Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phim Trung Quốc bị chỉ trích vì lạm dụng hiệu ứng chỉnh sửa

Khán giả Trung Quốc thể hiện sự bất bình khi nhà sản xuất sử dụng quá đà các bộ lọc, hiệu ứng chỉnh sửa khiến hình ảnh trong phim kém chân thật.

Chinanews đưa tin từ ngày 9/11, Nhất kiến khuynh tâm - dự án có sự tham gia của dàn diễn viên trẻ được yêu thích trong showbiz là Trần Tinh Húc, Trương Tịnh Nghi và Lâm Ngạn Tuấn - chính thức ra mắt khán giả. Song bộ phim nhận phản hồi không mấy khả quan từ khán giả. Nhất kiến khuynh tâm bị chỉ chỉ trích lạm dụng hiệu ứng chỉnh sửa hình ảnh khiến cảnh phim và ngoại hình của các ngôi sao kém tự nhiên.

"Sạn" hình ảnh

Theo Sina, Nhất kiến khuynh tâm lấy bối cảnh Thượng Hải vào thời kỳ dân quốc, chiến tranh loạn lạc. Nội dung phim xoay quanh tình bạn, tình yêu, nhiệm vụ bảo vệ đất nước giữa tiểu thư Mộc Uyển Thanh (Trương Tịnh Nghi) và hai sĩ quan quân đội là Đàm Huyền Lâm (Trần Tinh Húc) và Từ Quang Diệu (Lâm Ngạn Tuấn).

Sau 4 tập đầu tiên, tác phẩm khiến khán giả không hài lòng vì để lộ những lỗi không đáng có. Hình ảnh trong phim từ cảnh cho đến người bị chê kém chân thật. Ở tập mở màn, khung cảnh đường phố Thượng Hải vào những năm 1926 bị chỉnh màu sáng, làm mượt quá đà khiến các tòa nhà và trang phục của người qua đường có màu sắc rực rỡ, phẳng phiu.

Gương mặt của Trần Tinh Húc, Trương Tịnh Nghi và Lâm Ngạn Tuấn cũng trở nên biến dạng vì ê-kíp lạm dụng bộ lọc để giúp diễn viên có nhan sắc mượt mà trên màn ảnh.

Theo Sina, nhiều khán giả đã gửi kiến nghị đến Tổng cục Quảng bá và Phát thanh Truyền hình Trung Quốc về vấn đề lạm dụng hiệu ứng chỉnh sửa khiến diễn viên, cảnh phim mất đi nét đẹp vốn có của Nhất kiến khuynh tâm. Trước đó, giới quản lý văn hóa thông báo kiên quyết tẩy chay vẻ đẹp công nghiệp, dùng phần mềm phụ trợ hoặc filter quá mức của nghệ sĩ trong showbiz.

Trên QQ, nhân viên hậu kỳ của Nhất kiến khuynh tâm cho biết đã nhận được chỉ thị chỉnh sửa lại toàn bộ màu phim về nguyên bản để dự án tiếp tục được phát sóng.

Không chỉ Nhất kiến khuynh tâm, Đương gia chủ mẫu của biên kịch Vu Chính cũng bị chỉ trích lạm dụng bộ lọc hình ảnh. Gương mặt của hai nữ chính Tưởng Cần Cần, Dương Dung bị nhận xét gượng gạo. Do dùng bộ lọc làm mịn da, ngũ quan trên khuôn mặt của dàn diễn viên trong phim không rõ ràng. Trong bất kỳ biểu cảm nào, kể cả gào thét, cơ mặt của họ cũng không có sự biến hóa.

Màu phim của Đương gia chủ mẫu bị đánh giá u ám quá mức, khiến khán giả cảm thấy ngột ngạt và khó chịu. Điển hình là cây cối trong phim đều trở nên xám xịt. Theo Sina, từ sau Diên Hi công lược, Vu Chính không còn sử dụng bản phim gốc với màu sắc tự nhiên, thay vào đó ông đều đưa vào bộ lọc để chỉnh xuống thành tông màu lạnh.

Ê-kíp Trường Ca hành, Hữu Phỉ hay Tân Bạch Nương Tử truyền kỳ cũng khiến Địch Lệ Nhiệt Ba, Triệu Lệ Dĩnh và Cúc Tịnh Y trở nên đơ cứng, thiếu tự nhiên trên màn ảnh vì chỉnh sửa đến mức đường nét trên gương mặt gần như hòa vào màu da.

