Genre: Tình cảm - lãng mạn
Director: Đặng Y Hàm
Cast: Lưu Tuấn Khiêm, Phạm Thiếu Huân...
Rating: 5.5/10
*Lưu ý: Bài viết tiết lộ một phần nội dung bộ phim
Phảng phất không khí của dòng phim Boylove (tình yêu nam - nam), Chờ người nơi pháo hoa rực rỡ kể về mối nhân duyên lửng lơ giữa Thiên Vũ (Lưu Tuấn Khiêm) và A Tường (Phạm Thiếu Huân). 10 năm trước, khi mới chập chững bước vào nghiệp văn chương, Thiên Vũ thường xuyên trao đổi thư từ với một cậu bé sống tại trại trẻ mồ côi. Tuy nhiên, mối liên kết đó nhanh chóng đứt đoạn khi cậu bé ấy được nhận nuôi và chuyển tới Đài Bắc.
10 năm trôi qua, Thiên Vũ trở thành một nhà văn nổi tiếng ở Hong Kong. Song, cuộc sống hiện tại của anh không mấy dễ dàng. Những áp lực từ truyền thông lẫn việc kinh doanh sách không thuận lợi gần như rút cạn sức sống của anh.
Thiên Vũ chịu ảnh hưởng từ Trương Quốc Vinh, một nghệ sĩ lỗi lạc nhưng đã tự kết liễu cuộc đời mình khi đang ở đỉnh cao vinh quang. Sau tất cả, cái chết cũng là điều anh hướng tới. Trong khoảnh khắc đó, Thiên Vũ nhớ về “Vịnh cá voi biến mất” - địa điểm mà cậu bé khi xưa từng kể rằng, đó là nơi dẫn đến thiên đường.
Một bộ phim nhẹ nhàng
Diễn biến chính của phim thật sự được mở ra khi Thiên Vũ đặt chân đến Đài Loan. Tại đây, anh bị những tên giang hồ địa phương chuốc say và lột sạch tài sản. May mắn, Thiên Vũ được A Tường - một chàng trai lưu manh cứu giúp. A Tường nói anh biết "Vịnh cá voi biến mất" ở đâu và sẽ dẫn Thiên Vũ đến đó nếu được trả tiền. Cũng từ đó, chuyến hành trình của cả hai bắt đầu.
Chờ người nơi pháo hoa rực rỡ được phủ lên một gam màu vàng ấm, hoài niệm trong những cảnh Thiên Vũ và A Tường đồng hành. Mặt khác, những màu lạnh, nhợt nhạt len lỏi vào phim trong những phân đoạn Thiên Vũ trầy trật với cuộc sống tại Hong Kong và khoảng thời gian anh chờ A Tường đến thăm. Cách thiết lập đó giúp khán giả dễ dàng kết nối với bầu không khí lẫn mạch cảm xúc của tác phẩm.
Cả hai chưa một lần bày tỏ cảm xúc cho nhau, song khán giả vẫn dễ dàng cảm nhận được thứ tình cảm mãnh liệt của A Tường cũng như những rung động mới chớm của Thiên Vũ. Những ánh nhìn, cử chỉ, sự ngượng ngùng là minh chứng của tình yêu, mạnh mẽ hơn bất kỳ câu thoại nào. Tất thảy tạo ra một không gian yêu đương vừa giàu xúc cảm nhưng cũng tế nhị theo kiểu Á Đông.
Phần hình ảnh thổn thức, giàu tính gợi là điểm mạnh của tác phẩm. |
Chờ người nơi pháo hoa rực rỡ còn đưa người xem khám phá nhiều danh lam thắng cảnh Đài Loan, vì thế tác phẩm cũng phảng phất không khí của một bộ phim du lịch. Từ những vịnh biển xanh ngát, những cánh rừng bạt ngàn, cho tới lễ hội pháo hoa nhộn nhịp cũng đầy chất hoài niệm.
Dễ thấy, tác phẩm của đạo diễn Đặng Y Hàm có không ít tình tiết tri ân đến Trương Quốc Vinh - người nghệ sĩ tài hoa nhưng đoản mệnh. Một mặt, cái tên Trương Quốc Vinh liên tục được nhắc xuyên suốt phim với giọng điệu đầy tiếc thương. Mặt khác, một số phân đoạn còn sử dụng kỹ thuật quay - dựng gợi nhớ những tác phẩm nổi tiếng của diễn viên họ Trương.
Đơn cử, phân đoạn A Tường lôi Thiên Vũ chạy trốn trên phố đã được quay - dựng bằng kỹ thuật step-printing (tạm dịch: in lặp khung hình). Đây vốn là cách đạo diễn tài ba Vương Gia Vệ tạo ra những cảnh phim chậm rãi, mang đặc trưng của chính ông. Thứ ngôn ngữ điện ảnh này từng xuất hiện trong những bộ phim kinh điển có sự góp mặt của Trương Quốc Vinh như A Phi Chính Truyện (1991), Xuân quang xạ tiết (1997).
