Trận thắng để đời trước tuyển Việt Nam tại AFF Cup 2010 đã thay đổi sự nghiệp của Simon McMenemy và bộ mặt nền bóng đá Philippines cách đây đúng 10 năm.
Ngày 5/12/2010, đội tuyển Việt Nam của HLV Henrique Calisto gặp Philippines tại lượt trận thứ 2 bảng B AFF Cup. Tuyển Việt Nam khi đó là đương kim vô địch, vừa thắng Myanmar 7-1 trong ngày mở màn. Ai cũng nghĩ Việt Nam sẽ đánh bại Philippines lúc ấy chưa từng vượt qua vòng bảng của giải đấu, nhưng cơn địa chấn đã diễn ra.
Ngay tại Mỹ Đình, Philippines quật ngã nhà vô địch với tỷ số 2-0. Với HLV Simon McMenemy, đó luôn là chiến công vĩ đại nhất sự nghiệp của ông.
Ông Calisto đã rất ngạo mạn
- Xin chào Simon, 2020 là tròn 10 năm, tuyển Philippines của ông thắng Việt Nam tại AFF Cup. Tôi nhớ ông từng nói đó là chiến thắng đẹp nhất sự nghiệp của mình?
- Có lẽ vậy đấy. Chiến thắng đó giúp tên tuổi tôi được biết đến ở Việt Nam và nhiều nước khác. Đó thực sự là bước ngoặt trong sự nghiệp, chiến thắng vượt ra ngoài mong đợi của người Philippines.
Chúng tôi không hy vọng đến Mỹ Đình và giành chiến thắng. Mục tiêu của Philippines là cố gắng kiếm trận hòa. Nếu thua trận này, chúng tôi sẽ dốc hết sức để thắng Myanmar. Đó là kịch bản hoàn hảo nhất mà người Philippines nghĩ tới trước trận đấu.
Tuy nhiên, kết quả cuối cùng còn tốt hơn thế. Các cầu thủ, Liên đoàn Bóng đá Philippines và tôi nghĩ cả người Việt Nam cũng không ngờ đến viễn cảnh đó.
Chiến thắng 2-0 trước tuyển Việt Nam năm 2010 đã thay đổi nền bóng đá Philippines, đưa họ vào nhóm có "số má" ở khu vực Đông Nam Á. Ảnh: Quang Minh. |
- Ý ông là Philippines không chuẩn bị cho chuyện đánh bại tuyển Việt Nam?
- Không, tôi không nói thế. Chỉ là chúng tôi cũng rất bất ngờ vì đã chiến thắng.
Trước trận đấu, tôi nói với các cầu thủ rằng đội Việt Nam lúc nào cũng chơi một kiểu như vậy. Họ giữ bóng, chuyền ngắn và cố gắng tấn công trung lộ. Chúng tôi có những cầu thủ khỏe và thủ môn xuất sắc (Neil Etheridge, người sau này sẽ lên chơi tại Premier League - PV). Tôi biết nếu phòng ngự thật chặt ở trung lộ, chúng tôi sẽ buộc họ phải đá biên nhiều và dùng đến những phương án mà họ không thường làm.
Philippines đã nghiên cứu kỹ lối chơi của đội tuyển Việt Nam và hiểu rõ phong cách của đối thủ. Tôi nghĩ ông Calisto không hề làm điều tương tự.
- Tại sao nhỉ? Tôi thường nghe mọi người bảo ông Calisto rất cẩn thận.
- Có lẽ không phải vào hôm đó, không phải trận đấu đó. Trong cuộc họp báo trước trận, tôi nhớ Calisto đã rất ngạo mạn. Ông ta chỉ nói về việc sẽ ghi bao nhiêu bàn và điều đó quan trọng ra sao đến chỉ số phụ. Tôi nghĩ ông ta không tìm hiểu về Philippines nên không có kế hoạch B hay kế hoạch C. Thực tế là ông ấy không thay đổi chiến thuật chút nào suốt cả trận. Đối thủ của tôi vẫn giữ một đội hình, vận hành lối chơi từ đầu tới cuối.
