Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

LONGFORM

Phó chủ tịch 8X: 'Phụ nữ cười để xinh, để người xung quanh dễ chịu'

Lê Thu Thủy, Phó chủ tịch HĐQT thường trực SeABank, luôn cười. Chị bảo với phụ nữ, cười để xinh, để mọi người dễ chịu. Nhưng hồi mới về SeABank, chị từng khóc, không chỉ một mình.

le thu thuy pho chu tich seabank anh 1le thu thuy pho chu tich seabank anh 2

Phòng làm việc của Lê Thu Thuỷ, Phó chủ tịch Thường trực HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc thứ nhất Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank), có ô cửa sổ nhìn ra những tán sấu trên phố Trần Hưng Đạo (Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Căn phòng không quá rộng nhưng có phần lãng mạn với sự hiện diện của nhiều món đồ đáng yêu: Một kệ nhỏ để bày những món đồ kỷ niệm, những bức ảnh về gia đình, bức vẽ của con gái, bình hoa lớn, bức thư pháp. Nhưng góc phòng lại có… 3 cái vali to đùng.

“Để lúc nào cũng sẵn sàng cho những chuyến bay”, nữ Phó chủ tịch 34 tuổi nói khi nhìn thấy ánh mắt thích thú pha ngạc nhiên của người viết.

Trong cuộc trò chuyện mà theo lời nữ doanh nhân này là “dài nhất lịch sử”, lần đầu tiên, người được mệnh danh “bóng hồng quyền lực thứ hai ở SeABank” có những chia sẻ cởi mở với Zing.vn về công việc, cuộc sống cũng như người mẹ doanh nhân của mình, bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch HĐQT SeABank.

Bóng hồng quyền lực thứ 2 ở SEABank chia sẻ nhân 20/10 Lê Thu Thủy, Phó chủ tịch HĐQT thường trực SeABank, luôn cười. Chị bảo với phụ nữ, cười để xinh, để mọi người dễ chịu. Nhưng hồi mới về SeABank, chị từng khóc, không chỉ một mình.

le thu thuy pho chu tich seabank anh 3

- Sau Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thị Nga, chị được gọi là “người quyền lực thứ hai ở SeABank”, chị nghĩ thế nào về danh xưng này?

- Tôi không thích từ “quyền lực” cho lắm. Ở ngân hàng, chủ tịch là lá cờ đầu, người tiên phong, dẫn dắt toàn bộ đội ngũ, còn tôi nghĩ mình như người tiếp sức. Nếu thay thế được, tôi sẽ chọn từ “sức mạnh”. Sức mạnh ngân hàng có được đều do tập thể cùng chung tay tạo dựng.

- Trong bóng dáng của Lê Thu Thuỷ, người ta nhìn thấy chân dung của bà Nguyễn Thị Nga từ phong thái, cách nói năng đến xử lý công việc. Chị nói sao về nhận xét đó?

- Tôi mừng vì nhận xét ấy. Con mà không giống mẹ thì chắc sẽ bị mắng (cười).

Nói thật, ông bà ngoại nuôi mẹ tôi rồi sau này bố mẹ nuôi dưỡng tôi, mọi thứ đều nghiêm khắc, nên tôi thừa hưởng tính cách, giống họ điểm gì đó. Hơn nữa, là con gái nên tôi cũng gần gũi mẹ, chịu nhiều ảnh hưởng từ bà.

- Nhiều doanh nhân thần tượng chính bố mẹ của họ. Còn chị?

- Có lẽ cũng vì thần tượng bố mẹ nên tôi chưa thấy ai toàn năng như bố mẹ mình. Bố tôi đi làm về vẫn chăm sóc các cháu. Mẹ tôi về nhà vẫn nấu ăn cho bố. Không phải ngày nào bà cũng vào bếp, nhưng một tuần cũng phải có ít nhất 2 ngày như vậy. Buổi tối ông bà cũng ninh sẵn nước xương để nấu cháo cho các cháu.

le thu thuy pho chu tich seabank anh 4

Bố mẹ tôi đặt nền tảng gia đình rất quan trọng. Nền tảng gia đình phải là đầu tiên rồi là tâm của mình đối với người xung quanh, cộng đồng cũng như cán bộ nhân viên tại nơi làm việc.

