Chiều 26/9, các nhà làm phim tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến nhằm góp ý cho dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi. Một trong vấn đề được đạo diễn, nhà sản xuất Việt quan tâm là việc kiểm duyệt, phân loại phim điện ảnh.
Bất cập khi kiểm duyệt phim
Đạo diễn Phan Đăng Di cho rằng nếu phim chiếu mạng được đề xuất phương án tự phân loại và hậu kiểm, phim điện ảnh phải tiền kiểm là chưa công bằng. Theo anh, điều quan trọng là cơ quan chức năng tạo ra một bộ tiêu chí phân loại rõ ràng. Từ đó, các nhà làm phim dựa theo tiêu chí và áp dụng.
"Trước khi phim ra mắt, nhà phát hành cũng cần thay đổi cách thức quảng cáo. Cụ thể, ngoài thông tin nội dung, hình ảnh phim, nhà phát hành cần đưa thông tin về việc phim được gắn mác phân loại. Điều này cũng cần thể hiện trên poster, trailer phim như cách thức báo trước với khán giả", Phan Đăng Di phát biểu.
Bàn về vấn đề nội dung bị cấm phổ biến phim, đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn đánh giá chưa rõ ràng hoặc lặp lại ở các điều luật đã có. "Ở điều 10, có những nội dung cấm quá hiển nhiên, đã được quy định trong hiến pháp, Luật hình sự như tội chống phá Nhà nước... Nhắc lại quy định này trong Luật Điện ảnh theo tôi không cần thiết".
Nhà sản xuất phim Tiệc trăng máu cho biết có nhiều bất cập trong quá trình duyệt phim. |
Trong khi đó, có những nội dung quy định lại chung chung, không rõ ràng. Nguyễn Hữu Tuấn cho hay đó là điều khoản cấm vi phạm quyền lợi, lợi ích của trẻ em, người chưa thành niên hay cấm vi phạm chính sách tôn giáo quốc gia...
"Hành vi, nội dung như thế nào sẽ bị cấm. Quy định không cụ thể như vậy sẽ dễ dẫn tới việc áp dụng tùy tiện. Để rõ ràng, tôi nghĩ cần có thông tư hướng dẫn cụ thể", anh nói.
Cùng quan điểm với Nguyễn Hữu Tuấn, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cho rằng điều luật không cụ thể khiến người sử dụng có thể suy diễn theo quan điểm cá nhân. "Tôi không hiểu vi phạm bí mật đời tư là thế nào. Ở Mỹ, những người công chúng, đương nhiên bị từ bỏ quyền riêng tư", anh cho hay.
Anh kể lại quá trình kiểm duyệt phim nhiều khó khăn của Tiệc trăng máu: "Trong phim, có đoạn nhân vật Hứa Vĩ Văn hỏi: 'Có phải Ngô Thanh Vân nhắn tin cho anh?'. Hội đồng duyệt cũng yêu cầu chúng tôi phải xin phép cô ấy, mới được phát hành phim. Thực tế trên đất nước Việt Nam có bao nhiêu người có tên ngô Thanh Vân. Tôi thấy chuyện này quá vô lý. Không những thế, Tiệc trăng máu đã dán nhãn trên 18 tuổi nhưng một số lời thoại bình thường cũng bị yêu cầu phải cắt bỏ".
Phim Vị cũng không được cấp phép vì có cảnh nóng. |
Đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn kể năm 2008, khi anh thực hiện phim Mặt trời, con ở đâu cũng từng bị hội đồng kiểm duyệt yêu cầu cắt bỏ nhiều cảnh và phải quay thêm cảnh chính quyền địa phương họp với nhau cách giáo dục trẻ em. "Tôi phải làm để phim được phép công chiếu nhưng thực ra cảnh đó không ăn nhập gì trong tổng thể tác phẩm", anh khẳng định.
Dự thảo mới chưa có bước tiến
Là một thành viên của Hội đồng kiểm duyệt phim, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp cho rằng dự thảo mới chưa có bước tiến so với luật cũ. Nữ đạo diễn đánh giá dự thảo còn gây khó cho giới làm phim cũng như hội đồng duyệt phim.
Nguyễn Hoàng Điệp nhận thấy giữa hội đồng duyệt phim và nhà làm phim chưa có sự thấu hiểu lẫn nhau. Chừng nào còn thiếu sự thấu hiểu giữa hai bên sẽ còn những trường hợp như phim Vị không được chiếu hay gian nan để được kiểm duyệt như Ròm. Cô cho biết từng xem bản gốc của Ròm và tin rằng phim sẽ được duyệt. Nhưng không ngờ bộ phim bị chỉnh sửa nhiều lần.
Phan Đăng Di đề xuất nên bỏ tiền kiểm với phim điện ảnh, để nhà làm phim tự phân loại và cơ quan chức năng hậu kiểm. Theo anh, đây là cách làm các nước trên thế giới đã thực hiện.
Luật sư Hirota góp ý để thực hiện được phương án tự phân loại và hậu kiểm, Luật Điện ảnh nên xây dựng bộ tiêu chí hơn là quy định nội dung cấm.
Ông nói: "Để tạo nên bộ tiêu chí đó, hội đồng duyệt phim nên làm các điều tra xã hội học, dân tộc học... để khảo sát xem những quy định trong bộ quy tắc có nguy hại không, cần cắt bỏ những gì. Trong Hội đồng duyệt nên có sự tham gia của người làm phim".
Bàn về nội dung phim Việt dự Liên hoan phim quốc tế liệu có cần kiểm duyệt, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp phản đối cách làm cũ. Cô cho rằng nên "cấp visa" cho phim Việt đi dự liên hoan phim.
"Các liên hoan phim có thể nhận bản phim chưa hoàn thiện về hòa âm, màu sắc. Trong khi đó, muốn giấy phép, phim phải hoàn thiện. Thời gian chờ đợi đó có thể làm mất cơ hội của phim. Visa khác với giấy phép phổ biến phim. Khi nào phim chiếu ở Việt Nam mới cần cấp giấy phép", cô lý giải.