Giữa tháng 2, bộ phận kiểm duyệt phim ở Trung Quốc đã mạnh tay cắt bỏ tất cả cảnh liên quan đến cộng đồng LGBTQ+ trong sitcom Friends, gây ra sự phẫn nộ cho số đông khán giả.
Đoạn kết gốc của Fight Club - khi nhân vật Người dẫn chuyện (Edward Norton) đã tự loại bỏ nhân cách khác của mình, Tyler Durden (Brad Pitt), bằng cách “giết” anh ta, cũng bị thay thế hoàn toàn bằng màn hình đen chạy chữ.
Trước sự phản đối mạnh mẽ của người xem, nền tảng Tencent Video quyết định trả lại cái kết nguyên bản của bộ phim. Hollywood Reporter cho biết đã có nhiều tựa phim chịu số phận tương tự ở Trung Quốc nhưng không phải tác phẩm nào cũng may mắn như Fight Club.
Theo SMCP, việc kiểm duyệt văn hóa đại chúng tại Trung Quốc đã bước sang giai đoạn mới được một thời gian. Giáo sư Michel Hockx - Giám đốc Viện nghiên cứu châu Á tại Đại học Notre Dame, Mỹ - cho rằng kế hoạch 5 năm lần thứ 14 của Trung Quốc là bước ngoặt đáng chú ý.
"Nếu trước kia trọng tâm trong chính sách văn hóa đại chúng Trung Quốc chủ yếu là cho phép nó phát triển như lĩnh vực thị trường, nhằm tạo ra doanh thu kinh tế và việc làm, thì giờ đây, họ quyết định đặt lợi ích xã hội lên hàng đầu", Michel Hockx phát biểu.
Cấm nội dung về người đồng tính
Đầu tháng 1, Tân Hoa Xã đưa tin Cục Phát thanh và Truyền hình Bắc Kinh chia sẻ văn bản trong Hội nghị công tác phát thanh và truyền hình toàn quốc năm 2022. Giới chức Trung Quốc chỉ thị "ngừng sản xuất show đào tạo thần tượng, phim thuộc đề tài đam mỹ".
Quyết định này trực tiếp ảnh hưởng đến 14 dự án được đầu tư hàng triệu USD của các nền tảng xem phim trực tuyến lớn ở quốc gia châu Á, khiến loạt phim Hạo y hành, Phong hỏa lưu kim, Vai trái có cậu, Trương công án, Đoạt mộng, Dạ yến bạch... chịu cảnh "đắp chiếu". Trong khi đó, các dự án chưa hoàn thiện như Cát tinh cao chiếu, Quỷ phủ thần công phải ghi hình trong sự thấp thỏm.
Theo SCMP, Bắc Kinh lo ngại sự phổ biến của nền tảng trực tuyến và mạng xã hội sẽ truyền bá thông tin trái ngược với quan niệm truyền thống về sự nam, nữ tính, đồng thời khuyến khích bộc lộ bản dạng giới cũng như hình thức biểu hiện tình dục (ôm, âu yếm, hôn...).
Giáo sư Michel Hockx nói sự gắt gao hiện tại của Trung Quốc tương đồng với giá trị đạo đức mà Mỹ nêu ra trong phong trào bảo thủ những năm 1950.
"Định nghĩa về sự 'lành mạnh' vẫn còn khá bảo thủ. Vấn đề tình dục, đồng tính bị định kiến nhưng buộc người dân phải thể hiện lòng yêu nước một cách mạnh mẽ", anh chia sẻ.
Cảnh thân mật của Tiêu Chiến và Vương Nhất Bác trong phim đam mỹ Trần Tình Lệnh. Ảnh: Handout. |
Nhìn vào thực tế, những cuộc "tấn công" nhắm vào bản dạng giới với yêu cầu đàn ông phải cứng cỏi, con trai không được yêu nhau, các phim đồng tính nam bị cấm và tình yêu đồng giới cũng bị xóa sổ khỏi các tựa game điện tử, vẫn diễn ra.
