“Quy định này không phải cho tôi hay cho chúng ta. Đó là vì lợi ích của đất nước…”, AFP dẫn lời ông Duterte.
Tổng thống Duterte ra chỉ thị trên sau cuộc họp với nhóm chuyên trách Covid-19, theo video được chính quyền công bố khuya 5/5. Mọi người trong buổi họp đều đeo khẩu trang, ngoại trừ ông Duterte.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Ảnh: Philippine Star. |
Cùng ngày 6/5, Harry Roque, phát ngôn viên của ông Duterte, xác nhận chỉ thị bắt giam. Ông Roque còn cho biết người vi phạm có thể bị tạm giữ tới 12 tiếng.
Trước động thái này, nhóm nhân quyền Karapatan chỉ trích mệnh lệnh mới nhất của Tổng thống Duterte là “không có căn cứ khoa học và không hiệu quả”. Nhóm này còn cho rằng bắt giam là hình thức “dùng vũ lực không tương xứng” với vi phạm.
“Việc tạm giữ hàng trăm người bị nghi vi phạm trong không gian chật hẹp và không đủ khoảng cách an toàn sẽ chỉ làm bệnh truyền nhiễm như Covid-19 lây lan nhanh hơn”, nhóm Karapatan nói trong một tuyên bố.
Ngày 5/5, Philippines ghi nhận hơn 5.600 ca mắc Covid-19 mới, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên hơn 1,08 triệu, theo Worldometer. Trước đợt lây nhiễm mới, các biện pháp giới hạn được siết chặt tại thủ đô Manila và các tỉnh lân cận từ cuối tháng 3. Từ đó tới nay, hàng nghìn người đã bị phạt vì vi phạm quy định chống dịch.
Trước khi có lệnh của Tổng thống Duterte, Bộ trưởng Tư pháp và Giám đốc Cảnh sát Quốc gia Phillipines từng kêu gọi cảnh sát chỉ nên phạt tiền hoặc phạt lao động công ích, thay vì bắt giữ người vi phạm. Lời kêu gọi này được đưa ra sau cái chết của một người đàn ông bị bắt phải đứng lên ngồi xuống hàng trăm lần do vi phạm giờ giới nghiêm.
Năm 2020, Tổng thống Duterte từng yêu cầu lực lượng an ninh bắn chết bất cứ ai “gây rối” tại vùng phong tỏa. Điều này bị các nhóm nhân quyền lên án.