Ngày 4/3, Sina đưa tin phim điện ảnh Âm Dương Sư: Thị thần lệnh có Châu Tấn, Trần Khôn tham gia chỉ thu về 40 triệu USD doanh thu phòng vé, lỗ 92 triệu USD. Đây được coi là tác phẩm thất bại thảm hại trong mùa phim Tết 2021 tại Trung Quốc.
Một trong những nguyên nhân khiến Âm Dương Sư: Thị thần lệnh nhận về thành tích bết bát là cách quảng bá lừa dối khán giả. Tác phẩm dựa hơi tên tuổi Châu Tấn, Trần Khôn để lôi kéo sự chú ý của người hâm mộ, nhưng khi phim công chiếu, đất diễn của hai ngôi sao hạng A trên lại ít ỏi đến khó tin.
Trên thực tế, Âm Dương Sư: Thị thần lệnh không phải là bộ phim đầu tiên và duy nhất làm ăn theo kiểu “treo đầu dê, bán thịt chó”. Đây không còn là chuyện hiếm gặp trong giới làm phim Hoa ngữ.
Muôn kiểu “treo đầu dê, bán thịt chó”
Trước khi chính thức đổ bộ rạp chiếu, Âm Dương Sư: Thị thần lệnh có chiến dịch quảng bá tương đối rầm rộ, với Trần Khôn và Châu Tấn là hai gương mặt đóng vai trò trung tâm. Từ trailer, poster phim đến các bài viết giới thiệu tác phẩm, hình ảnh và tên tuổi hai nghệ sĩ nổi tiếng thường xuyên được nhắc tới. Điều này khiến khán giả lầm tưởng nhân vật của Châu Tấn và Trần Khôn là nòng cốt của bộ phim.
Trần Khôn, Châu Tấn là hai cái tên được nhắc tới xuyên suốt giai đoạn quảng bá Âm Dương Sư: Thị thần lệnh. |
Thế nhưng, thực tế lại khác xa tưởng tượng của người hâm mộ. Khi khởi chiếu, Âm Dương Sư: Thị thần lệnh cắt đất diễn của Trần Khôn, Châu Tấn nhằm lăng-xê hai ngôi sao trẻ khác là Khuất Sở Tiêu, Thẩm Nguyệt. Thời lượng lên hình của bộ đôi Trần - Châu chỉ chiếm 20 -30%, trong khi phim dành phần lớn thời gian để kể về nhân vật Bát Nhã do Khuất Sở Tiêu thể hiện.
Khán giả vỡ lẽ ra rằng trailer, poster nhấn mạnh vào nhân vật của Châu Tấn, Trần Khôn thực chất là chiêu trò truyền thông của ê-kíp sản xuất nhằm hạn chế sự xuất hiện của Khuất Sở Tiêu vì bê bối đời tư trước đó của nam diễn viên này. Scandal ngoại tình, bắt cá hai tay, bỏ rơi bạn gái của tài tử họ Khuất khiến Âm Dương Sư: Thị thần lệnh suýt không được ra mắt.
Trên thực tế, đất diễn của Châu Tấn, Trần Khôn chỉ chiếm 20-30% thời lượng phim. |
Âm Dương Sư: Thị thần lệnh không phải là bộ phim duy nhất gặp tình trạng “treo đầu dê, bán thịt chó”. Cách đây 2 năm, người hâm mộ Hoa ngữ cũng từng bất bình vì một tác phẩm có cách làm ăn lừa dối khán giả, đó là Lam sắc sinh tử luyến (2019). Bộ phim remake Trái tim mùa thu này có sự góp mặt của loạt diễn viên trẻ gồm Hứa Khải, Triệu Lộ Tư, Mạnh Mỹ Kỳ, Tiêu Duệ.
Quá trình quảng bá Lam sắc sinh tử luyến cũng gây nhầm lẫn cho người xem. Theo thông tin ban đầu, Hứa Khải và Triệu Lộ Tư đảm nhận vai nam nữ chính. Tuy nhiên, đến khi poster và trailer phim chính thức được công bố, khán giả mới biết rằng Hứa Khải chỉ đóng vai nam phụ, còn vị trí chính thuộc về Tiêu Duệ.
Chưa dừng lại ở đó, dù được trao vai nam chính, Tiêu Duệ vẫn gần như biến mất trên một số poster Lam sắc sinh tử luyến. Trên một tấm hình quảng bá, nhà sản xuất chỉ chèn hình ảnh rõ nét của Hứa Khải, Mạnh Mỹ Kỳ và Triệu Lộ Tư, còn Tiêu Duệ chỉ là cái bóng mờ nhạt ở hậu cảnh.
Một tấm ảnh quảng bá của Lam sắc sinh tử luyến gây tranh cãi vì nam chính Tiêu Duệ chỉ là bóng người mờ nhòe, nhỏ bé nằm ở phía bên trái tấm hình. |
Nhiều cư dân mạng cho rằng cách thiết kế poster theo kiểu câu khách của ê-kíp sản xuất khiến họ nghĩ rằng Hứa Khải - mỹ nam nổi đình đám từ phim cung đấu Diên Hy công lược - mới là ngôi sao chính của Lam sắc sinh tử luyến.
Để lôi kéo người xem, Lam sắc sinh tử luyến cũng không quên khai thác danh tiếng của tác phẩm truyền hình kinh điển Hàn Quốc Trái tim mùa thu (Autumn in My Heart). Tác phẩm có tựa đề tiếng Anh là Autumn Fairy Tale. Phim được gắn mác Trái tim mùa thu bản Trung, song, kịch bản thực tế có chất lượng kém xa, khó gợi liên tưởng tới sự sâu sắc của bản gốc.
