Chiều 11/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, Thể thao.
Tập trung cho môn thể thao Olympic
Nói về thể thao thành tích cao, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng cần đầu tư tập trung, trọng tâm, trọng điểm, theo hướng nên đầu tư môn thể thao Olympic.
Ông Phùng Quốc Hiển phân tích tình trạng nước nào đăng cai SEA Games là nhất vì đưa ra các môn mà nước khác không thi được, đó là bệnh thành tích.
Phó chủ tịch Quốc hội đề nghị đầu tư cho vận động viên (VĐV) cần được quan tâm hơn. Ông nói: "Để được một huy chương không đơn giản chút nào, các phải VĐV đổ mồ hôi, xương máu, có người hy sinh hạnh phúc riêng của mình".
Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng VĐV hy sinh quá nhiều để giành được huy chương. Ảnh: Quochoi.vn |
Theo ông, VĐV đạt huy chương của khu vực và quốc tế thì nên có chính sách ưu tiên đặc biệt để động viên như chế độ lương, nhà ở, nghỉ chế độ để VĐV yên tâm thi đấu, thậm chí có chính sách trợ cấp suốt đời với vận động viên bị tai nạn vì thực tế có người gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống.
"Huy chương dù là đồng hay bạc cũng là quý rồi nên cần có chính sách đặc biệt. Có người hy sinh mang về vinh quang cho Tổ quốc, tức là có công thì nên có chính sách gì cho người ta không?", Phó chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi.
Cần có chính sách thỏa đáng cho VĐV
Cũng nói về đầu tư cho VĐV, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho hay vấn đề cần quan tâm khi ban hành luật này là phải tránh bỏ sót nhân tài. Bởi, nhân tài là trời sinh nhưng có trường hợp đã bị bỏ sót. Đầu tư cho VĐV tránh dàn trải, lệch hướng sẽ không mang lại thành tích cao.
Ông Võ Trọng Việt cũng chia sẻ với các VĐV chịu nhiều thiệt thòi khi thi đấu chấn thương. "Tôi có xem chương trình về một nữ VĐV thành tích cao giờ tàn tật, bị liệt do tai nạn nghề nghiệp. Đúng là thiệt thòi", Chủ nhiệm Việt chia sẻ.
Điền kinh và bơi lội là 2 môn gặt hái huy chương vàng cho đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 29. Đây cũng là 2 môn cơ bản trong nội dung Olympic. Ảnh: Tiến Tuấn. |
Về vấn đề này, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cũng thừa nhận hiện có một số ít VĐV thể thao trong quá trình tập luyện và thi đấu thể thao, không may bị tai nạn mất khả năng lao động hoặc qua đời nhưng bản thân và gia đình chưa được hưởng các chế độ trợ cấp của Nhà nước như các đối tượng chính sách, cuộc sống hết sức khó khăn, thiếu thốn.
"Dự thảo Luật cần phải có quy định các VĐV thành tích xuất sắc không may bị tai nạn thì vận động viên hoặc thân nhân được hưởng chế độ trợ cấp tương tự như các đối tượng chính sách khác", ông Nguyễn Ngọc Thiện nói.
Đồng quan điểm này, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên - Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình nhấn mạnh để khuyến khích các vận động viên yên tâm đóng góp cho thể thao thành tích cao, Nhà nước cần phải có chính sách ưu đãi thỏa đáng.
Ông Bình đề nghị cơ quan trình dự án Luật nghiên cứu bổ sung quy định vận động viên đội tuyển cấp tỉnh (không chỉ vận động viên đội tuyển quốc gia) bị tai nạn trong khi tập luyện, thi đấu thể thao làm mất khả năng lao động hoặc qua đời thì vận động viên và người thân của họ được hưởng chế độ trợ cấp.
88% số HCV của đoàn Việt Nam giành được ở SEA Games 29 thuộc các môn Olympic, cao nhất đại hội. Đồ họa: Trí Mai. |