Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phim ‘Bước đi thế kỷ’ khác bao nhiêu so với sự thật?

“The Walk” kể lại “những bước đi trên mây” giữa hai tòa tháp WTC của Philippe Petit năm 1974. Bộ phim theo khá sát thực tế, đồng thời bổ sung một vài chi tiết sáng tạo nghệ thuật.

*Lưu ý: Bài viết tiết lộ trước phần lớn nội dung của bộ phim

Có đúng là Philippe Petit nảy ra ý tưởng đi dây giữa hai tòa tháp World Trade Center (WTC) từ một cuốn tạp chí ở phòng nha sĩ không?

Đúng. Đó là năm 1968 khi Philippe Petit mới chỉ 17 tuổi. Những gì diễn ra trong phim rất khớp với lời kể của ông trong bộ phim tài liệu Man on Wire (2008). Trong lúc chờ đợi để khám răng, Petit vô tình nhìn thấy bức hình mô phỏng tòa tháp đôi còn chưa được xây dựng trên một tờ tạp chí. Ý tưởng về màn trình diễn mà ông sau này gọi là “cuộc đảo chính” nảy sinh từ đó. Petit giả vờ hắt xì hơi để xé trang báo rồi lập tức ra về, chịu đau răng thêm một tuần nữa.

Hình ảnh Philippe Petit ở ngoài đời thực và trong The Walk do Joseph Gordon-Levitt thể hiện.

Philippe Petit có phải là một ảo thuật gia đường phố không?

Đúng. Giống như trong phim, người nghệ sĩ đi dây còn kiếm sống bằng việc trình diễn ảo thuật trên các đường phố Paris, nước Pháp. Petit học làm ảo thuật từ khi mới 6 tuổi. Tình yêu với những sợi dây chỉ đến khi ông bước sang tuổi thiếu niên. Lần đầu tiên Petit đi trên dây là khi ông 16 tuổi.

Philippe Petit có ngã xuống hồ trong buổi trình diễn đi dây đầu tiên không?

Không. Đây dường như là một chi tiết hư cấu bởi nó không được nhắc đến trong Man on Wire hay cuốn tiểu sử mang tên To Reach the Clouds của nhân vật. Petit luôn tự hào rằng mình chưa bao giờ ngã khỏi dây khi biểu diễn trong suốt sự nghiệp. Tuy nhiên, ông có lần bị ngã trong một buổi diễn tập khi đang đi lưu diễn cùng gánh xiếc Ringling Brothers lừng danh. Ông ngã xuống từ độ cao 3,5 m, bị gãy vài chiếc xương sườn và chấn thương nội tạng.

Petit chia sẻ: “Đó là một buổi tập luyện, mà tập luyện thì rất khác so với biểu diễn. Tôi chưa bao giờ ngã trước mặt khán giả của mình”.

Philippe Petit từng đi dây trên Cầu cảng Sydney, Australia vào năm 1973. Tuy nhiên, câu chuyện không được đề cập đến trong The Walk.

Philippe Petit có những màn đi dây ngoạn mục nào trước khi chinh phục tòa tháp đôi WTC năm 1974?

Trước khi khiến cả thế giới chấn động, Petit từng có hai màn trình diễn khác cũng gây được tiếng vang. Đó là màn đi dây trên đỉnh Nhà thờ Đức Bà Paris vào năm 1971 và tại Cầu cảng Sydney, Australia vào năm 1973. Tuy nhiên, bộ phim The Walk chỉ đề cập đến sự kiện năm 1971.

Có đúng là Philippe Petit chỉ cần tới New York một lần rồi thực hiện màn trình diễn ngoạn mục không?

Không, khác với bộ phim The Walk, nghệ sĩ người Pháp phải mất ba lần tới New York, Mỹ để thăm dò tòa tháp đôi WTC và thực hiện kế hoạch của mình. Ông cùng người cộng sự Jim Moore, một nhiếp ảnh gia, thậm chí còn thuê cả máy bay trực thăng để chụp hình công trình từ trên cao xuống.

Bạn gái của Philippe Petit khi đó, bà Annie Allix, rất tích cực ủng hộ và giúp đỡ ông trong các buổi trình diễn tại Nhà thờ Đức Bà Paris và Cầu cảng Sydney. Tuy nhiên, khi biết bạn trai có ý định chinh phục tháp đôi WTC, Allix có phần lo sợ.

