NSƯT Công Ninh được biết tới là diễn viên, đạo diễn kỳ cựu của sân khấu miền Nam. Những năm gần đây, anh dừng làm việc ở sân khấu, tập trung đóng phim.
Tâm sự với Zing, anh trăn trở về nghề diễn và tình hình sân khấu hiện tại. Theo anh sân khấu Việt Nam quá lạc hậu, chủ yếu kéo khán giả bằng sức hút của diễn viên.
Sân khấu quá lạc hậu
- Vài năm qua, anh chủ yếu đóng phim, bỏ sân khấu, vì sao vậy?
- Tôi phải nhảy qua làm phim ảnh vì biết sân khấu không thể phát triển được. Ngay khâu đầu là kịch bản đã không tốt. Kịch bản hay cho sân khấu hiện rất hiếm. Không có bột sao gột nên hồ.
Các tác giả kịch bản của sân khấu hầu hết nhảy qua viết phim. Thu nhập ở sân khấu quá thấp, cát-xê của mỗi kịch bản chỉ vài triệu đồng, sao biên kịch có thể sống được với ngòi bút của mình. Họ phải nhảy qua viết phim.
Diễn viên có giỏi cách mấy mà gặp nhân vật mỏng, không có số phận thì biết lấy gì diễn. Đạo diễn đọc kịch bản với bối cảnh, nhân vật giả trân, làm sao dựng được. Vì thế khán giả ngày càng chán sân khấu. Tôi là dân sân khấu nhưng vì cuộc sống phải dừng lại, đi đóng phim, kiếm tiền.
Công Ninh cho rằng sân khấu đang quá nghèo nàn, lạc hậu. Ảnh: NVCC. |
- Theo anh, vì sao sân khấu miền Nam không phát triển, ngày càng bị lạc hậu?
- Có nhiều nguyên nhân song đầu tiên là nguồn kịch bản hay khan hiếm. Đề tài kịch khai thác bây giờ chủ yếu là hài lăng nhăng, giới tính thứ ba. Ban đầu, khán giả có thể thích nhưng lặp lại một thời gian sẽ gây nhàm chán.
Không những thế, cơ sở vật chất của sân khấu quá nghèo nàn. Bây giờ, ở sân khấu còn sử dụng việc tắt đèn, nhân viên hậu đài bê bục chạy tới chạy lui và té rầm rầm. Còn làm việc thô sơ như thế, chừng nào sân khấu mới phát triển được?
Trong khi đó, sân khấu trên thế giới đã phát triển hơn chúng ta gần cả thế kỷ. Họ dùng máy móc để chuyển cảnh, có những sàn diễn hiện đại, kết hợp máy móc tạo hiệu quả ánh sáng, nghệ thuật.
Trước đây, Ái Như bị té xuống sân khấu, ảnh hưởng tới cột sống cũng vì tắt đèn, chuyển cảnh, không nhìn thấy đường đi vào. Ở thế kỷ này, không thể tưởng tượng được sân khấu Việt Nam vẫn lạc hậu như vậy.
- Mỗi bộ phim điện ảnh hiện được đầu tư hàng triệu USD, tại sao sân khấu thì không thể?
- Nhà sản xuất của sân khấu không thể đầu tư như phim được. Đối tượng của sân khấu quá kén chọn. Hơn nữa, ngay cả nhà đầu tư cũng không tin có một kịch bản nào có thể khiến khán giả xếp hàng mua vé. Chính vì thế họ không đầu tư tiền đâu.
Trong khi đó, điện ảnh phát triển khủng khiếp. Một bộ phim đầu tư vài chục tỷ đồng, show ca nhạc của các ca sĩ nổi tiếng cũng có thể đầu tư lên tới cả chục tỷ. Trong khi sân khấu đầu tư mỗi vở diễn chỉ vài chục triệu đồng.
Thậm chí sân khấu phải tận dụng cảnh trí của vở trước làm cho vở sau để tiết kiệm chi phí. Như vậy sân khấu làm sao có gì để kéo khán giả được. Nền tảng mỏng manh quá!
Người ta nói sân khấu chủ yếu tả ước lệ. Nhưng thực ra, ước lệ không phải là thủ pháp mà ít tiền quá, không đủ điều kiện dàn dựng.
- Gần đây, anh có còn đi xem kịch?
- Không vì tôi biết các vở diễn sẽ chỉ quanh quẩn mấy đề tài cũ. Đi xem cũng không có gì mới để tiếp cận cả. Nhiều khi tôi tự hỏi tại sao sân khấu cứ luẩn quẩn mấy vấn đề về giới tính thứ ba, hài hước hoài. Như thế, giải trí đơn giản quá.
Khán giả cũng hưởng ứng lần đầu nhưng nếu cứ kéo dài họ sẽ chán. Bản thân diễn viên còn thấy ngán, huống chi khán giả. Nói chung các thủ pháp của sân khấu cũ lắm rồi.