Gia đình tôi tuần nào cũng tập hợp, ăn cơm cùng nhau. Nhà có nhiều trẻ con nên khá ầm ĩ, nhưng chính khoảnh khắc gia đình sum họp này giúp tôi đúc kết được chúng ta phải có thời gian sum vầy để mọi người gần nhau. Tôi luôn nghĩ ít thời gian đến đâu cũng phải dành cho gia đình và cố gắng để cân bằng.

- Trong công việc, có khi nào giữa chị và mẹ “bất đồng”?

-  Có chứ, nhưng tôi không dám dùng từ “bất đồng”. Tôi gọi đó là ý kiến khác. Mẹ thường lấy ví dụ là những người có trải nghiệm, kiến thức, họ sẽ thấy cả những thứ phía sau bức tường, thay vì chỉ nhìn thấy đằng trước.

Mẹ bảo trước khi nói thì phải uốn lưỡi 7 lần, rồi sức mạnh tập thể cũng như bó đũa, khó bẻ. Đó đều là những trải nghiệm của mẹ, cũng được bà ngoại dạy từ nhỏ.

Là phận con, cấp dưới, tôi phải lắng nghe, có gì chưa hiểu phải hỏi lại để đảm bảo là mình hiểu đúng. Sau đó, tôi sẽ xin được phép có ý kiến, như vậy tiền bối sẽ lắng nghe. Ô, khi thấy nó xin phép, ngoan quá, thì dĩ nhiên phải… đồng ý chứ (cười).

Tôi sẽ trình bày ngắn gọn, và nếu chưa thuyết phục được thì xin cơ hội khác hoặc ghi lại, nhắn tin để mẹ xem.

- Chị tham gia SeABank từ thời tập sự. Với nhiều người, tập sự là giai đoạn lấy đi của họ nhiều nước mắt, chị thì sao? Hay chị sẽ được ưu ái hơn vì làm việc ở “ngân hàng nhà”?

- Câu hỏi này thú vị nhưng cũng khó quá, vì câu trả lời sẽ được dàn trải qua một khoảng thời gian khá dài.

Thời gian tập sự, tôi cũng khóc nhiều lần nhưng không khóc một mình mà khóc cùng nhiều người. Khoảng thời gian ấy có những thứ tôi phải “làm lại”, trong đó có hòa nhập với văn hóa Việt Nam sau 6 năm ở nước ngoài. Ngoài ra, khi về Việt Nam, tôi còn phải hòa nhập với văn hóa tổ chức của một đơn vị mà tôi sẽ tham gia làm việc xác định là lâu năm.

Hồi ở Mỹ, tôi cũng có thời gian làm ở ngân hàng nước ngoài, nhưng về Việt Nam làm thì thấy rất khác nhau. Chưa kể lúc đó, tôi mới lập gia đình. Mọi thứ tổng hợp lại nên cũng hơi vất vả, nhưng may được mọi người cảm thông và hỗ trợ.

Nói tôi được ưu ái chắc là cũng có. Nếu không thì tôi khó mà có cơ hội được đặt vào vị trí lãnh đạo khá cao, có cơ hội trải qua tất cả mảng nghiệp vụ của ngân hàng. Thường thì mọi người sẽ mất 3-5 năm để học và chuyển sang mảng mới, nhưng tôi có cơ hội tốt hơn. Đó là ưu ái.

- Chị đã vượt qua giai đoạn đó như thế nào?

-  Khi đó, tôi tâm niệm điều đầu tiên là phải lắng nghe, rồi sau đó là học hỏi, cầu thị. Tôi luyện cách lắng nghe từ nhiều phía.

Thứ hai, tôi luôn dặn bản thân phải duy trì được ý chí. Mình làm việc gì đó chưa thành công, chưa được như mọi người kỳ vọng thì chính mình cũng phải tự nhủ lúc nào phải tiến lên, ít nhất trong ý chí.

