1990: Ngày 17/4, đạo diễn Nhất Trung bất ngờ thông báo lùi lịch chiếu của bộ phim và chưa công bố ngày ra mắt trở lại. Sau đó, anh đăng tải chia sẻ dài trên trang cá nhân nói về việc một nữ chính thiếu chuyên nghiệp, mắc bệnh ngôi sao khiến ê-kíp khốn đốn trong quá trình sản xuất. Vài ngày sau, đại diện của Nhất Trung xác nhận người được nói tới là Nhã Phương. Về phía Nhã Phương, đại diện của nữ diễn viên khẳng định cô thực hiện đúng mọi nhiệm vụ của đoàn phim, không vi phạm hợp đồng và sẵn sàng đối chất với NSX trước toàn bộ sự việc. Hiện vụ việc chưa có hồi kết. |
Võ sinh đại chiến: Đầu tháng 1, tác phẩm của Bá Cường phải rút khỏi rạp sau 6 ngày công chiếu. NSX Thái Bá Dũng cho biết phim đầu tư hết 25 tỷ đồng và thu về 1,2 tỷ đồng. Ê-kíp phim lên tiếng chỉ trích nhà rạp, nhà phát hành chèn ép, khiến tác phẩm thất bại nặng nề. "Từ khi phim công chiếu, nhà phát hành xếp rất ít suất chiếu. Nếu có, lịch chiếu lại rơi vào thời gian ít có người xem, hoặc quá sớm hoặc quá trễ", Thái Bá Dũng nói với Zing. Về phía nhà phát hành, đại diện của Galaxy cho biết nhà sản xuất xin rút khỏi rạp để tìm thời điểm phù hợp, khán giả có cơ hội thưởng thức bộ phim. |
Kiều: Bộ phim của Mai Thu Huyền vừa công chiếu đầu tháng 4 được coi là thảm họa điện ảnh Việt đầu năm 2021. Kiều đầy rẫy các điểm yếu với lối dẫn truyện vụng về, diễn viên chính diễn xuất nghèo nàn, kỹ xảo thô kệch... Nhân vật Đạm Tiên (Mai Thu Huyền thủ vai) được coi là sáng tạo của tác phẩm. Tuy nhiên, nữ diễn viên cũng gây thất vọng với lối đọc thoại, không cảm xúc. Trước những ý kiến trái chiều từ khán giả, nhà biên kịch Phi Tiến Sơn chia sẻ với Zing: "Tôi chỉ biết làm hết sức trong suy nghĩ mà mình thấy đúng và hay. Còn cảm nhận của khán giả tới đâu, tôi vẫn đang chờ đợi thêm". |
Kiều@: Tương tự Kiều, Kiều@ được giới chuyên môn và khán giả đánh giá bằng những tính từ: "thảm họa", "tệ hại", "thất bại". Ngoài kịch bản, diễn xuất và kỹ thuật được nhận xét dưới mức trung bình, tác phẩm của Đỗ Thành An còn bị chỉ trích vì khâu truyền thông lố bịch. Trong suốt chiến dịch quảng bá, nhà làm phim luôn nhấn mạnh Kiều@ là phim có thời lượng trên 90 phút đầu tiên của điện ảnh Việt Nam và thứ 31 trên thế giới áp dụng phong cách nghệ thuật một cú máy (one-shot). Tuy nhiên, cách PR phim chỉ là vỏ bọc để che giấu sự yếu kém trong thiết kế sản xuất. Khán giả khi theo dõi tác phẩm bị chóng mặt, mệt mỏi sau mỗi cảnh quay. |
Cậu Vàng: Trước khi ra rạp, Cậu Vàng từng bị kêu gọi tẩy chay vì đoàn phim chọn chó Shiba Inu đóng cậu Vàng. Lý lẽ được nhiều người đồng thuận là tại sao lại chọn “quốc khuyển” của Nhật Bản mà không phải một chú chó Việt cho vai cậu Vàng. Khi công chiếu, tác phẩm lại khiến người xem ngao ngán vì nội dung đầy sạn và lỗ hổng. Sự non kém trong khâu làm phim đã phá hỏng nguyên tác của Nam Cao. |
Trạng Tí phiêu lưu ký: Hồi tháng 1, trên mạng Internet xuất hiện đoạn trích dài hơn 3 phút được cho là mở đầu phim Trạng Tí phiêu lưu ký. Trong đó, Trạng Tí và nhóm bạn đang chơi bóng bưởi trên một bãi đất ven sông. Giữa cuộc chơi, quả bóng bưởi rơi xuống một cái giếng. Trạng Tí đã trổ tài lấy quả bưởi lên từ dưới giếng. Người dùng mạng xã hội nhanh chóng phân tích rằng để lấy được quả bưởi từ dưới giếng theo cách của Trạng Tí, đám trẻ làng Phan Thị cần đổ vào đó hàng trăm gàu nước. Đây là một sự phức tạp hóa không cần thiết, thậm chí phi lý. |