Tất nhiên, chúng tôi cũng may mắn vì Younghusband (Phil Younghusband - PV) có cơ hội và đã tận dụng được. Chiến thắng trước tuyển Việt Nam là khoảnh khắc đã thay đổi bóng đá Philippines.
- Tôi hiểu, điều đó giống như giấc mơ đã trở thành sự thật.
- Đúng thế, cảm giác sau trận khó tả lắm. Đó là giấc mơ, chẳng ai trong chúng tôi chuẩn bị để đón nhận chiến công này. Có những cầu thủ đã chơi cho đội tuyển Philippines nhiều năm và hứng chịu những trận thua cách biệt 5 bàn, 6 bàn, 7 hay 8 bàn. Rồi chúng tôi đã thắng, thắng nhà đương kim vô địch ngay trên sân khách.
HLV Calisto (phải) từ chối bắt tay Simon McMenemy (giữa) sau trận thua 0-2 của tuyển Việt Nam trước Philippines tại AFF Cup 2010. Ảnh: Quang Minh. |
Khi tôi tới bắt tay, Calisto xua đi và từ chối
- Nhiều người kể ông và HLV Calisto không bắt tay nhau sau trận. Có đúng là vậy không?
- Sự việc ấy là điều duy nhất khiến tôi thất vọng về trận đấu. Không bắt tay nghĩa là ông ấy thiếu tôn trọng chúng tôi. Trận gặp Singapore, Philippines cũng chơi hay (hòa 1-1 tại vòng một - PV). Sau trận ấy, Radojko Avramovic (HLV tuyển Singapore từ 2003 tới 2012 - PV) vẫn sang bắt tay chúc mừng chúng tôi. Ông ấy còn nói Philippines đã chơi hay và xứng đáng có điểm.
Khi tôi gặp Calisto, tôi nhớ rất rõ rằng ông ấy chỉ xua tay và từ chối. Tôi hiểu cảm giác thua trận, nhưng người thua cũng phải có cách xử sự của người thua chứ? Philippines đã làm được điều phi thường chưa từng có trong lịch sử, nhưng Calisto lại không có hành động nào ghi nhận điều đó, không có cử chỉ thể hiện sự tôn trọng đối với họ. Tôi nghĩ điều đó thật là bất lịch sự.
Khi hết trận, tôi cũng đã cố gắng kìm nén cảm xúc, giữ thái độ bình tĩnh. Tôi thậm chí không nhảy lên ăn mừng. Tôi hiểu cảm giác thất bại, đó là điều bình thường đối với các HLV bóng đá. Tuy nhiên, ông ta là kẻ thua cuộc tệ hại. Trong 10 năm tôi làm việc ở Đông Nam Á, đó là dấu ấn lớn nhất của sự thiếu chuyên nghiệp.
- Thật tình cờ vì sau đó, ông lại tới Việt Nam và dẫn dắt chính CLB cũ của Calisto (Long An)?
- Cầm quân ở Long An là công việc rất khó khăn đối với HLV châu Âu mới đặt chân đến lần đầu. Tôi thấy V.League là một trong những giải đấu khó làm việc nhất. Rất khó để cộng tác với các HLV bản địa.
Ngôn ngữ cũng là trở ngại lớn. Tiếng Bahasa (Indonesia) dễ học hơn nhiều. Tôi chỉ học được một chút tiếng Việt. Cùng thời gian ấy, tôi học được nhiều tiếng Indonesia hơn hẳn.
Trước khi đến Long An, tôi biết đội bóng này từng vô địch V.League và có nhiều tuyển thủ quốc gia. Tuy nhiên, khi tôi nhận việc, hoàn cảnh không còn như vậy nữa. Nếu tìm hiểu kỹ hơn về đội bóng, có lẽ tôi sẽ không nhận công việc này.
McMenemy (phải) và HLV Park Hang-seo trong trận Indonesia - Việt Nam ở vòng loại World Cup 2022 hồi năm ngoái. Ảnh: Minh Chiến. |
- Năm ngoái, ông gặp lại tuyển Việt Nam một lần nữa. Lần này là thất bại. So với Calisto, ấn tượng của ông về Park Hang-seo có gì khác biệt?