Có những lúc một số người chưa đánh giá tôi cao. Cũng chia sẻ thật là lúc đó tôi chưa muốn được đánh giá cao dù ngành học đúng chuyên môn (tài chính ngân hàng và quản trị kinh doanh) và cũng làm việc ở nước ngoài rồi. Tôi chỉ nghĩ mình đang tập sự cơ mà, phải học hỏi.

le thu thuy pho chu tich seabank anh 5

- Lúc khó khăn, chị có từng nghĩ đến bỏ cuộc hay quay lại Mỹ?

- Trong hơn 10 năm tôi làm việc ở SeABank, nền kinh tế đã trải qua 3 cuộc khủng hoảng.

Nhiều lúc, Ban điều hành ngồi lại, cảm thấy khá là khó khăn. Tuy nhiên tôi nghĩ điều tuyệt vời là mọi người ngồi lại với nhau. Những kỷ niệm đẹp nhất của người đi làm cũng chính là thời gian đồng hành cùng đồng nghiệp và trên cả đồng nghiệp, họ là thành viên chung nhóm. Chúng tôi có những thời gian ngủ rất ít, ăn bánh mì, đi đường trường với nhau và tin tưởng nhau.  

Một trong những trải nghiệm tôi nhớ nhất là khi đi tiếp thị khách hàng. Lúc đó, tôi là Giám đốc Khối Khách hàng doanh nghiệp. Cả đội phải tìm hiểu rất kỹ về hoạt động, ngành nghề của khách, cũng như tiềm năng phát triển hay xu thế ngành nghề đó như thế nào ở Việt Nam, so sánh với tổng quan khu vực, thế giới.

Sau các bước ban đầu, đến giai đoạn tiếp thị bao giờ cũng khó khăn. Khách hàng luôn là trọng tâm nhưng họ bận, chưa kể thường xuyên được nhiều ngân hàng khác mời chào. Chuyện cả đội ngồi chờ khách hàng rất lâu là bình thường.

Tôi học hỏi được rất nhiều từ những chuyến đi như thế!

- Nói đến khách hàng, tên tuổi của chị gắn với việc SeABank và nhiều ông lớn như Mercedes-Benz, PVGas thành đối tác, những lần đàm phán này ra sao?

- Câu chuyện trở thành đối tác với Mercedes Benz khá thú vị.

Khi đó, SeABank phải cạnh tranh với một ngân hàng quốc doanh, một ngân hàng nước ngoài. Còn Mercedes có quy trình, quy định theo chuẩn quốc tế cũng như kế hoạch hợp tác cẩn thận, không phải ồ ạt một lúc mà chia thành nhiều giai đoạn. Họ không những xét trên số lượng xe ngân hàng có thể cho vay, mà còn xét trên chất lượng dịch vụ mà showroom đánh giá về chi nhánh ngân hàng.

Kết thúc cuộc trao đổi, Tổng giám đốc Mercedes, ông Michael Behrens, nói với tôi: “Các bạn không phải là ngân hàng lớn nhất, nhưng các bạn là những người có khát vọng nhất. Khi có khát vọng, tôi biết các bạn có thể làm bất cứ điều gì để hoàn thành nhiệm vụ của mình”.

le thu thuy pho chu tich seabank anh 6

- Nghe nói đề án chiến lược phát triển ngân hàng trong 10 năm của SeABank là do chính chị viết ra. Cụ thể như thế nào?

- (Cười). Tôi chủ trì thôi, chứ không phải chính tay viết ra, vì nếu thế thì thành siêu nhân mất.

Đề án này được xây dựng cách đây 7 năm. Chiến lược được chia thành hai giai đoạn, mỗi giai đoạn 5 năm. Trong 5 năm đó, mỗi năm chúng tôi đều có kế hoạch hành động cụ thể cho từng năm, sau đó đánh giá từng năm ấy.

Nhiều phần mảng khác nhau được chia ra. Tuy nhiên, chiến lược trọng tâm là các chủ đề liên quan đến khách hàng. Phần thứ hai là đánh giá hệ thống, xây dựng sửa đổi cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ để đảm bảo thực thi được xuyên suốt chiến lược đã đề ra.

- Đề án này được viết trong bao lâu? Chị có nhớ kỷ niệm nào trong giai đoạn đó?

- Từ khi có ý tưởng đến khi trình lên Chủ tịch, chúng tôi mất 6 tháng. Giai đoạn đó, mọi người làm việc rất khuya. Cả team chỉ mong làm thế nào để mọi người đồng lòng với chiến lược đó và đề án hoàn thành.

