đó, ông Hưng cho biết những việc đã làm ngành y tế sẽ tiếp tục làm, nhưng việc phân công sẽ rõ ràng hơn, việc đã làm phải triển khai đầy đủ và có hiệu quả. Trong thời gian rất ngắn, ngành y tế đã cùng các sở, ngành trong thành phố tập trung tối đa các nguồn lực, biện pháp đã triển khai với mức độ cao hơn, với điều kiện giãn cách trong 15 ngày là thời gian rất tốt. Mục tiêu cuối cùng của giãn cách là hạn chế tiếp xúc.
Do đó, trong thời gian này, ngành y tế sẽ tiếp tục điều tra, truy vết và trên cơ sở đó sẽ tăng cường xét nghiệm để phát hiện ra các trường hợp F0, trên cơ sở đó tiếp tục truy ra trường hợp tiếp xúc gần. Trong điều kiện giãn cách, việc này sẽ thuận lợi hơn.
"Giãn cách sẽ tạo điều kiện thuận lợi để phát hiện mầm bệnh kịp thời, bên cạnh đó làm các chiến lược xét nghiệm, khi phát hiện ra F0 trong cộng đồng sẽ tiếp tục điều tra truy vết", ông nói. Ngành y tế sẽ cùng quân sự và các ngành liên quan thực hiện nghiêm ngặt hơn nữa việc chống lây nhiễm ở khu cách ly.
"Không thể nói khu cách ly đảm bảo tuyệt đối 100%, điều này cũng khó. Tuy nhiên, chủng Delta có mức độ lây lan cao hơn nhiều, thời gian tiếp xúc dẫn đến lây nhiễm ngắn hơn nhiều so với trước đây. Ngành y tế đang thực hiện các yêu cầu chuyên môn để làm sao hạn chế thấp nhất nguy cơ lây nhiễm trong khu cách ly", ông nói.
Ngoài ra, ngành y tế sẽ tiếp tục mở rộng thu dung điều trị, nếu không mở rộng cơ sở điều trị sẽ gây áp lực lên hệ thống điều trị, dẫn đến nguy cơ lây nhiễm trong bệnh viện tăng lên. Chiến lược điều trị là mở rộng bệnh viện dã chiến để điều trị. Ít nhất sẽ đảm bảo 20.000 giường để điều trị bệnh nhân Covid-19 và khi cần sẽ mở đến 30.000 giường để chủ động đáp ứng. Bên cạnh đó, ngành y tế sẽ điều trị theo mô hình tháp 3 tầng của Bộ Y tế.
Trả lời câu hỏi của Zing về các vấn đề liên quan đến lấy mẫu xét nghiệm và tiêm vaccine trong thời gian áp dụng Chỉ thị 16, ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết UBND TP đã chỉ đạo yêu cầu lấy mẫu không phải để đạt chỉ tiêu mà dựa vào điều tra dịch tễ. Trong đó, khu cách ly, phong tỏa là vùng phải tập trung lấy mẫu. Sau khi xác định được khu cách ly, phong tỏa, ngành y tế sẽ mở rộng ra khu vực xung quanh.
"Không phải lấy theo đại trà, ngành y tế và TP đều chủ trương như vậy", ông nói. Ngoài xét nghiệm PCR, thành phố đã đẩy mạnh xét nghiệm test nhanh. Thực tế nơi nào dự đoán tỷ lệ dương tính sẽ cao và test nhanh vẫn hiệu quả. Thực tế, sau khi xét nghiệm nhanh xong, thử lại bằng PCR thì kết quả tương thích rất cao. Ngành y tế đang tiếp tục trang bị thêm máy PCR để tăng công suất. Dù dịch bệnh phát triển thì năng lực xét nghiệm vẫn phải được tiếp tục nâng cao.
Bên cạnh lực lượng lấy mẫu, ngành y tế nhận được sự hỗ trợ của nhiều cơ sở y tế trên địa bàn và đang trang bị thêm để nâng công suất xét nghiệp, sẵn sàng mọi tình huống. Về kế hoạch tiêm vaccine, TP.HCM sẽ được phân bổ 100.000 liều thời gian tới. Sở Y tế đã có kế hoạch trình cho UBND.
