Rappler trích báo cáo hôm 13/9 của Bộ Quốc phòng Philippines về hoạt động của lực lượng tàu cá hùng hậu của Trung Quốc tại vùng biển phía Tây Philippines.
"Trung Quốc đang tận dụng các tàu đánh cá để âm thầm tiến hành các hoạt động giám sát, tìm kiếm, cứu hộ, cũng như cung cấp hỗ trợ cho lực lượng chấp pháp trên biển của nước này", báo cáo của Bộ Quốc phòng Philippines cho biết.
Bộ Quốc phòng Philippines cho rằng các tàu cá Trung Quốc thực chất là "dân quân trên biển", thường xuyên hỗ trợ cho hoạt động của tàu hải cảnh cũng như hải quân. Trong 6 tháng đầu năm 2019, nhà chức trách Philippines đã phát hiện 322 tàu loại này.
Lực lượng tàu cá hùng hậu của Trung Quốc. Ảnh: Xinhua. |
Báo cáo của Bộ Quốc phòng Philippines ghi nhận ít nhất 300 lần tàu đánh cá Trung Quốc xuất hiện tại vùng nước quanh đảo Thị Tứ, một cấu trúc san hô tự nhiên ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, hiện do Philippines kiểm soát.
"Khả năng cao là Bắc Kinh sẽ tiếp tục triển khai các tàu loại này, có thể được sử dụng trong chiến tranh bất đối xứng trên biển, để kiểm soát và ngăn chặn hoạt động của tàu thuyền các nước, ví dụ như sử dụng chiến thuật áp đảo số lượng và đâm vào tàu của các bên yêu sách khác", báo cáo nhận định.
Bên cạnh hoạt động của tàu cá, nhà chức trách Philippines cũng ghi nhận hoạt động ngày càng gia tăng của các tàu hải cảnh, hải quân Trung Quốc tại vùng biển phía Tây Philippines. Các tàu hải cảnh Trung Quốc nhiều lần cản trở hoạt động của Philippines tại khu vực bãi Scarborough, đảo Thị Tứ và bãi Cỏ Mây.
Hồi tháng 8, lãnh đạo Hiệp hội ngư dân liên bang Masinloc, Zambales của Philippines cho biết sản lượng đánh bắt của ngư dân Hiệp hội đã giảm đến 80% trong giai đoạn 2012-2019, kể từ khi Trung Quốc can thiệp ngăn cản ngư dân Philippines hoạt động tại bãi cạn Scarborough.
Chính phủ Philippines đã nhiều lần lên tiếng phản đối hoạt động phi pháp của tàu Trung Quốc trong vùng biển mà Manila tuyên bố chủ quyền và quyền tài phán.
Tuy nhiên, Tổng thống Rodrigo Duterte từng tuyên bố không thể ngăn cản tàu cá Trung Quốc hoạt động trong vùng biển Philippines do đã có một "thỏa thuận miệng" với Chủ tịch Tập Cận Bình.