- Khi trình đề án lên, Chủ tịch phản ứng sao?

- Đề án được Ban điều hành trao đổi, nghiên cứu và tự trình chính… Ban điều hành rất nhiều lần. Sau đó, chúng tôi tham khảo ý kiến của nhiều cán bộ quản lý trên toàn quốc rồi mới trình Chủ tịch.

Tôi hơi bất ngờ vì điều đầu tiên bà nói không phải là “Liệu quy mô sẽ tăng 5 hay 10 lần” mà là câu nhận xét: “Các bạn rất tâm huyết với đề án. Để có nó, chắc các bạn phải có bao nhiêu giờ bay, giờ làm việc, mồ hôi, nước mắt”.

Sau đó, bà cho một số định hướng, đi vào chi tiết rồi nhận xét thêm rằng “Đây là kế hoạch rất tham vọng”. Tôi đã xin phép chủ tịch được dùng từ “khát vọng” thay cho “tham vọng”.

- Và thay vì làm thế nào để tăng trưởng nhanh, chị đã chọn phát triển nhân lực, hệ thống khách hàng, con người, vì sao?

- Ngân hàng là ngành dịch vụ. Tôi luôn nghĩ làm thế nào để có thể tạo dựng được một bản sắc văn hóa, thể hiện được tổ chức quan tâm đến cán bộ nhân viên, khách hàng; đưa được sản phẩm dịch vụ trên chính nền tảng, tinh thần đó. Các cán bộ phục vụ khách hàng như thế nào phụ thuộc vào văn hóa, cách ứng xử của chính tổ chức mà họ đang làm việc.

Tôi từng có trải nghiệm khá thú vị khi ăn một quán phở tại Đà Nẵng. Vợ chồng chủ quán chỉ bán một món nhưng có slogan rất thú vị: “Chúng tôi nấu phở cho khách hàng như nấu cho bố mẹ mình”. Tôi quá ấn tượng với slogan này. Trong kinh doanh, tôi nghĩ giá trị cốt lõi của bất cứ doanh nghiệp nào đều là khách hàng. Khách hàng phải luôn là trọng tâm. 

Quay về câu chuyện của ngân hàng, tôi nghĩ nếu mọi người cùng chung khát vọng, bản sắc văn hóa được bắt đầu từ gốc là văn hoá tổ chức và được duy trì, phát triển hàng ngày, mỗi người thấm nhuần được việc đặt bản thân vào vị trí làm gương, thì hiệu quả chắc chắn nhìn thấy rõ ràng.

le thu thuy pho chu tich seabank anh 7

- Vậy nói được nhưng không làm được sẽ như thế nào?

Sẽ phải ngồi lại và tìm ra nguyên nhân sao không làm được. Tôi cho rằng có thể điều đó bắt đầu từ hai phía: Người lãnh đạo khi lắng nghe và tin tưởng rằng việc đó sẽ được nhưng lại không được, hay người đề xuất nghĩ sẽ làm được nhưng sau đó lại không làm được.

Lúc này thì nguyên tắc đơn giản hóa mọi thứ được áp dụng, sẽ xem vì sao chưa làm được, cái gì đã làm được, chưa làm được, giải pháp nào để làm được… Tiếp theo dĩ nhiên cần phê bình, cùng nhau ngồi lại để rút kinh nghiệm và đảm bảo có trách nhiệm trong sự việc.

Lãnh đạo cao nhất trong đội sẽ phải nhận trách nhiệm chứ không đổ lỗi. Đây không phải thói quen mà là điều bắt buộc. Khi nhận trách nhiệm đó thì mọi người buộc phải có giải pháp ở những lần tiếp theo.

- Vừa qua, SeABank cũng thay đổi hàng loạt nhân sự. Vì sao vậy?

- Nhiều người hỏi tôi câu này. Tôi nghĩ mọi thứ không bao giờ quá đột ngột. Nhân sự SeABank thay đổi có hai điểm, một là tùy duyên, hai là sự chuẩn bị sẵn.

