Những tranh luận đa chiều đã xuất hiện sau thông tin CLB Hà Nội siết lại quy định về sở hữu bản quyền hình ảnh ở một đội bóng mà cầu thủ đều là những ngôi sao lớn như Nguyễn Quang Hải, Đỗ Duy Mạnh, Trần Đình Trọng.
Giống như vụ báo giá quảng cáo của Bùi Tiến Dũng hai năm về trước, tranh luận về bản quyền hình ảnh của cầu thủ CLB Hà Nội cho thấy bóng đá Việt Nam còn nhiều điều phải làm trên chặng đường tiến lên chuyên nghiệp.
Thủ thành Bùi Tiến Dũng từng bị lộ báo giá quảng cáo ngày còn chơi cho Thanh Hóa, sau U23 châu Á 2018. Ảnh: Minh Chiến. |
“Trứng vàng” xuất hiện sau kỳ tích Thường Châu
“Sau U23 châu Á 2018 ở Thường Châu, nhiều cầu thủ U23 Việt Nam đã trở nên nổi tiếng. Họ được hỗ trợ hình ảnh và đã cùng nhau tạo nên thị trường mới. Nguyên tắc cơ bản của thị trường này là danh tiếng tạo ra giá trị thương mại. Từ đây, họ kiếm được tiền từ quảng cáo, viết status mạng xã hội, tham gia sự kiện. Thị trường hình thành và các nhãn hàng có nhu cầu nên tình hình ngày càng sôi động hơn”, chuyên gia về lĩnh vực quảng cáo Tống Đức Thuận cho biết.
Trước đó, thị trường cầu thủ nổi tiếng không tồn tại ở Việt Nam. Trong lịch sử môn thể thao vua, chỉ vài cầu thủ đặc biệt như Lê Huỳnh Đức, Phạm Văn Quyến, Lê Công Vinh đạt tới vị trí người nổi tiếng, có sự thu hút đủ lớn với các nhãn hàng.
Tuy nhiên, sau giải U23 châu Á, thị trường mới đã hình thành. Lần đầu tiên trong lịch sử, những cầu thủ bóng đá sở hữu các tài khoản mạng xã hội với hàng triệu người theo dõi, có vị thế tương đương các ngôi sao giải trí, âm nhạc, điện ảnh, trở thành nhân vật có tầm ảnh hưởng rộng khắp, thu hút những nhãn hàng tham dự.
Việc người quản lý Bùi Tiến Dũng để lộ báo giá quảng cáo hồi năm 2018 báo hiệu sự ra đời của thị trường mới. Và đó thực sự là thị trường đắt giá. Thời điểm năm 2018, mỗi bài đăng của Tiến Dũng đã có giá gần 60.000 triệu đồng, mỗi TVC quảng cáo trị giá hơn 1 tỷ đồng.
Cuộc tranh luận khi đó đã mang tới chiến thắng cho CLB Thanh Hóa, đội bóng chủ quản của Tiến Dũng. Thanh Hóa ra văn bản khẳng định quyền sở hữu tuyệt đối với hình ảnh của Bùi Tiến Dũng, thủ môn U23 Việt Nam sau đó cũng phải xin lỗi CLB.
Dù vậy, sự kiện Tiến Dũng báo hiệu thời kỳ hoàn toàn mới, vấn đề chưa từng có mà các CLB Việt Nam sẽ phải đối mặt.
Nhiều cầu thủ CLB Hà Nội là các ngôi sao tuyển Việt Nam, có hàng triệu theo dõi trên mạng xã hội. Ảnh: Minh Chiến. |
Bản quyền hình ảnh cầu thủ ở CLB Hà Nội
Hơn 2 năm sau sự việc của Tiến Dũng, một sự kiện tương tự xuất hiện tại CLB Hà Nội, đội bóng còn sở hữu nhiều ngôi sao hơn Thanh Hóa.
Quy định mới của CLB Hà Nội có 2 điểm chính. Thứ nhất, đội bóng thủ đô là đơn vị duy nhất sở hữu, quản lý hình ảnh các cầu thủ. Thứ hai, họ có quyền chia sẻ thù lao hoặc bất kỳ thu nhập nào cầu thủ có được từ việc sử dụng hình ảnh đó.
Khía cạnh tích cực của việc này cho thấy nỗ lực của đội bóng thủ đô trong việc quy chuẩn hóa một hoạt động vốn đang diễn ra khá tự phát và ít có tiền lệ từ xưa tới nay. Sự ra đời của quy định mới là phù hợp trong bối cảnh bóng đá Việt Nam đang cố gắng chuyên nghiệp hóa, còn Hà Nội vẫn luôn là đội đi tiên phong trong những nỗ lực này. Những quy định của họ có thể mở ra một tiền lệ, giúp giới bóng đá từng bước thoát khỏi cảnh “tranh tối, tranh sáng” trong hoạt động thương mại.
Quang Hải là cầu thủ đắt show quảng cáo nhất tại CLB Hà Nội và Việt Nam hiện tại. Ảnh: Minh Chiến. |
Tuy nhiên, có khá nhiều điều phải xem xét trong bản hợp đồng của đội bóng thủ đô.
Thứ nhất, phần lớn ngôi sao của CLB Hà Nội là những cầu thủ tự đào tạo, nhiều người còn hợp đồng đào tạo trẻ. Họ không có học vấn sâu về luật, nhiều người không có đại diện chính thức còn CLB là tổ chức lớn, am hiểu luật lệ. Liệu cầu thủ có vị thế tương đương và hiểu biết đầy đủ để bảo vệ quyền lợi của họ trên bàn đàm phán?
Thứ hai, nhiều điều khoản của CLB Hà Nội đã hợp lý hay chưa? Hợp đồng giữa đôi bên có phù hợp với luật không? Tỷ lệ phân chia lợi nhuận giữa cầu thủ và CLB bao nhiêu là hợp lý? Cầu thủ cần xin phép CLB trong những trường hợp nào? Đó là những điều đôi bên cần xem xét thật kỹ trước khi đặt bút ký.
Chuẩn hóa quy định sử dụng hình ảnh và phân chia quyền lợi giữa cầu thủ và CLB là điều cần thiết. Tuy nhiên, việc đó phải được tiến hành dựa trên trao đổi công bằng và phù hợp với cả đôi bên. Nỗ lực của CLB Hà Nội có thể mở đường cho những trao đổi tương tự tại các đội bóng khác như TP.HCM, Viettel, HAGL... Xa hơn, nó có thể hoàn thiện khía cạnh còn thiếu và giúp bóng đá Việt Nam tiến gần hơn tới hai chữ chuyên nghiệp.