"Tôi tin sẽ thực hiện tốt vì thời gian qua TP đã triển khai tiêm hơn 800.000 thì TP đã đạt yêu cầu về thời gian cũng như số lượng. Nhờ đó có kinh nghiệm triển khai tốt hơn những đợt sau", ông nói.
Phó giám đốc Sở Công Thương: "Người dân bình tĩnh mua sắm thì không bao giờ thiếu hàng"
Về hàng hóa tại TP.HCM, Phó giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Nguyên Phương cho biết 148/234 chợ truyền thống, 3 chợ đầu mối phải tạm đóng cửa. Bên cạnh đó, một lực lượng lớn lao động phải tạm ngưng hoạt động do phải cách ly tập trung hoặc theo dõi sức khỏe ở nhà.
"Rõ ràng, dù lượng hàng hóa dự trữ tăng gấp 2-3 lần, đảm bảo nguồn cung đầy đủ nhưng hệ thống phân phối đang bị giảm sút rất nhiều thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng", ông Phương nói. Bên cạnh đó, khi có thông tin áp dụng Chỉ thị 16, người dân có tâm lý muốn dự trữ hàng hóa nên tập trung mua sắm rất nhiều.
"Với hệ thống phân phối đang khó khăn, đặc biệt là hàng hóa từ các địa phương về TP.HCM. Các địa phương áp dụng rất nhiều biện pháp kiểm soát như cách ly các thương lái đưa hàng hóa đi các tỉnh (7 ngày hoặc 14 ngày), có nơi yêu cầu xét nghiệm nhanh, có nơi yêu cầu xét nghiệm PCR", ông nói.
Có xét nghiệm nhanh có hiệu lực 3 ngày, tài xế đưa hàng chỉ chậm trễ chút thời gian là mất hiệu lực 3 ngày xét nghiệm và bị kẹt lại. Trong trường hợp xét nghiệm PCR thì buộc doanh nghiệp phải tìm tài xế thay thế. Trong khi đó, người dân đổ xô đi mua sắm khôn phải phục vụ cho nhu cầu bình thường mà để dự trữ hàng hóa.
"Cầu tăng đột biến, vượt quá năng lực cung ứng thì giá hàng hóa tăng là đương nhiên", ông nói. Ngoài ra, ông Phương cho hay thêm chi phí về xét nghiệm khiến giá hàng hóa tăng cao. Sở Công Thương cho biết hệ thống phân phối tuy khó khăn nhưng đã nỗ lực rất lớn. Ví dụ Saigon Co.op và Bách Hóa Xanh đã nâng công suất tối đa để cung ứng cho người dân. Hôm nay, doanh thu 2 đơn vị này tăng gấp 5 lần bình thường. Trong khi đó, có rất nhiều hệ thống phân phối mà trụ sở chính hoặc cơ quan phải cách ly.
"Nếu người dân đồng cảm, chia sẻ, bình tĩnh mua sắm thì chắc chắn không bao giờ thiếu hàng. Nhưng người dân có tâm lý thoải mái trong ngày cách ly nên dự trữ nhiều, dẫn đến tình trạng như vậy", ông Phương cho hay.
Ca nhiễm trong khu công nghiệp vẫn trong tầm kiểm soát
Về trách nhiệm của những cơ sở, địa phương để bùng phát dịch, Phó chủ tịch cho biết nếu do vô trách nhiệm, xao nhãng công việc để sự cố xảy ra đến mức phải truy trách nhiệm thì phải xử lý.
“Thời điểm xử lý cũng phải cân nhắc vì đang trong lúc căng thẳng chống dịch thì cần người lính ra trận”, ông Đức cho hay.
Trước câu hỏi về xử phạt người vi phạm quy định phòng, chống dịch, ông Đức khẳng định bất kỳ ai vi phạm đều xử lý như nhau. Thành phố sẽ thực hiện xử phạt theo Nghị định 117/2020. Trách nhiệm xử lý cũng được quy định trong nghị định này.
Về tình hình lây nhiễm trong khu công nghiệp, khu chế xuất, ông Đức cho biết hiện nay, các ca dương tính trong khu công nghiệp, khu chế xuất là có và vẫn may mắn là ca nhiễm còn khu trú trong phân xưởng và đến lúc này vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Một số nơi có phát sinh một số ca tương đối lớn là do chủng Delta có tốc độ lây rất ghê gớm.