Ban đầu, Philippe Petit định thực hiện màn trình diễn từ tháng 5/1974. Nhưng ông cùng cộng sự không thể theo kịp tiến độ, còn Annie Allix cũng không có mặt tại New York ở thời điểm đó. Phải tới nỗ lực lần thứ hai của Petit diễn ra vào tháng 8, Allix mới bay sang Mỹ để trợ giúp bạn trai mình.

Người bạn gái khi ấy của Petit, bà Annie Allix, là người giúp đỡ ông rất nhiều về mặt tinh thần. Nhân vật trong The Walk do nữ diễn viên Charlotte Le Bon thể hiện.

Đâu là những khó khăn và may mắn của Philippe Petit khi ông thực hiện “cuộc đảo chính”?

Dù không được nhắc tới quá nhiều trong The Walk, sức gió là một trong những trở ngại lớn nhất dành cho Petit. Người nghệ sĩ lo lắng rằng gió thổi quá mạnh sẽ khiến cả ông lẫn dây cáp bị chòng chành. Trong phim, khán giả có thể thấy Petit tập luyện bằng cách nhờ Annie Allix và bạn bè đu đưa dây dữ dội trong lúc ông đứng trên đó. May mắn thay, thời tiết sáng 7/8/1974 chỉ là sương mù với gió rất nhẹ.

Thâm nhập lên tầng thượng của WTC cũng là một bài toán nan giải dành cho Petit và các cộng sự. Ban đầu, họ làm giả thẻ căn cước của các nhân viên làm việc trong tòa nhà. Họ đóng giả làm công nhân xây dựng, nhà báo, du khách, nhân viên văn phòng... để có thể quan sát và khảo sát địa hình.

Sau đó, Petit còn có một may mắn khác. Đó là khi ông quen được Barry Greenhouse, một nhân viên bảo hiểm làm việc trên tầng 82 của tòa tháp phía Nam, người đồng thời rất hâm mộ Petit sau khi từng được chứng kiến ông biểu diễn trên đường phố Paris.

Greenhouse không ngần ngại đồng ý giúp đỡ người nghệ sĩ cho màn trình diễn thế kỷ. Tạo hình của nam diễn viên Steven Valentine trong The Walk rất sát với nhân vật Barry Greenhouse ngoài đời thực, đặc biệt là ở bộ râu ấn tượng.

Barry Greenhouse ở ngoài đời thực và trên phim.

Có đúng là Philippe Petit giẫm phải đinh ba tuần trước buổi biểu diễn không?

Đúng. Sự cố diễn ra trong một lần ông tới thăm dò địa hình tòa tháp đôi WTC. Chiếc đinh cắm xuyên qua giày và khiến Petit phải nằm trên giường mất ba ngày. Song, đúng như câu nói “tái ông thất mã”, khi người nghệ sĩ trở lại tòa nhà bằng nạng, không một nhân viên bảo vệ nào dò hỏi, mà thậm chí còn giúp đỡ ông nhiệt tình. Tới lúc có thể đi lại bình thường, Petit thỉnh thoảng vẫn giả dùng nạng để qua mặt đội ngũ an ninh tòa nhà.

Những thông số liên quan tới màn đi dây thế kỷ của Philippe Petit?

Tòa tháp đôi World Trade Center (WTC) mở cửa năm 1973, cao 416 m với 110 tầng. Đây là công trình cao nhất thế giới tại thời điểm đó. Khoảng cách giữa hai tòa nhà là 42 m, và tổng chiều dài cuộn dây cáp mà Petit sử dụng là 61 m, có trọng lượng lên tới 205 kg. Điểm bắt nối sợi dây với tòa nhà có độ cao là 411 m.

Tuy nhiên, Joseph Gordon-Levitt chỉ phải đi trên một sợi dây có độ cao 3,5 m trong trường quay được phủ kín phông xanh. Anh từng ghé thăm WTC vào mùa hè 2001, ngay trước khi tòa tháp đôi bị khủng bố vào ngày 11/9.

Trước khi The Walk bấm máy, tài tử đến thăm khu tưởng niệm công trình, đi bộ quãng đường giữa hai hồ nước biểu tượng cho hai tòa tháp trong quá khứ để phần nào cảm nhận được khoảng không mà Petit đã chinh phục. Ngoài ra, nam diễn viên cũng được chính Philippe Petit đào tạo một khóa đi trên dây đặc biệt trong vòng 8 ngày.