- Tôi chưa được tiếp xúc với ông Park vì ông ấy có vẻ khó gần. Tất nhiên, tính cách của mọi người đều khác nhau. Ông ấy vẫn rất lịch sự, chỉ là không có thời gian để trò chuyện sau trận đấu.
Tôi nghĩ ông Park may mắn được thừa hưởng một hệ thống có tổ chức tốt và các cầu thủ trẻ với sự hỗ trợ của giám đốc kỹ thuật. Tôi không biết vai trò của ông ấy lớn đến đâu, chỉ một điều chắc chắn là chiến thuật, ông ấy xây dựng lối chơi cho đội tuyển. Tuy nhiên, ông ấy thật may mắn vì có trong tay nhiều cầu thủ giỏi và kết quả cho thấy ông ấy đã làm tốt.
- 10 năm trước, Philippines của ông thắng tuyển Việt Nam 2-0 trên sân khách. 10 năm sau, Indonesia thua 1-3 tại sân nhà, khác biệt rõ ràng quá phải không?
- Quá rõ ràng, đội Việt Nam này là phiên bản hoàn toàn khác, đó là đội bóng được định hình tốt với những cầu thủ giàu kinh nghiệm thi đấu dù còn trẻ. Họ có nhiệt huyết và tinh thần luôn sẵn sàng chiến đấu với bất cứ đối thủ nào. Các bạn có thể thấy rõ sự vượt trội về mặt kinh nghiệm của họ khi đối đầu với chúng tôi.
Họ có những cầu thủ giỏi, nhưng tất cả đều tuân thủ chiến thuật, không phá cách. Họ làm y hệt như những gì được chỉ đạo và làm điều đó trong mọi trận đấu. Tôi đã xem trận Việt Nam hòa Thái Lan, họ phòng ngự sâu, hai hậu vệ biên không dâng cao nhiều, quyết liệt đeo bám và tranh chấp. Trận gặp Indonesia cũng vậy. Indonesia kiểm soát bóng nhiều hơn, chuyền nhiều hơn nhưng chẳng tạo ra mối đe dọa nào. Họ rất giỏi trong việc chống chịu sức ép và không cho chúng tôi khoảng trống nào.
Năm 2010, tuyển Việt Nam cũng có lối chơi được định hình rõ ràng, nhưng không đủ sự kỷ luật. Họ cầm bóng, chuyền bóng mà không có đột biến và chúng tôi xử lý được. Họ không gây ra nguy hiểm đáng kể nào cho chúng tôi. Tuy nhiên, trận gặp Việt Nam vừa rồi, họ có 5 hay 6 cơ hội và ghi 3 bàn. Tính kỷ luật có lẽ là khác biệt quan trọng nhất.
Quế Ngọc Hải (phải) và Nguyễn Quang Hải ăn mừng bàn thắng vào lưới Indonesia. Ảnh: Minh Chiến. |
- Sau trận thua, tôi nghe thấy CĐV Indonesia bên ngoài gào thét giận dữ?
- Tôi cảm thấy thất vọng. Họ không hiểu được tình hình. Khi tôi làm việc cùng đội tuyển, Indonesia Liga vẫn đá. Cầu thủ đá 4 ngày một trận trong 3 tháng liền trước trận đấu. Chúng tôi chỉ có khoảng một tuần rưỡi để chuẩn bị. Tuyển Việt Nam đã khác nhiều so với một năm trước, lúc họ vô địch AFF Cup. Bây giờ, kể cả đá AFF Cup, đội tuyển Việt Nam hay Thái Lan cũng chẳng cần dùng đội hình mạnh nhất.
Đó lại là vòng loại World Cup, đấu trường khó khăn thực sự. Người Indonesia có lẽ đã quên mất điều đó. Thật điên rồ nếu nghĩ chúng tôi có thể đánh bại Việt Nam dù trên sân nhà.
- Dường như ông không nhận được sự đồng cảm từ người hâm mộ và những nhà lãnh đạo bóng đá Indonesia?
