Genre: Kinh dị, tâm linh
Director: Hadrah Daeng Ratu
Cast: Shareefa Daanish, Daffa Wardhana...
Rating: 6/10
*Lưu ý: Bài viết tiết lộ một phần nội dung bộ phim
Hơn một thập kỷ trở lại đây, điện ảnh kinh dị Indonesia đang dần tạo được dấu ấn trên trường quốc tế. Nhiều tác phẩm kinh dị xứ vạn đảo đã được Netflix mua lại và phát hành toàn cầu, đơn cử như May the Devil Take You (2018), Impetigore (2019), hay The Queen of Black Magic (2019).
Về tổng thể, dù chất lượng các tác phẩm trên chưa thể sánh được với các cường quốc kinh dị như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Hollywood, song chính chất liệu kinh dị độc đáo, có nét riêng là điểm gây tò mò, thu hút khán giả.
Không khí kinh dị trong các bộ phim Indonesia thường gắn liền với yếu tố văn hóa, các tín ngưỡng địa phương cùng với đó là bối cảnh rừng rậm, làng quê hẻo lánh.
Ác linh trong xác mẹ, bộ phim kinh dị Indonesia mới nhất được phát hành tại Việt Nam cũng không phải ngoại lệ.
Bộ phim kinh dị nặng đô
Ác linh trong xác mẹ lấy bối cảnh tại một vùng quê ở Indonesia. Chuyện phim xoay quanh Sekar (Shareefa Daanish), một người mẹ đơn thân có 3 con. Sekar mở quán ăn để nuôi sống gia đình, song một mình cô không thể cáng đáng nổi chuyện ăn lẫn học của cả 3 người con. Nhằm giúp quán ăn đông khách, Sekar thông qua một pháp sư, đã lập giao ước với quỷ dữ.
Sau khi người pháp sư kia qua đời, ác quỷ không còn ai cúng tế đã quay lại ám hại gia đình cô. Ban đầu, nó khiến quán ăn trở nên hôi thối, xua đuổi hết khách khứa. Kế đến, nó nhập vào Sekar, hù dọa và giết hại tất cả những ai chống lại nó. Trước tình cảnh đó, các con của cô bước vào hành trình xua đuổi ác quỷ ra khỏi thân xác mẹ mình.
Nghi thức thành lập giao ước giữa Sekar và quỷ dữ là một phân đoạn đậm tính văn hóa địa phương. |
Giống như phần lớn phim kinh dị Indonesia đương đại khác, Ác linh trong xác mẹ gây ấn tượng nhờ bối cảnh nông thôn u ám, lạnh lẽo. Những khu rừng rậm rạp, cánh đồng hoang vu tạo ra một không gian mênh mông, cô lập chủ thể trong những khung hình. Bên cạnh đó, những ngôi nhà với kiến trúc cổ cũng gây cảm giác thần bí, ớn lạnh.
Đặc biệt hơn, những tạo hình ác quỷ, hình ảnh máu me trong tác phẩm được thiết kế cực kỳ kỹ lưỡng, đem đến cảm giác rùng rợn ngay khi những chi tiết này xuất hiện.
Điển hình là khuôn mặt Sekar trong lần đầu ác quỷ nhập vào. Ánh mắt đỏ rực đầy vẻ căm hận, sự méo mó trong khuôn mặt, kết hợp với diễn xuất ấn tượng của Shareefa Daanish đã mang đến hình ảnh cực kỳ ám ảnh. Hay tạo hình Pocong - một loại ma quỷ trong văn hóa Indonesia cũng được hiện lên rất đáng sợ với các vết thương và dấu hiệu phân hủy.
Về cách thức gây sợ hãi, Ác linh trong xác mẹ đan xen giữa những cú jumpscare(hù dọa bất ngờ) khiến khán giả giật mình, hoảng hốt và việc tạo ra không khí hồi hộp, lo sợ một cách chậm rãi.
Tuy nhiên, những cú jumpscare có chất lượng không đồng đều. Một vài khoảnh khắc hù dọa bất ngờ cho thấy sự hiệu quả, lập tức đẩy cảm xúc người xem lên trạng thái sợ hãi cực độ. Nhưng lúc khác, cách làm này lại bị phản ứng ngược, trở nên nhạt nhẽo, dễ đoán. Nguyên nhân là tác phẩm thiếu sự đa dạng trong chiêu trò hù dọa, chủ yếu lập đi lập lại công thức: tắt toàn bộ âm thanh trong khoảng 3 giây, sau đó sẽ có thứ gì đó bất ngờ xuất hiện kèm theo âm lượng lớn.
