Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phó chủ tịch LienVietPostBank: 'Cọc sẽ đi tìm trâu'

"Dù lãi suất huy động giảm thêm 1 điểm phần trăm, tôi vẫn khuyên bạn bè nên gửi tiền tiết kiệm. Thời kỳ này không dễ làm ra cái gì được lãi 12%/năm, ngay cả đầu tư vào vàng và đô la".

Phó chủ tịch LienVietPostBank: 'Cọc sẽ đi tìm trâu'

"Dù lãi suất huy động giảm thêm 1 điểm phần trăm, tôi vẫn khuyên bạn bè nên gửi tiền tiết kiệm. Thời kỳ này không dễ làm ra cái gì được lãi 12%/năm, ngay cả đầu tư vào vàng và đô la".

>> Bỏ ngay trần huy động để áp trần cho vay
>> NHNN yêu cầu các ngân hàng thương mại hạ lãi suất
>> Giới ngân hàng Việt Nam mếu dở với...tin đồn

Ông Nguyễn Đức Hưởng – Phó chủ tịch thường trực HĐQT NHTMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) chia sẻ về kênh đầu tư sinh lời nhất thời kỳ khủng hoảng.

Ông Nguyễn Đức Hưởng: Gửi tiết kiệm vẫn là kênh đầu tư an toàn, lời nhất

Chẳng kinh doanh gì lãi 12%/năm

- Thưa ông, tăng trưởng tín dụng quý I/2012 toàn hệ thống âm (-) 1,96%. Sự sụt giảm này có ảnh hưởng tới lợi nhuận ngân hàng (NH) khi 80% NH hiện nay tăng trưởng nhờ cho vay?

- Nếu là NH cổ điển sẽ chỉ tăng trưởng nhờ vào huy động vốn và cho vay đơn thuần. Nhưng với một NH hiện đại, phát triển đa năng thì ngoài huy động vốn và cho vay thì phát triển dịch vụ, thanh toán mới chiếm tỷ trọng lớn. Vì vậy, dù tăng trưởng tín dụng giảm cũng không ảnh hưởng tới lợi nhuận của NH. Ngay như tại LienVietPostBank, khi lãi suất huy động giảm về 12%/năm, dư nợ huy động từ thị trường dân cư của chúng tôi vẫn tăng trưởng mạnh, không hề có sự giảm sút, cũng không ảnh hưởng tới đầu ra của NH.

- Nếu có tiền, theo ông kênh đầu tư nào có lời nhất mà tránh rủi ro lúc này?

- Vàng đang "đao" giá, đô la Mỹ "đứng im", chứng khoán "chập chờn". Tôi vẫn luôn khuyên bạn bè, nhà đầu tư rằng, nên gửi tiết kiệm NH, thời kỳ này chẳng làm gì ra mà lãi 12%/năm lại đảm bảo an toàn.

Cho vay ra, chỉ cần NH không mất vốn là đủ

- DN cho rằng, "rào cản" khiến họ không thể tiếp cận vốn vay rẻ hơn là do chúng ta vẫn duy trì trần lãi suất huy động thay vì áp trần cho vay?

- Thống đốc NHNN cũng đã phát biểu rằng sẽ tiến đến bỏ trần lãi suất, trước mắt sẽ thực hiện mỗi quý giảm 1% lãi suất huy động, nhưng tôi cho rằng thời điểm hiện nay việc bỏ trần lãi suất huy động, hay áp trần lãi cho vay vẫn chưa thể thực hiện được.

Tất nhiên, theo cơ chế thị trường thì sẽ không có một loại trần nào cả, lãi suất phải để thị trường tự điều chỉnh. Còn tình hình hiện nay, nói trần lãi suất đang có lợi cho ai thì phải đứng vào vị trí của người gửi hoặc DN thì mới hiểu hết được "ngọn ngành".

Với mức huy động 12%/năm, người gửi tiền thì cho rằng thấp và họ muốn cao hơn, còn người vay lại muốn lãi suất hạ xuống. NH là người đứng ở giữa, phải làm sao để hài hòa, hợp lý khơi tăng nguồn vốn đầu vào – ra.

Khi lạm phát giảm chắc chắn lãi suất huy động sẽ giảm theo, và như thế lãi vay tự khắc sẽ phải hạ. Hiện mức lãi vay thấp nhất mà chúng tôi đang cho vay là 14%/năm, và cũng chẳng còn DN nào phải vay tới mức 25%/năm.

Giờ lạm phát không còn là mối lo lớn nhất của năm 2012, mà các chỉ số gần đây cho thấy nền kinh tế đang có dấu hiệu của sự thiểu phát. Thế nên, trong khi các DN khó khăn thì NH phải cho họ vay vốn và hạ lãi suất. NH cho vay ra lúc này không cần lãi suất cao lắm, DN trả được gốc là tốt rồi, còn việc lãi nhiều hay ít không còn quan trọng, vì "một miếng khi đói bằng một gói khi no".

Sẽ tới thời kỳ, NH là người chủ động tìm tới DN

Sắp tới thời "cọc đi tìm trâu"

- Mặt bằng lãi suất hiện tại đã làm tổn thương đến cả những DN hoạt động lành mạnh, ông nghĩ sao về thực tế này?

- Chưa bỏ trần huy động và cũng chưa áp trần lãi suất cho vay lại là cơ hội sàng lọc cả NH và DN yếu kém ra khỏi thị trường.

Thực tế, NH đều có bảng phân loại các đối tượng khách hàng. Một loại là DN tự nộp hồ sơ vay và một loại là chính NH đi tìm. Nếu DN nào có khả năng phát triển nhưng đang gặp khó khăn về vốn và chưa vay được vốn thì NH sẽ tạo điều kiện để DN vay. Còn những DN quá yếu, khả năng phá sản thấy rõ, thường muốn vay lãi suất thật cao, NH cũng chẳng dám vay, vì chứng tỏ "anh ta" đang rất khó khăn, "khát" vốn. Cho số này vay chẳng khác nào NH tự đưa mình vào "cửa tử". DN nào chết rồi thì nên cho chôn, không nên để số DN này tồn tại ảnh hưởng dây chuyền tới toàn xã hội.

- Khi trần lãi suất chưa thể bỏ, vậy có cách nào để giải cứu DN khỏi cảnh "ngàn cân treo sợi tóc" hiện nay, thưa ông?

- DN muốn tiếp cận vốn dễ hơn thì DN phải khỏe lên, lúc đó không phải DN tìm NH, mà ngược lại NH sẽ là người chủ động tìm tới với DN.

Trong hoàn cảnh khó tiếp cận vốn vay như hiện nay, tôi cho rằng, các DN nên hạn chế vay, vay chỉ đủ để tồn tại và lấy đó làm cơ hội để tái cơ cấu lại chính hoạt động của mình.

Còn giảm lãi vay, thì chỉ cần thời gian tới lãi suất huy động giảm thêm 1% nữa thôi, tức khắc NH sẽ tranh nhau đi tìm DN cho vay nếu không muốn ứ đọng vốn huy động. Sẽ đến lúc các NH tranh nhau đi lôi kéo DN vay vốn, thời điểm đó chắc chắn sẽ không xa.

Nguyễn Hoài

Theo Infonet

Nguyễn Hoài

Theo Infonet

Bạn có thể quan tâm