Phương hướng hiện tại của thành phố là cục bộ hóa sản xuất để nếu lây nhiễm thì sẽ khu trú trong một cộng đồng nhất định, ví dụ như trong ca, trong kíp, trong phân xưởng. Phó chủ tịch cũng cho biết thực tế, có doanh nghiệp đã bị yêu cầu ngừng hoạt động vì chưa đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19.
Đối với vấn đề giải quyết thủ tục hành chính, ông Đức cho biết bản chất giãn cách là làm hoạt động của thành phố chậm lại để đuổi kịp, vượt lên và chặn đứng sự lây lan của dịch bệnh. Khi hoạt động chậm lại, đương nhiên có ảnh hưởng.
"Trả lời không ảnh hưởng là không đúng, có ảnh hưởng phần nào đến tốc độ xử lý hồ sơ. Tuy nhiên, với sự quyết tâm của hệ thống chính trị và sự hỗ trợ của ứng dụng công nghệ thông tin, thành phố sẽ bù lại bằng năng suất lao động để cố gắng giải quyết tốt nhất nhu cầu của người dân", Phó chủ tịch chia sẻ.
Các cơ quan, sở ngành sẽ tập trung, ưu tiên giải quyết vấn đề cấp thiết của người dân. "Có thể xảy ra trường hợp chậm trễ thì rất mong có sự chia sẻ của người dân khi lực lượng thành phố song song vừa chống dịch, vừa thực hiện trách nhiệm của mình", ông Đức cho hay.
TP.HCM áp dụng Chỉ thị 16 từ 0h ngày 9/7
Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 1 của thành phố vừa kết thúc chiều 8/7 và chỉ còn 5 giờ nữa, thành phố sẽ chính thức áp dụng Chỉ thị 16.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức chủ trì cuộc họp với sự tham dự của lãnh đạo Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Công Thương, Sở Giao thông Vận tải, Sở Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo Thành ủy.
Trong 15 ngày thực hiện cách ly xã hội, TP.HCM yêu cầu người dân ở nhà, chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết.
UBND phường, xã, thị trấn tổ chức đội tuần tra, giám sát, hoạt động 24/24, không để xảy ra tập trung đông người, xử lý nghiêm người vi phạm công tác phòng, chống dịch. Đặc biệt, thành phố sẽ tăng cường xử phạt vi phạm hành chính với trường hợp ra khỏi nhà không thuộc các trường hợp quy định, không có lý do chính đáng.
TP.HCM cũng tạm dừng hoạt động bán vé số của đại lý vé số, bán vé số dạo, tạm dừng dịch vụ ăn uống mang về trong 15 ngày từ 0h 9/7.
Về hoạt động vận tải, TP.HCM dừng vận tải hành khách công cộng bằng ôtô (trừ trường hợp vì công vụ, đưa đón công nhân, chuyên gia, người cách ly, hàng hóa...). Hoạt động vận tải bằng môtô gồm xe dùng phần mềm ứng dụng công nghệ và xe ôm cũng phải tạm dừng.
UBND TP.HCM cũng yêu cầu công an thành phố tái tổ chức 12 chốt, trạm kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19.
Phó chủ tịch UBND Dương Anh Đức chủ trì họp báo về thực hiện Chỉ thị 16. Ảnh: Ngọc Tân. |
Trước đó, tại cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM chiều tối 7/7, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong đã công bố áp dụng Chỉ thị 16 trên toàn TP.HCM trong 15 ngày kể từ 0h ngày 9/7.
Đây là lần thứ 4 TP.HCM thay đổi, kéo dài biện pháp giãn cách xã hội. Thành phố đã trải qua 2 đợt giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 từ 31/5 đến hết 18/6; từ 19/6 đến nay, thành phố áp dụng Chỉ thị 10.
Ông Phong nhấn mạnh thành phố đã chuẩn bị đủ hàng hóa để cung ứng cho người dân và đề nghị người dân không tích trữ lương thực, thực phẩm, gây tập trung đông người tại các điểm mua, bán nhu yếu phẩm.
Từ ngày 27/4 đến trưa 8/7, TP.HCM ghi nhận 8.585 ca mắc mới, đang là ổ dịch lớn nhất trên cả nước.