Thời gian vừa rồi, ngân hàng vẫn tăng trưởng, nhưng quan trọng nhất là tạo nền tảng, xây dựng hệ thống quản trị điều hành, thực thi chuyên nghiệp và buộc phải có con người giỏi và có tâm.

le thu thuy pho chu tich seabank anh 8

Để tìm được những con người này rất mất thời gian, vì tùy cả vào duyên và sự cuốn hút của SeABank với họ.

Một bậc tiền bối đã khuyên tôi là tuyển nhân tài không bằng cầu hiền tài. SeABank cầu hiền tài và khi cầu được thì chúng tôi mới có thể xây dựng được một tập thể chung sức, đồng lòng, vững bước, thành công. Sự chuyển đổi không chỉ là yếu tố bắt buộc mà còn là hội tụ thêm sức mạnh.

- Và điều này có liên quan câu chuyện là gần đây, các ngân hàng đổ xô “trẻ hóa” đội ngũ lãnh đạo?

- Nếu nói trực tiếp thì không, còn gián tiếp trong tiềm thức Ban điều hành có lẽ cũng có.

Tôi phải nói lại là tuổi tác không quan trọng. Cái quý của người nhiều tuổi là sự trải nghiệm, họ biết nâng niu những nền tảng đi từ gốc. Còn với người trẻ, nếu như họ đem đến luồng gió mới về đổi mới, sáng tạo, đam mê, nhiệt huyết thì tại sao không đón nhận họ? Nhiều bạn trẻ rất tài năng.

Do đó, tôi thấy tuổi tác không quan trọng bằng việc có đam mê, mong có cơ hội để phát huy được khả năng của mình.

- Chị sinh làm việc ở ngân hàng rất sớm, với nhiều người hơn tuổi. Chị có gặp khó khăn hơn và giải quyết sao khi có bất đồng quan điểm?

- Lúc đầu về ngân hàng, tôi nói vui với bố mẹ là cứ như thế này con bị “già hóa” mất thôi. Nhưng khi làm việc, tôi thấy thật tuyệt vời. Xung quanh tôi có nhiều người có kinh nghiệm, hướng dẫn, hỗ trợ rất tốt trong công việc. Việc của tôi chỉ là cầu thị, nghe, học hỏi và “nói ít thôi”.

Mọi người cũng luôn hướng đến làm gì tốt nhất cho tổ chức, nên tôi hay lấy ví dụ rằng làm được việc này sẽ tốt như thế nào, nếu thử mà thành công thì quá tốt, còn nếu không thì sẽ nhận trách nhiệm.

le thu thuy pho chu tich seabank anh 9

- Chị cũng từng chia sẻ có thách thức liên quan câu chuyện người khác nghĩ mình ưu ái hơn vì là con của bà Nguyễn Thị Nga. Bây giờ thì sao, có còn nghĩ về điều đó không?

- Tôi cũng không rõ. Có thể lúc đầu khi tôi về ngân hàng thì mọi người còn nghĩ Thủy là con Chủ tịch. Giờ thì trong nói hay thể hiện đều không có nữa, nên tôi cũng không rõ họ còn đặt nặng chuyện đó không. Có thể cũng vì tôi làm việc rất “trâu” nên chắc mọi người cùng làm với tôi cũng hết nghĩ là tôi có sự ưu ái rồi.

- “Trâu” như chị nói thể hiện thế nào?

- Sáng, trưa, chiều, tối, đêm. Lúc nào tôi cũng nghĩ đến sẽ làm được gì cho ngân hàng.

- Làm lãnh đạo không tránh khỏi cảm thấy cô đơn. Chị thì sao?

le thu thuy pho chu tich seabank anh 10

- Cô đơn chứ. Tôi nghĩ bất cứ vị trí quản lý nào, khi nhận trách nhiệm quản lý một team tức là có phần trách nhiệm rất cao, liên quan đến con người khác thì sẽ có khoảnh khắc cảm thấy “hơi cô đơn”.

- Và chị làm gì?

- Tôi quay về với gia đình. Với tôi, gia đình là điểm tựa vô cùng to lớn. Ngoài bố mẹ, tôi có một anh trai. Anh lớn tuổi, có nhiều kinh nghiệm hơn. Tôi cũng may mắn có chồng tuyệt vời vì là người điềm đạm, thấu hiểu và lắng nghe. Khi tôi có cảm xúc dâng trào, anh luôn là người kiềm chế tôi lại.