Uông Hải Lâm - biên kịch Trung Quốc nổi tiếng với những câu nói gây sốc - thậm chí phát biểu rằng việc truyền bá nội dung yêu đương đồng tính tương đương với hành vi phạm tội.
"Trung Quốc vẫn thiếu các khóa giáo dục giới tính dành cho giới trẻ, những người chưa trang bị đầy đủ kiến thức về tình dục và giới tính. Bởi vậy, nếu chúng ta tích cực tuyên truyền thông tin đồng tính coi như là tội ác", ông nói.
Phản bác ý kiến này, Hồng Vỹ Bảo - phó giáo sư khoa Nghiên cứu truyền thông của Đại học Nottingham ở Anh - cho biết bộ phận kiểm duyệt phim Trung Quốc chỉ đang mượn danh nghĩa bảo vệ trẻ em khỏi "nội dung độc hại" để biện minh cho hành động loại bỏ các cảnh phim về người đồng tính theo yêu cầu chính phủ.
Động thái quyết liệt của Trung Quốc
Định kiến về cộng đồng LGBTQ+ ngày càng trở nên trầm trọng ở Trung Quốc. Đó là nguyên nhân dẫn đến vô số vụ tự tử của người đồng tính. Cuối tháng 11/2021, một nhiếp ảnh gia 26 tuổi người Trung Quốc đã tự vẫn vì ám ảnh tinh thần khi bị bạn bè đồng trang lứa bắt nạt tại trường học, gọi anh là "đồ ẻo lả".
Nhưng dù thế nào đi nữa, Angeli Datt, nhà phân tích cấp cao về Trung Quốc của tổ chức nhân quyền Freedom House, thừa nhận Trung Quốc vẫn thẳng tay trừng phạt những đơn vị hoặc cá nhân đi ngược chính sách. Datt nói cuộc đàn áp diễn ra "nặng tay từ trên xuống" đối với những người bất đồng chính kiến.
“Trung Quốc coi các vấn đề về LGBTQ+ và nữ quyền là 'giá trị phương Tây', và nếu những cá nhân sử dụng ngôn ngữ dựa trên điều này sẽ được xem là 'thế lực ngoại bang'", cô nhấn mạnh.
Giới chuyên gia cho rằng mạng xã hội và nền tảng trực tuyến càng truyền bá quan điểm trái ngược với chính sách Trung Quốc, các công ty phân phối, sản xuất càng tỏ ra gắt gao hơn trong khâu chọn lọc và kiểm duyệt nội dung phim.
Tạo hình của Brad Pitt và Edward Norton trong phim Fight Club. Ảnh: IMDb. |
Mặc dù Fight Club được xem như chiến thắng hiếm hoi trước sự nhúng tay của Tencent Video, vụ này vẫn không phản ánh được bức tranh toàn cảnh của vấn đề - phó giáo sư Hồng Vỹ Bảo lập luận.
Ông cho hay: "Các nền tảng phát video trực tuyến của Trung Quốc phải tìm sự cân bằng giữa áp lực chính trị từ Trung Quốc, áp lực kinh tế từ công ty truyền thông toàn cầu, nhu cầu từ người dùng, thương hiệu và chiến dịch PR".
Trong khi đó, giáo sư Michel Hockx nói những thay đổi trong chính sách của Trung Quốc đã khiến lượng người tiêu thụ các sản phẩm giải trí giảm mạnh. Dẫu vậy, chính phủ vẫn sẵn sàng siết chặt các giá trị văn hóa đại chúng.
"Fight Club cho thấy ví dụ điển hình về sự thiếu cẩn trọng trong quá trình kiểm duyệt phim. Khán giả dựa vào lỗ hổng này để chỉ trích, yêu cầu trả lại nguyên bản kết phim. Nhưng mặc cho lượng khán giả quay lưng ngày càng nhiều, Trung Quốc vẫn làm gắt khâu kiểm duyệt, kể cả phải hy sinh lợi ích kinh tế quốc gia", Hockx nói.