- Người Indonesia kỳ vọng nhiều vào việc giành chiến thắng. Tôi không hiểu tại sao lại như vậy. Tuyển Việt Nam vừa dự Asian Cup, họ rất mạnh, có cầu thủ đang đá ở châu Âu. Tất nhiên, tôi không thể kiểm soát được sự mong đợi của CĐV, nhưng số phận của một HLV lại được định đoạt bởi kỳ vọng ấy dù nó hoàn toàn phi thực tế.
Tôi không nghĩ trận thua đó là duyên nợ gì cả. Đơn giản, đội mạnh hơn, được chuẩn bị tốt hơn đã giành chiến thắng. Tôi từng làm việc ở Việt Nam, từng đối đầu với tuyển Việt Nam. Và tôi ấn tượng với việc bóng đá Việt Nam tiến bộ ở đấu trường quốc tế, trong khi giải quốc nội có chất lượng không cao.
Ông Simon cho rằng tuyển Việt Nam mạnh nhưng chất lượng của V.League chưa tương xứng. Ảnh: Minh Chiến. |
- Ồ, ông vừa chê V.League?
- Chắc bạn không biết, tôi quen Giám đốc Kỹ thuật của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (Juergen Gede - PV). Chúng tôi đã trao đổi rất nhiều với nhau. Tôi hỏi ông ấy làm thế nào để phát triển đội tuyển quốc gia như vậy khi giải quốc nội có chất lượng thấp hơn cả Liga Indonesia. Làm sao mà đội tuyển lại mạnh như thế khi giải quốc nội hoàn toàn không xứng tầm. Làm sao làm được tất cả những điều đó?
Câu trả lời khiến tôi hứng thú. Cách mà VFF giúp đội tuyển đạt đến tầm như vậy rất thú vị. Đó có lẽ là điều mà bóng đá Indonesia nên học hỏi, tìm hiểu để áp dụng. Bây giờ, họ chỉ quan tâm đến giải quốc nội còn đội tuyển quốc gia thì kệ. Nếu thua, họ sẽ tìm ai đó chịu trách nhiệm và người ấy là tôi.
- Ông có thể nói cụ thể hơn về chia sẻ của GĐKT Gede?
- Khó mà giải thích cụ thể cho bạn lắm, nhưng tôi thích cái cách mà họ nhìn nhận thực tế bóng đá Việt Nam đứng ở đâu. Họ không khoe khoang kiểu “bóng đá Việt Nam tuyệt vời lắm” hay giải đấu thế này thế kia.
Họ thực tế, hiểu rằng phải đưa cầu thủ ra nước ngoài tập luyện, thi đấu để đội tuyển mạnh lên. Nếu như Indonesia cũng tìm cách cho cầu thủ trẻ có trải nghiệm ở nước ngoài, đội tuyển quốc gia sẽ tiến bộ nhưng họ không làm vậy.
- Đã vài tháng sau trận thua tuyển Việt Nam và ông không còn là HLV Indonesia nữa. Ông có hài lòng với công việc hiện tại, trong vai trò một bình luận viên?
- Làm huấn luyện viên tất nhiên nhiều áp lực hơn rồi. Làm bình luận viên gần như chẳng phải chịu trách nhiệm gì cả. Nếu tôi nói sai điều gì, nó cũng chẳng mang lại hậu quả lớn. Tuy nhiên, một HLV mà làm sai thì sẽ mất việc.
Tôi lúc nào cũng thích làm HLV hơn là BLV. Làm chuyên gia trên truyền hình đôi lúc hơi chán vì FOX không có nhiều người chuyên về bóng đá Indonesia, Việt Nam hay Philippines. Họ không có ai ở đó nói được tốt tiếng Anh để bàn luận. Chỉ có tôi nói rồi họ nghe. Tôi là người duy nhất trong show đó đến từ nước ngoài, còn lại người khác đều ở Singapore.
Công việc này bây giờ vẫn ổn nhưng tôi thích trở lại với bóng đá. Tôi sẽ nhận lời khi có một đề nghị thích hợp.
- Tôi cũng hy vọng sớm gặp lại ông trên sân cỏ. Cảm ơn và chúc may mắn, Simon.