‘Bước đi thế kỷ’: Màn khiêu vũ ngoạn mục giữa không trung

“The Walk” kể lại sự kiện gây chấn động thế giới năm 1974, khi nghệ sĩ Philippe Petit đi dây qua khoảng không giữa hai tòa tháp World Trade Center (WTC) mà không hề có đồ bảo hộ.

Philippe Petit có trở nên lo lắng ngay trước “cuộc đảo chính” không?

Có. Giống như bộ phim The Walk đã kể lại, đúng một ngày trước sự kiện, Petit thức dậy giữa đêm khuya, lôi đinh ra đóng hòm vật dụng ầm ĩ. Lúc ấy, ông tưởng tượng rằng mình đang đóng đinh cho chiếc quan tài của chính bản thân.

Petit và cộng sự có may mắn lên thẳng được tầng thượng không?

Không. Trong phim, nhóm của Philippe Petit được lên thẳng tầng 110. Nhưng ở ngoài đời thực, họ chỉ có thể lên được tầng 104 rồi sau đó phải chuyển đồ tiếp lên trên. Dù sao, đó cũng là một may mắn khi nhân viên điều khiển thang máy không nghe rõ chỉ dẫn của sếp. Người này nghe theo lời Petit, đưa ông lên tầng 104 thay vì tầng 82 - nơi có văn phòng của Barry Greenhouse.

Có đúng là Philippe và Jeff phải ngồi trên chiếc dầm chữ I để trốn nhân viên an ninh không?

Đúng. Trường đoạn trong The Walk bám rất sát những gì đã xảy ra. Một người cộng sự có tên Donald hoảng sợ khi nghe thấy tiếng bảo vệ nên bỏ đi. Chỉ còn Philippe và Jean ở lại đó. Họ quyết định ngồi trốn trên chiếc dầm chữ I trong một đường thông có độ cao khoảng 400 m được che phủ bằng vải nhựa. Chuyện này kéo dài khoảng ba tiếng. Để nhìn ra ngoài, Petit sử dụng ghim giấy và bút bi để chọc tấm vải. Trong phim, nhân vật chỉ dùng một chiếc bút.

Trailer bộ phim 'Bước đi thế kỷ' "The Walk" của đạo diễn Robert Zemeckis kể lại "tội ác nghệ thuật thế kỷ" của Philippe Petit khi người nghệ sĩ đi dây qua hai tòa tháp World Trade Center vào năm 1974.

Có đúng là Petit và cộng sự sử dụng cung tên để chuyển dây cáp giữa hai tòa tháp không?

Đúng. Đây là ý tưởng của Jean-Louis Blondeau, một người bạn từ thuở ấu thơ và là cộng sự trong “cuộc đảo chính” của Petit. Mũi tên sẽ đem theo cước câu cá, rồi tới dây thừng, và cuối cùng là sợi dây cáp để biểu diễn.

Chuyện Philippe Petit cởi hết quần áo để đi tìm mũi tên là có thật. Khi xuống chỗ gờ ở đỉnh tòa nhà, ông cảm nhận được sợi cước ở đùi mình rồi trông thấy mũi tên đang sắp sửa rơi xuống dưới.

Tuy nhiên, quá trình chuyển dây cáp không hề diễn ra suôn sẻ. Giống như trong phim, do chuyển quá nhiều cáp cùng lúc, họ để dây rơi xuống vài trăm m và mất không ít thời gian để kéo nó lên trở lại.

Ở phía bên dưới, Annie Allix không đứng chờ cả đêm như trong phim. Bà trở về nhà rồi bắt taxi tới WTC lúc tờ mờ sáng. Allix và một số cộng sự khác hẹn nhau ở chỗ công trình lúc 6 giờ sáng.

Những sự kiện ngay trước khi Petit đặt chân lên dây có thật hay không?

Đầu tiên, Philippe Petit ở ngoài đời thực cũng gặp một “vị khách bí ẩn” trên tầng thượng của WTC như trong The Walk. Ông lập tức nhặt một ống nước lên, chưa biết phải xử trí ra sao thì người đó đã lặng lẽ bỏ đi. Giống như trong phim, Petit không bao giờ gặp lại người đàn ông ấy.

Chuyện Petit để rơi chiếc áo cũng xảy ra ở ngoài đời thực. Điều đó khiến bà Annie Allix ở phía dưới có một phen thót tim.