Gần đây, đoàn phim Tuyết trung hãn đao hành của Trương Nhược Quân, Hồ Quân, Lý Canh Hi bị khán giả yêu cầu xem xét lại màu phim khi bị làm xanh kỳ lạ. Dự án Phong khởi lũng tây cũng hạ màu phim để kịch tính hóa về mặt hình ảnh. Tuy nhiên, ê-kíp hậu kỳ bị cho là chỉnh hiệu ứng quá tay khiến màu phim ở cảnh quay ban đêm trở nên tối đen.

Chịu ảnh hưởng của trào lưu "vẻ đẹp ảo"

Theo Tân Hoa Xã, hiện tại, giới làm phim Trung Quốc đang cho ra mắt tác phẩm theo chuẩn mạng xã hội. Họ áp dụng các bộ lọc khác nhau trong quá trình hậu kỳ để có màu phim lung linh giống với hiệu ứng trên các ứng dụng chỉnh ảnh hiện nay.

Trong khi diễn viên sẽ được chỉnh sửa kỹ càng qua nhiều hiệu ứng để giúp họ có khuôn mặt kiểu mẫu như làn da trắng, láng mịn không hề lộ nếp nhăn hay lỗ chân lông, môi đầy, mắt to như xu hướng làm đẹp của giới trẻ Trung Quốc vài năm trở lại đây.

"Khung cảnh thực tả trong phim ngày này vốn đã thay bằng phông nền xanh, được tạo ra trên máy tính. Cái thực nhất có lẽ là nhan sắc và diễn xuất của nghệ sĩ, nhưng bây giờ điều này đang dần biến mất. Đoàn nào cũng dùng filter chỉnh đến mức thật thành giả, giả lại trông giả hơn. Những lỗi hậu kỳ vô lý này khiến một bộ phim giảm chất lượng nghiêm trọng", nhà sản xuất Điền Tráng Tráng nói trên China Daily.

Ông đánh giá vài năm qua đoàn làm phim Trung Quốc từ cổ trang cho đến hiện đại luôn ứng dụng công nghệ bộ lọc hình ảnh để chứng minh sự tiến bộ trong khâu sản xuất, nhưng việc lạm dụng quá đà khiến phim mất thẩm mỹ, trở thành trò cười trong mắt khán giả vì kỹ xảo vụng về, cẩu thả.

"Sử dụng hiệu ứng chỉnh sửa không sai, cũng không ai cấm, song phải biết tiết chế để không cho ra mắt những tác phẩm có gu thẩm mỹ kỳ lạ, phi lý. Việc dùng kỹ xảo kém tinh tế thể hiện thái độ làm việc không chuyên nghiệp của người làm nghệ thuật. Họ trực tiếp kéo lùi ngành phim xứ tỷ dân với loạt phim bị gán mác có kỹ xảo ba xu, nghệ sĩ mặt đơ như người máy trước ống kính", Điền Tráng Tráng chia sẻ.

Theo Sina, trên mạng xã hội, khán giả Trung Quốc đang phát động chiến dịch yêu cầu đoàn phim tắt bộ lọc hình ảnh, sử dụng cảnh quay thật cho phim truyền hình, trả lại gương mặt mộc cho diễn viên như thời Tiên kiếm kỳ hiệp, Thần điêu đại hiệp, Mỹ nhân tâm kế, Bộ bộ kinh tâm, Mẫu nghi thiên hạ.

Giai đoạn đó, showbiz Hoa ngữ đã tìm ra vô số mỹ nhân và nam thần màn ảnh như Lưu Diệc Phi, Đồng Lệ Á, Lưu Thi Thi hay Huỳnh Hiểu Minh, Hồ Ca mà không cần đến sự trợ giúp của filter.

Phim của Trương Nghệ Mưu được gửi đi tranh giải Oscar 2022

"Phía trên vách núi" được kỳ vọng có thể mang về tượng vàng Oscar đầu tiên cho Trương Nghệ Mưu sau 3 lần trượt giải.

Phim cổ trang Trung Quốc thất thế

Từng một thời là thương hiệu kinh điển của Trung Quốc, phim kiếm hiệp, tiên hiệp không còn giữ được bản sắc. Các nhà sản xuất hiện ra sức cứu vãn dòng phim này.

Bạn có thể quan tâm