Quay lại câu chuyện dựa hơi tên tuổi diễn viên hạng A, ngoài việc áp dụng chiêu trò quảng bá, lừa dối rằng nghệ sĩ nổi tiếng đóng chính trong phim như trường hợp Âm Dương Sư: Thị thần lệnh, nhiều ê-kíp còn cho diễn viên đóng thế sử dụng mặt nạ da người mô phỏng diện mạo của một số ngôi sao đình đám.
Tờ Nhật báo Trung Quốc từng có một bài viết lý giải cho việc này. Một trong những nguyên nhân đáng chú ý là kinh phí hạn hẹp. Nhiều đạo diễn muốn mời gương mặt nổi tiếng Cbiz tham gia phim để thu hút người xem nhưng không đáp ứng được mức thù lao. Bởi vậy, giải pháp tốt nhất là phần lớn cảnh quay sử dụng đóng thế đeo mặt nạ da người, còn diễn viên đình đám thực sự chỉ góp mặt ở vài cảnh.
Mặt nạ da người là một đạo cụ làm từ cao su, thường dùng trong một số gameshow của Mỹ. Song, đạo cụ này lại được diễn viên và nhiều nhà làm phim Trung Quốc coi là vật "chữa cháy" khi cần chạy tiến độ dự án.
Mặt nạ da người là công cụ "chữa cháy" khi đoàn làm phim không đủ kinh phí mời sao hạng A đóng phim liên tục hoặc khi diễn viên cần chạy tiến độ dự án. |
Khi thường xuyên vắng mặt ở phim trường, làm ảnh hưởng đến tiến độ quay phim nhưng lại sợ quá lộ liễu nếu sử dụng người thế thân, một số ngôi sao đình đám đã chọn phương án thuê diễn viên đóng thế đeo mặt nạ da người như hướng giải quyết tạm thời.
Đứng từ góc độ của khán giả, hành động nói trên của diễn viên và đoàn làm phim có thể được coi là một mánh khóe lừa gạt, “treo đầu dê, bán thịt chó”.
Trái đắng
Kết cục của những bộ phim “treo đầu dê, bán thị chó” thường là thất bại thảm hại về doanh thu và hiệu ứng khán giả.
Với trường hợp Âm Dương Sư: Thị thần lệnh, người hâm mộ phẫn nộ vì bị đoàn làm phim lừa gạt và bức xúc trước việc nghệ sĩ hạng A như Châu Tấn, Trần Khôn phải làm kép phụ cho một diễn viên tai tiếng như Khuất Sở Tiêu. Họ tẩy chay phim như một cách phản đối chiêu trò của ê-kíp sản xuất.
Khán giả bức xúc trước việc một nghệ sĩ thực lực như Châu Tấn phải làm kép phụ cho diễn viên tai tiếng như Khuất Sở Tiêu. |
Ra rạp từ dịp Tết Nguyên đán, với doanh thu phòng vé chỉ vỏn vẹn 40 triệu USD tính tới thời điểm hiện tại, Âm Dương Sư: Thị thần lệnh khó lòng hòa vốn, chưa tính tới chuyện thu lãi. Phim cần 278 triệu USD để hòa vốn. Theo đó, khoảng cách giữa doanh thu thực tế và mục tiêu cần chạm tới khá xa vời.
Theo Sina, Âm Dương Sư: Thị thần lệnh là tác phẩm gây lỗ lớn nhất trong 7 bộ phim ra mắt vào dịp Tết Nguyên đán 2021. So với doanh thu “khủng” của loạt phim ra rạp cùng thời điểm như Xin chào, Lý Hoán Anh (741 triệu USD), Thám tử phố Tàu 3 (665 triệu USD), thành tích mà Âm Dương Sư thu về chỉ là một con số khiêm tốn, nếu không muốn nói là bết bát.
Trên Douban, phim chỉ đạt 5.8/10 điểm. Hơn 75% trong số 79.292 lượt đánh giá cho Âm Dương Sư: Thị thần lệnh 1-3 sao. Ngoài những ý kiến chỉ trích chiêu trò quảng bá của đội ngũ sản xuất, tác phẩm còn bị chê có kịch bản cũ kỹ, cách xây dựng nhân vật nhàm chán, diễn biến thiếu hấp dẫn.
Âm Dương Sư: Thị thần lệnh thất bại thảm hại về doanh thu. |
Với trường hợp Lam sắc sinh tử luyến, khán giả cũng không mặn mà. Được công chiếu vào dịp Valentine 2019 - ngày lễ Tình nhân nhưng doanh thu của bộ phim bị xếp vào hàng thất bại. Theo Box Office Mojo, Lam sắc sinh tử luyến chỉ kiếm được gần 200.000 USD.
Trên Douban, tác phẩm có số điểm thấp không tưởng 2.8/10. Có 8063 lượt đánh giá phim. Hơn 70% lượt đánh giá chấm Lam sắc sinh tử luyến ở mức 1 sao.
Trái tim mùa thu bản Trung từng thất bại thảm hại tại phòng vé Hoa ngữ. |
Phản ứng gay gắt của khán giả trước Âm Dương Sư: Thị thần lệnh và Lam sắc sinh tử luyến cho thấy rằng chiêu trò quảng bá lừa dối không bao giờ có thể là đường tắt giúp một bộ phim nhanh chóng gặt hái thành công.