Nhưng tôi nghĩ chúng ta không cô đơn, nhất là phụ nữ đã làm mẹ, vì luôn có các con xung quanh.  

- Được biết chị cũng trở lại công việc sau thời gian nghỉ sinh chưa lâu. Doanh nhân làm mẹ có gì khác?

- Phụ nữ vất vả hơn nam giới vì phải cân bằng nhiều việc nhưng khác nam giới là nhiều khi quá cầu toàn, dù biết mình khó có thể chu toàn mọi thứ.

le thu thuy pho chu tich seabank anh 11

Tôi cũng thế. Tôi luôn muốn hiện diện trong tất cả mốc quan trọng của công việc, gia đình, từ những dịp kỷ niệm đến ngày đầu tiên con đi học, hoặc lần đầu tiên con ăn bột cũng phải tự làm đồ ăn. Sau một thời gian, tôi rút ra mình không thể đảm bảo mọi thứ 100% được mà cần cân bằng hợp lý.

- Một ngày của chị sẽ là…?

- Sáng dậy, tôi chăm sóc con cái, chuẩn bị snackbox cho bé lớn, thay bỉm và cho bé nhỏ ăn sữa. Trên đường đến ngân hàng, tôi tranh thủ xử lý, sắp xếp lịch làm việc.

Tôi rất thích buổi trưa. Lúc đó, không gian yên tĩnh. Tôi ăn bữa trưa khá nhanh, chỉ trong khoảng 20 phút sau đó tranh thủ làm việc. Hiếm khi tôi rời ngân hàng vào buổi chiều, sớm nhất khoảng 19h, có hôm đến muộn nếu nhiều việc. Tuy nhiên, tôi vẫn cố gắng giữ được thời gian cho con ăn bữa phụ, cho con ngủ.

- Những người làm việc với chị đều nhận xét chị "siêu năng lượng", rất hay cười dù công việc áp lực. Chị nghĩ sao về điều đó?

Tôi nghĩ phụ nữ khi cười bao giờ cũng xinh hơn nên mình cần cười để xinh, để người xung quanh dễ chịu (cười). 

Tôi nghĩ chẳng có lý do gì mà chủ động xung đột với nhau cả, hãy luôn nghĩ tích cực. Tôi hay trêu mọi người làm việc cùng là hãy cố gắng giữ cho tâm trạng lúc nào cũng như là đang yêu vậy. Có lẽ thế mà mọi người nghĩ tôi nhiều năng lượng chăng?

le thu thuy pho chu tich seabank anh 12

- Ngày 20/10 của một doanh nhân như chị thì có đặc biệt?

- Tôi thường gửi tin báo trước cho… chồng nhưng mà lần nào câu trả lời cũng là “Ngày này không áp dụng cho người Mỹ” (cười). Nói vui vậy thôi. 20/10 đối với tôi như một ngày bình thường.

Những ngày này, tôi vẫn bảo các bạn nữ trong ngân hàng cần đặc biệt yêu bản thân, để có thể tái tạo năng lượng. Mẹ tôi cũng dạy nếu phụ nữ không lo được cho mình thì không lo được cho người khác, quên mình là ích kỷ với chính mình.

- Nếu được tặng, món quà chị thích là gì?

- Bạn xem, trên bàn đều là những món đồ được tặng. Khung ảnh hình cây dán ảnh với các mốc quan trọng của cuộc sống là do các bạn trong ngân hàng làm và tặng. Bức tranh cây với lá là các dấu vân tay của các cán bộ quản lý ở SeABank.

Còn kia là tranh do con gái vẽ tặng mẹ nhân dịp Năm Bính Thân, thêm nữa là tấm thiệp chúc mừng ông xã tự làm. Tôi thích những món quà nhỏ và có ý nghĩa đó, để luôn giữ được một tâm trạng khi yêu như đã chia sẻ. (Cười lớn). 

- Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!

Lan Anh

Đồ hoạ: Châu Châu
Ảnh: Anh Tuấn
Video: Hoàng Hiệp

Bạn có thể quan tâm