Chờ người nơi pháo hoa rực rỡ cũng không có nhiều cú máy dài (longtake). Vì thế, dù là một câu chuyện lãng mạn, chú trọng vào việc làm thổn thức trái tim khán giả, song nhịp điệu của tác phẩm lại không quá chậm, tương đối dễ xem và dễ tiếp cận.
Kịch bản phim vụng về
Chờ người nơi pháo hoa rực rỡ sở hữu một ý tưởng không quá mới mẻ. Thêm nữa, kịch bản phim cũng có nhiều xử lý tương đối vụng về, từ đó chưa thể đánh mạnh vào cảm xúc khán giả.
Kịch bản phim có nhiều tình tiết nặng tính sắp đặt, thiếu tự nhiên. |
Đầu tiên, tác phẩm có nhiều chi tiết nặng tính sắp đặt, thiếu thực tế. Đơn cử như khi cả hai bị lạc trong rừng sâu, đột nhiên có một chú chó sạch sẽ lao ra dẫn đường, hay như việc Thiên Vũ lập tức gặp lại A Tường ngay khi tới Đài Loan mà không có bất kỳ sự tính toán nào từ trước. Những chi tiết trên khiến tác phẩm trở nên thiếu tự nhiên, có phần ngô nghê.
Thêm vào đó, việc chuyện phim cố tình cắt bớt quá nhiều chi tiết để dồn vào cú montage (trường đoạn kể chuyện bằng nhiều cắt cảnh) ở hồi cuối vô tình khiến phần lớn thời lượng phim trở nên rời rạc, thiếu liên kết. Đơn cử như phân đoạn A Tường sợ bóng tối, mãi đến cuối phim khán giả mới được rõ nguyên do, trong khi đó cảnh này xuất hiện tương đối sớm và bị để ngỏ xuyên suốt phim.
Mối quan hệ giữa Thiên Vũ và A Tường trong thời gian ở Đài Loan tuy được làm khá tốt, song lại quá ngắn ngủi. Khoảng thời gian cả hai đồng hành chỉ kéo dài hơn một tiếng phim, còn lại là những phân đoạn kể lể, hoài niệm. Từ đó, bộ phim trở nên chưng hửng, thiếu trọn vẹn ở nửa đầu, song dông dài ở nửa sau.
Hồi cuối của phim cũng được xây dựng quá dài, đậm chất kể lể. Yếu tố kỳ ảo vốn không được đề cập từ đầu phim song lại được đặt ở hồi cuối, thời điểm quan trọng để làm bật lên điều các nhà làm phim muốn truyền tải. Thế nên, tác phẩm trở nên tương đối nhập nhằng về thông điệp.
Về xây dựng nhân vật, dù có ít thời lượng hơn Thiên Vũ, song A Tường mới là nhân vật được làm tốt hơn. Cậu bé mồ côi ngày nào hiện lên với quá khứ phức tạp, tính cách và mong muốn được thiết lập rõ ràng. Phân đoạn A Tường bị bạo hành lúc nhỏ là cảnh phim xúc động nhất tác phẩm, khi khán giả được cảm nhận nỗi đau trong quá trình lớn lên của cậu.
Tạo hình của Lưu Tuấn Khiêm trong tác phẩm. |
Ngược lại, cá tính của Thiên Vũ có phần mù mờ. Người xem cũng không rõ cậu thật sự muốn gì. Tình yêu, sự nghiệp, hay một cuộc sống hạnh phúc mới là thứ cậu quan tâm. Vì thế, phân đoạn xúc động cuối phim chưa tạo được ấn tượng, khó thuyết phục khán giả.
Bàn về diễn xuất, cả Lưu Tuấn Khiêm lẫn Phạm Thiếu Huân đều có những màn trình diễn tương đối tròn vai. Họ hoàn thành tốt những phân đoạn rung động, ngại ngùng, song đôi chỗ còn tạo cảm giác lên gân, thiếu tự nhiên. Có lẽ là bởi kịch bản phim chưa tạo đủ sự gắn kết cần thiết cho cả hai.
Chờ người nơi pháo hoa rực rỡ rõ ràng còn nhiều hạn chế, nhưng nhìn chung, đây vẫn là một tác phẩm tình cảm - lãng mạn tương đối dễ xem. Đứa con tinh thần của đạo diễn Đặng Y Hàm đáng ra đã có thể trở thành một bộ phim tốt hơn nếu khâu kịch bản được gọt giũa kỹ lưỡng.
Tủ sách Nghệ thuật - Giải trí giới thiệu những cuốn sách hay và mới nhất về nền công nghiệp giải trí và các bộ môn nghệ thuật đại chúng tiêu biểu. Ngoài ra, tủ sách cũng đề xuất loạt tác phẩm đáng đọc về các nghệ sĩ nổi tiếng ở Việt Nam và thế giới, giúp độc giả hiểu hơn và biết thêm về những câu chuyện hậu trường, chưa từng được tiết lộ.