Diễn xuất của Shareefa Daanish đóng góp lớn vào không khí kinh dị của bộ phim. |
Mặt khác, phương thức gây kinh dị một cách chậm rãi lại được làm tốt hơn, với việc kết hợp nhuần nhuyễn giữa âm thanh, kỹ thuật dựng phim, những khoảng lặng, bối cảnh u ám và kỹ nghệ diễn xuất ở mức tốt của nữ chính Shareefa Daanish. Tất thảy tạo ra bầu không khí ngột ngạt, khó chịu xuyên suốt phim.
Thêm vào đó, việc để cậu con út của Sekar là người duy nhất thấy được ác quỷ khiến mỗi khoảnh khắc cậu xuất hiện đều ngập trong sự bất an, như thể ác quỷ đang lẩn khuất đâu đó quanh đây.
Kịch bản hời hợt, nhiều sạn
Kịch bản Ác linh trong xác mẹ được xây dựng dựa trên khuôn mẫu những tác phẩm trừ tà quen thuộc, mà nổi bật là The Exorcist (1973) - bộ phim được coi là bậc thầy của thể loại phim kinh dị về trừ tà.
Vì thế, chuyện phim không có quá nhiều yếu tố bất ngờ hay đặc sắc, đủ sức gây hứng thú với khán giả.
Phim mở đầu một cách cực kỳ trực diện, với việc lập tức giới thiệu mối quan hệ giữa Sekar và ác quỷ cũng như các mâu thuẫn trong gia đình của cô. Dễ thấy với cách làm này, đạo diễn Daeng Ratu từ đầu đã muốn tập trung hơn vào việc hù dọa khán giả thay vì tạo ra một câu chuyện nhiều lớp lang, có chiều sâu.
Những sự kiện trong tác phẩm được tường thuật một cách qua loa, thiếu sâu sắc, chỉ dừng ở mức truyền đạt thông tin. Cảm xúc trong câu chuyện giữa các nhân vật chưa được hiện lên, khiến tác phẩm dễ dàng trôi tuột ngay khi trời rạp chiếu.
Chính vì không được thiết lập kỹ càng, câu chuyện tình cảm gia đình trong phim có phần thiếu tự nhiên, gượng ép. Các nhân vật nói yêu thương nhau, vì nhau nhưng chưa cho khán giả cảm nhận được điều đó. Những lời thoại nặng cảm xúc được cất lên một cách dễ dàng, gây cảm giác sáo rỗng, khó tin .
Thông điệp về gia đình của phim được xây dựng hời hợt, thiếu thuyết phục. |
Ngoài ra, phim cũng có không ít sạn, đơn cử tuyến truyện tình yêu của cô con gái xuất hiện rồi kết thúc một cách khó hiểu, không đóng góp gì cho câu chuyện. Ngoài ra, nguồn gốc của ma quỷ và lý do vì sao chỉ mỗi cậu em út nhìn thấy được chúng vẫn không được giải thích rõ ràng. Đặc biệt, tác phẩm cũng có những phân đoạn các nhân vật hành động ngớ ngẩn thường thấy trong các phim kinh dị, như việc cả nhóm tách lẻ ra để tìm con quỷ để rồi tất cả đều bị giết sạch.
Bàn về diễn xuất, nữ diễn viên Shareefa Daanish với màn trình diễn vượt trội của mình có thể xem là đã gánh phần lớn bộ phim, đặc biệt trong các cảnh kinh dị. Cô khiến khán giả ngột ngạt trong những phân đoạn bị ám hay hoảng sợ khi ở nhân dạng ác quỷ. Đáng tiếc, do tuyến tình cảm gia đình của phim không được làm tốt, khán giả chưa được thấy khả năng diễn xuất cảm xúc của cô. Các vai diễn còn lại chưa để lại quá nhiều ấn tượng.
Ác linh trong xác mẹ giống như nhiều bộ phim kinh dị Indonesia khác, thừa hưởng chất liệu phong phú từ văn hóa, tín ngưỡng xứ vạn đảo. Song tác phẩm cũng mang một điểm yếu cố hữu, đó chính là phần kịch bản chưa được xây dựng tốt, từ đó vô hình trung khiến chất lượng bộ phim giảm đi đáng kể.
Chuyên mục giải trí giới thiệu cuốn Cùng con trưởng thành qua những bộ phim thiếu nhi kinh điển. Cuốn sách giống những con đường tắt dẫn đến thế giới tâm hồn trẻ thơ và giúp chúng ta hiểu được rằng, điện ảnh có ảnh hưởng lớn như thế nào đối với lứa tuổi thiếu nhi và thanh thiếu niên.