“Chính phủ đang liệt kê các tài nguyên biển để lập dữ liệu cơ sở”, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Philippines Analiza Rebuelta Te cho biết ngày 19/3, tại một buổi họp báo trực tuyến do Văn phòng tổng thống Philippines tổ chức, theo GMA News.
“Kế tiếp, chúng tôi sẽ tiến hành định giá, để biết giá trị thực của các tài nguyên. Sau đó, chúng tôi có thể vạch ra bước tiếp theo, bao gồm hành động pháp lý cần thiết”, bà Te nói.
Vấn đề hủy hoại tài nguyên biển là một chủ đề được bàn đến trong phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) về Biển Đông, trong đó bác bỏ yêu sách “đường chín đoạn” của Trung Quốc ở Biển Đông.
Trang GMA News (Philippines) dẫn lại phán quyết năm 2016 cho biết một số hoạt động của các tàu Trung Quốc đã hủy hoại tài nguyên biển ở Biển Đông. Cụ thể, Bắc Kinh bị tố là đã dung túng, bao che và không ngăn chặn các tàu đánh cá của nước này trước các hoạt động thu hoạch gây hại đối với những loài có nguy cơ tuyệt chủng ở Biển Đông.
Tàu cảnh sát biển Philippines trong một cuộc tuần tra. Ảnh: PhilStar. |
Phán quyết của PCA cũng ghi rằng các hành động trên của Trung Quốc dẫn đến hư hại về cấu trúc san hô, làm giảm mật độ bao phủ san hô 95%.
Theo John McMacnus, chuyên gia tại Đại học Miami (Mỹ), tính đến năm 2016, hơn 10.100 hecta san hô ở các vùng biển nông bị tổn hại vì hoạt động khai thác nghêu của Trung Quốc.
Thứ trưởng Te cho rằng việc định giá các tài nguyên biển của Philippines, bao gồm loài nghêu khổng lồ trong EEZ của nước này, cần phải toàn diện. Những giống nghêu này có thể phát triển dài hơn 1 m, nặng hơn 200 kg và sống hơn 100 năm tuổi, được xem là "vàng trắng của đại dương", được giới nhà giàu Trung Quốc săn tìm.
Theo Bộ Tài nguyên - Môi trường Philippines, 235 trong tổng số 1.816 khu vực biển cần bảo vệ của Philippines nằm ở phía Biển Đông.
Bà Te cũng kêu gọi các bên ở Biển Đông tìm cách hợp tác để bảo vệ môi trường và tài nguyên biển, vốn sẽ đem lại lợi ích cho tất cả quốc gia.
“Bảo vệ môi trường là nền tảng dễ dàng để tạo đồng thuận trong các quốc gia. Sau cùng, hệ sinh thái không biết đến ranh giới, tranh chấp lãnh thổ, hay yêu sách trên biển”, bà nói thêm.