“Cuộc đảo chính” trong The Walk có khác gì nhiều so với sự thật không?

Ở ngoài đời, Philippe Petit có 45 phút trên dây với 8 lần đi lại và trình diễn ở khoảng không giữa hai tòa tháp. Giống như trong phim, trong khoảng thời gian đó, ông đi bộ, nhảy múa, quỳ xuống, chào khán giả, thậm chí là nằm xuống sợi dây. Nhưng chuyện bàn chân phải của ông rướm máu dường như là hư cấu bởi một con người luôn tự hào về màn biểu diễn của mình như Petit sau này không bao giờ nhắc đến điều đó.

Những gì diễn ra trên đỉnh tòa tháp WTC vào sáng 7/8/1974 được kể lại rất chính xác trong The Walk.

Sau khi Petit hoàn thành lần đi đầu tiên, cảnh sát bắt đầu ập lên tầng thượng của cả hai tòa tháp, yêu cầu ông lập tức rời khỏi sợi dây. Họ thậm chí còn cho gọi trực thăng và chính quyền đe dọa sẽ dùng vũ lực để bắt Petit. Tuy nhiên, lý do thực sự người nghệ sĩ rời khỏi sợi dây là bởi ông cảm thấy độ ẩm và sức gió đang tăng cao, có thể gây nguy hiểm tới tính mạng.

Chi tiết sợi dây cáp trở nên chòng chành khi Petit đi ba bước cuối cùng trong The Walk không có thật. Ở ngoài đời, ông nói rằng mình muốn “tạm biệt bầu trời New York bằng cách chạy trên dây, khiến nó đung đưa một chút”.

Có đúng là Philippe Petit bị bắt ngay sau đó không?

Đúng. Ngay khi rời khỏi sợi dây, ông bị cảnh sát áp giải trong tiếng hò reo của đám đông. Petit bị đưa đi giám định tâm thần rồi được phóng thích. Chính quyền ra điều kiện rằng ông sẽ được trắng án nếu như chịu biểu diễn đi dây miễn phí tại công viên Trung tâm New York cho trẻ em. Dĩ nhiên là người nghệ sĩ vui vẻ chấp thuận điều đó.

Ban quản lý tòa tháp đôi WTC cũng hoan nghênh Philippe Petit bằng cách tặng cho ông tấm vé trọn đời lên tầng thượng của công trình. Tại đó, người nghệ sĩ để lại chữ ký trên một chiếc xà bằng thép, cách không xa nơi “cuộc đảo chính” diễn ra. Cả hai chi tiết đều được The Walk đề cập đến.

Philippe Petit bị bắt ngay sau khi ông thực hiện "cuộc đảo chính".

Mối tình giữa Petit và Annie Allix có tan vỡ sau “cuộc đảo chính”?

Đúng. Ngay sau khi được cảnh sát phóng thích, Petit không lập tức quay lại gặp Annie và các cộng sự vốn đang rất lo lắng. Thay vào đó, ông quyết định lên giường với một cô gái New York trong đám đông người hâm mộ đang chào đón mình.

Ở ngoài đời, Petit không mặn mà trong chuyện để Allix tới New York. Trong bộ phim tài liệu Man on Wire, ông hồi tưởng: “Annie tìm đủ mọi cách để được tới New York, từ âu yếm, dọa nạt, mắng chửi, cho tới nước mắt”. Chỉ khi Petit thất bại trong tháng 5/1974 và một người cộng sự rút lui, ông mới để Allix tới nước Mỹ giúp mình.

Sau này, Annie Allix kể lại trong bộ phim tài liệu Man on Wire rằng: “Thuở đó, chúng tôi không thể bị chia tách. Nhưng Petit không bao giờ hỏi xem liệu tôi có muốn theo đuổi giấc mơ hay cuộc sống bản thân hay không. Trên thực tế, Petit như nuốt trọn cuộc sống của tôi, khiến tôi cứ thế theo chân ông ấy”.

Phim ‘Người đàm phán’ khác bao nhiêu so với sự thật?

Trên thực tế, bộ phim "Bridge of Spies" của Steven Spielberg theo khá sát những sự kiện xảy ra ở ngoài đời thực xung quanh cuộc trao đổi tù binh giữa Mỹ và Liên Xô năm 1962.

Tuấn Lương (tổng hợp)

Bạn có thể quan tâm