Công ty giải trí Tier One, do cosplayer nổi tiếng Alodia Gosiengfiao làm giám đốc sáng tạo, đã đăng trên Instagram vào ngày 19/02 về chương trình học đầu tiên cấp bằng cho bộ môn eSports. Cụ thể, Tier One đã phác thảo một chương trình giảng dạy eSports tại đại học Lyceum of Philippines, một trường Đại học tư thục tại thành phố Manila, Philippines.
Công ty Tier One chia sẻ trên Instagram về việc sẽ đệ trình dự thảo chương trình học và hoàn thiện trong năm nay. Ảnh: Tier One. |
Giám đốc điều hành của Tier One, ông Tryke Gutierrez chia sẻ trên Facebook rằng ông đang nghiên cứu để tạo ra chương trình giảng dạy Cử nhân Khoa học eSports hệ 4 năm. Theo ông, chương trình này sẽ bao gồm hai chuyên ngành: thiết kế trò chơi hoặc quản lý eSports.
“Tôi không thể tiết lộ đầy đủ danh sách môn học nhưng chúng tôi đã hoàn thành được 80%”.
Ông Gutierrez chia sẻ thêm các sinh viên tương lai muốn có được tấm bằng cử nhân eSports sẽ không hề dễ dàng, vì nó không chỉ là trò chơi giải trí. Ông khẳng định để thành công trong lĩnh vực thể thao điện tử đòi hỏi phải làm việc chăm chỉ, có kỹ năng, sự chuyên nghiệp và biết hy sinh.
Chương trình đào tạo sẽ được đệ trình lên Ủy ban Giáo dục Đại học Philippines (CHED) vào tháng 3 tới.
Trường đại học đầu tiên có chương trình đào tạo liên quan đến eSports là Đại học Staffordshire ở Anh. Đây là cơ sở đi đầu trong việc đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp đang bùng nổ mang tên thể thao điện tử, có quy mô toàn cầu lên đến hàng tỷ USD. Ở Mỹ, các trường như đại học Shenandoah, đại học Becker hay đại học Ohio... cũng đã công bố cấp bằng cho những ngành liên quan đến eSports.
Đại học Grand Canyon tại Arizona, Mỹ nằm trong số ít trường đầu tư cơ sở vật chất và đào tạo môn eSports một cách bài bản. Ảnh: ivenglobal. |
Đại học Staffordshire bắt đầu cung cấp các khóa học đào tạo cử nhân và thạc sỹ cho thể thao điện tử từ năm ngoái. Ở đó, sinh viên chủ yếu được học kỹ năng marketing và quản lý với những yếu tố đặc thù của eSports.
Chương trình học này sẽ được mở rộng trên khắp London vào năm sau với sự hưởng ứng từ những cơ sở giáo dục có tiếng khác, trong đó phải kể đến Đại học Chichester.
Tại châu Á, nơi chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ của thể thao điện tử, nhiều trường ở Trung Quốc và Singapore cũng đã cung cấp các khóa học tương ứng.
Không chỉ trường đại học, hơn 100 trường trung học ở Mỹ cũng áp dụng thể thao điện tử vào chương trình dạy của mình. Tại đây, ngoài các đội thể thao truyền thống, còn có đội thể thao điện tử chính thức được trường tài trợ.
Các trường đại học ở Mỹ như Đại học California cũng áp dụng chính sách học bổng cho vận động viên eSports như một cách để lôi kéo tài năng.