Nghệ sĩ gạo cội cho rằng khán giả đến với sân khấu vì diễn viên. Ảnh: NVCC. |
- Theo anh, có cách nào để thay đổi cục diện sân khấu hiện nay?
- Một trong những yếu tố để sân khấu phát triển là đưa các bạn trẻ ra nước ngoài học, tiếp cận với nền sân khấu hiện đại. Và phải làm đồng bộ từ tác giả, đạo diễn, họa sĩ… Sau đó, lực lượng ấy về nước mới hy vọng làm được một nền sân khấu hiện đại hơn.
Hiện tại, sân khấu đang thỏa hiệp với sự nghèo nàn, thiếu thốn vật chất. Chúng ta đang lấy sức diễn viên để khỏa lấp những thiếu thốn để bán vé. Rõ ràng khán giả tới sân khấu để xem diễn viên chứ không xem ánh sáng, cảnh trí, thủ pháp đạo diễn. Nhưng nghệ sĩ diễn mãi cũng kiệt sức hoặc tài năng sẽ bị mai một.
Đội ngũ biên kịch thiếu cũng một phần do nước ta chưa có hệ thống đào tạo chuyên nghiệp. Trong trường sân khấu không dạy biên kịch. Diễn viên, đạo diễn hay ai đó có năng khiếu thì nhảy vào viết thôi. Tất cả đều mang tính chất tự phát, hên xui.
"Dáng vẻ khắc khổ hằn lên cuộc sống của tôi"
- Vai diễn thầy giáo về hưu của anh trong phim "Chống lại số phận" mới lên sóng có gì khác biệt?
- Đó là vai diễn có số phận khắc nghiệt. Một ông bố rơi vào tình huống thương con, không lo được cho con và cuối cùng nhận được kết thúc rất buồn. Vai của tôi không nhiều nhưng tạo được những khoảnh khắc để khán giả nhớ và cảm thương cho một ông bố có cuộc sống không bình thản, luôn gặp sự cố. Ngay cả trên giường bệnh, ông cũng không được yên để rồi phải chết một cách tức tưởi.
- Nhắc tới anh, khán giả sẽ nghĩ ngay tới những nhân vật éo le, đau khổ trên màn ảnh. Anh làm thế nào để không bị đi vào lối mòn?
- Có lẽ do gương mặt tôi không tạo được thần thái của người có cuộc sống hạnh phúc, sung túc, bình an. Nét khắc khổ hằn lên con người của tôi phù hợp với nhân vật có thân phận sóng gió, gặp trắc trở.
Tôi rất muốn làm mới mình nhưng đạo diễn chọn tôi vào những vai như thế thì phải chịu thôi. Tôi luôn mong có vai nào đó phá cách. Đạo diễn lại ít khi nào làm điều đó. Họ thường chọn diễn viên theo hướng nhìn nhân vật và diễn viên xem có hợp nhau không. Họ không cần người diễn viên diễn mà phải đi vào và sống với nhân vật.
Công Ninh trong phim Chống lại số phận. Ảnh: NVCC. |
- Anh có rơi vào cảm giác nhàm chán vì chưa đọc kịch bản đã biết số phận thế nào?
- Thật ra khi được đạo diễn mời, tôi đã biết nhân vật của mình ra sao rồi. Dường như có công thức xây dựng nhân vật, ít khi có xử lý khác lắm. Vấn đề là tôi tìm cách diễn thôi.
Trong điều kiện làm nghề như hiện tại, tôi không thể có đòi hỏi khác. Bây giờ, diễn viên như tôi đâu có sự lựa chọn. Diễn viên có vai diễn là mừng rồi. Nhiệm vụ của mình là làm tròn vai diễn, để đạo diễn cảm thấy hài lòng, mời mình là hợp lý.
- Vẻ ngoài khắc khổ, vất vả có hằn lên cuộc sống của anh?
- Từ nhỏ đến lớn, cuộc sống của tôi luôn không yên bình. Để đạt được mục đích nào đó trong cuộc sống, người bình thường chỉ phải bỏ một chút công sức, còn tôi sẽ bỏ ra gấp đôi. Sự trắc trở như hằn lên con người tôi. Tôi biết khi mình làm gì đó sẽ có việc xảy ra cản trở, ngáng đường.
- Dáng vẻ ấy cũng khiến anh khó trở thành ngôi sao dù anh được đồng nghiệp tôn trọng về khả năng?
- Thời điểm tôi bật lên là rơi vào thời bao cấp với những phim như Ai xuôi vạn lý, Đời cát, Mẹ con đậu đũa… Thời đó, mạng chưa phát triển. Tôi cũng không phải trai xinh gái đẹp để tạo nên "ép phê" với công chúng. Tôi bị khiếm khuyết nên không thể bật lên được. Biết làm sao khi mình có quá nhiều nhược điểm so với người khác.