Đạo diễn người Mỹ Wes Anderson bấy lâu đã có một thương hiệu riêng tại Hollywood vì phong cách làm phim độc đáo, thậm chí có thể gọi là... không giống ai của mình. Tác phẩm của ông ghi dấu ấn riêng vì những khung hình mãn nhãn với yếu tố thị giác độc đáo, cách khai thác câu chuyện mới mẻ, thú vị phá vỡ những quy chuẩn thường thấy của điện ảnh Mỹ.
Benedict Cumberbatch vào vai Henry Sugar trong Câu chuyện kì diệu về Henry Sugar. Ảnh: Netflix. |
Nhắc đến Wes Anderson là nhắc đến sự kỳ dị ấy, song có lẽ cả những khán giả đã quen thuộc với nghệ thuật của Anderson cũng không khỏi trầm trồ trước bốn tuyệt phẩm mới nhất của ông, ra mắt khán giả vào tháng 9/2023 - các phim ngắn chuyển thể từ truyện ngắn của văn hào người Anh Roald Dahl.
Trong đó, phim đầu tiên đồng thời là phim dài nhất của series này - The wonderful story of Henry Sugar (Câu chuyện kì diệu về Henry Sugar) đã chiến thắng hạng mục Phim ngắn Xuất sắc tại Lễ trao giải Oscar lần thứ 96.
Tuyển tập gồm Câu chuyện kì diệu về Henry Sugar và 6 truyện ngắn khác. Ảnh: NXB Kim Đồng. |
Đây là lần đầu tiên Wes Anderson thắng Oscar, nhưng không phải lần đầu ông được gia đình tác giả Roald Dahl tin tưởng giao phó chuyển thể truyện của tác giả.
Trước đó, phim hoạt hình tĩnh vật Fantastic Mr. Fox (Ngài cáo tuyệt vời) ra mắt vào năm 2009, chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Roald Dahl cũng được khán giả đón nhận và giới chuyên môn đánh giá cao.
Là một trong những tác giả sách thiếu nhi được bạn đọc nhí yêu thích trên thế giới, không thiếu nhà làm phim từng chuyển thể và đạt được thành công với các tác phẩm của Roald Dahl. Song với The wonderful story of Henry Sugar, gia đình tác giả đã từ chối nhiều lời mời, "để dành" cho Anderson.
Bản thân đạo diễn từng chia sẻ rằng ông loay hoay không biết bắt đầu từ đâu với câu chuyện này.
Truyện kể về Henry Sugar - một người đàn ông giàu có, mê cờ bạc. Ông đọc được báo cáo của bác sĩ về bệnh nhân kỳ lạ tự gọi mình là "Người nhìn mà không cần dùng mắt", có khả năng nhìn thấy ngay cả khi bác sĩ đã bịt mắt và băng đầu.
Người này diễn xiếc để kiếm tiền, dành cả đời đam mê phép thuật và học từ Yogi Hardawar ở Ấn Độ. Yogi đã dạy ông cách nhìn xuyên vật thể mỏng như giấy hoặc chơi bài, và nhìn quanh vật thể rắn như cửa gỗ khi đặt ngón tay hoặc bàn tay lên.
Henry nhận ra cuốn sách mô tả chi tiết phương pháp thiền để đạt được khả năng này, bèn đánh cắp để tự học. Sau ba năm, Henry thành thạo khả năng nhìn thấu bài và thậm chí có thể đoán trước tương lai. Ông ngày càng giàu hơn nhưng dần chán chường vì thấy việc chiến thắng và kiếm tiền quá dễ dàng... Từ đây ông khai ngộ và thực hiện được những điều ý nghĩa.
Cuối cùng, Anderson đã trình làng bộ phim không thể sát sao với nguyên tác hơn. Bên cạnh những điểm vốn đã quen thuộc trong phim ông như cách dựng cảnh giống trong kịch nghệ, để nhân vật tương tác với tác giả, không ngần ngại để nguyên những đoạn chỉnh trang đạo cụ,...ở phim này phong cách Anderson còn đi xa hơn.
Giọng kể chuyện xuyên suốt, tưởng như đọc lại nguyên văn tác phẩm; diễn viên không mấy dụng công diễn xuất, đến cả lời thoại cũng chỉ dừng ở mức đọc diễn cảm... Tất cả điều này hài hòa hội tụ không khỏi khiến khán giả cảm nhận như đang xem một bản sách video - nguyên tác được giữ lại tối đa, những thêm thắt được hạn chế đến tối thiểu.
Chia sẻ với The New York Times, Anderson giải thích: “Tôi không thấy cách nào khác để tôi thực hiện bộ phim này, nếu không phải bằng tiếng nói rất cá nhân của chính tác giả. Cách kể chuyện của ông ấy là một điểm tôi thích ở tác phẩm này”.
Với ba phim còn lại của series này, The swan (Thiên nga), The rat catcher (Kẻ săn chuột), Poison (Độc tố), Wes Anderson cũng áp dụng cách làm tương tự, như một sự tri ân, bày tỏ lòng kính ngưỡng với tác giả yêu thích của mình.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho ZNews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. ZNews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.