Trong phiên thảo luận tại hội trường kỳ họp thứ 5 HĐND TP.HCM khóa IX nhiệm kỳ 2016-2021, đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm cho hay TP đã chỉ đạo rất quyết liệt và tốn nhiều công sức để tiến hành lập lại trật tự đô thị nhưng tình trạng tái lấn chiếm vẫn cứ diễn ra.
"Điều này làm cử tri nghi ngờ về chủ trương của TP. Đặc biệt là đề án cho thuê vỉa hè sau khi ra quân lập lại trật tự", đại biểu Tố Trâm nhấn mạnh.
Lực lượng chức năng quận 1 dẹp vỉa hè trên đường Bùi Viện, phường Phạm Ngũ Lão tháng 3/2017. Ảnh: Tùng Tin. |
Nữ đại biểu này cũng cho rằng TP phải có sự giải thích rõ ràng cũng như tính toán mức thu; đồng thời phải công khai, minh bạch khi thực hiện việc này cũng như gắn trách nhiệm với từng cá nhân, người đứng đầu. Có như vậy mới đảm bảo tính nghiêm minh trong công tác này, tạo được sự đồng thuận từ nhân dân.
Trả lời về việc này, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết việc thu phí lòng đường có từ trước, mức giá trước đó không còn phù hợp nên Sở GTVT có đề án mới. TP khẳng định mục đích dọn dẹp vỉa hè không phải để thu phí. Về lâu dài, theo ông Khoa, các cá nhân, tổ chức sử dụng vỉa hè để sinh lợi thì phải có nghĩa vụ đóng phí cho nhà nước.
Mục tiêu của TP là tạo điều kiện người dân sử dụng lòng lề đường là cao nhất. Khi người dân đồng thuận, thay đổi tư duy, công tác lập lại lòng lề đường mới làm được.
Ông Lê Văn Khoa, Phó chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu tại phiên thảo luận sáng 5/7. Ảnh: Phước Tuần. |
Theo ông Khoa, nhiệm vụ hiện tại của TP là lập lại trật tự lòng lề đường, đây là chiến lược xây dựng tổng quan đô thị cần duy trì, kéo dài. Quan điểm của TP là phải thực hiện duy trì, bền bỉ, không thể làm một buổi là xong, không đánh trống bỏ dùi mà phải làm lâu dài.
Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng lập lại trật tự vỉa hè mà không có người dân thực hiện là không bền vững được. Và việc lập lại trật tự cần làm lâu dài, xuyên suốt với sự giám sát của người dân mới hiệu quả.
Dẹp vỉa hè không phải là đẩy đuổi người dân
Nhiều đại biểu đề cập đến câu chuyện đảm bảo cuộc sống ổn định cho người dân bán hàng rong cần được các quận, huyện tập trung thực hiện. Đại biểu Trâm nhắc lại lãnh đạo TP nhiều lần đốc thúc các quận - huyện sớm lập điểm buôn bán tập trung nhưng đến nay chỉ có 1, 2 quận huyện làm được như Tân Bình, Tân Phú…
Ông Khoa cũng nhấn mạnh đến nhu cầu, cuộc sống của hơn 19.000 người dân sống, mưu sinh từ gánh hàng rong là có thật, không thể một sớm một chiều dẹp của người dân. TP cần có kế hoạch căn cơ giúp người dân chuyển đổi ngành nghề, xây dựng các điểm buôn bán tập trung để ổn định cho bà con.