Với hàng triệu người Philippines, tiền được người thân làm ở nước ngoài gửi quyết định cuộc sống của họ. Nhưng năm nay, họ có thể mất khoản thu nhập này. Theo South China Morning Post, khi dịch bệnh Covid-19 khiến nền kinh tế toàn cầu tê liệt, các máy bay chở lao động Philippines về nước là hình ảnh quen thuộc tại sân bay Manila.
Chính phủ Philippines đã tiến hành sơ tán hơn 17.000 người lao động Philippines ở nước ngoài về nước. Họ là những người mất việc cho các lệnh phong tỏa và hạn chế ở nước sở tại. Bên cạnh đó, hàng nghìn người lao động khác tự cách về nước, số khác chọn cách ở lại và chờ dịch bệnh qua đi.
Beverly Pacultad, 40 tuổi, trở về từ Hong Kong hôm 23/3, nơi bà được thuê làm giúp việc gia đình. Bà mẹ 3 con này đến Hong Kong vào tháng 11/2019 với hy vọng tiết kiệm tiền để gửi về cho con gái lớn học đại học.
Người dân Philippines xếp hàng lấy thực phẩm miễn phí từ một nhà bếp di động của quân đội. Ảnh: EPA. |
Nguồn thu ngoại tệ lớn thứ hai
Tại đây, với công việc trông trẻ, bà được trả lương gấp đôi so với làm giáo viên ở Manila và có thể gửi về cho gia đình khoảng 40.000 peso (788 USD) mỗi tháng. Khi đại dịch Covid-19 bùng phát, Hong Kong đóng cửa các trường học và doanh nghiệp.
Chủ của bà Pacultad, một gia đình Trung Quốc, đã quyết định trở về đại lục và không cần thuê bà nữa. “Cả gia đình tôi phụ thuộc vào tôi. Nhưng giờ tôi không có việc làm”, bà Pacultad than thở.
Tình trạng người lao động mất việc trên toàn cầu đang khiến ngành công nghiệp kiều hối trị giá 690 tỷ USD lao đao. Đây là ngành có đóng góp quan trọng tại nhiều nền kinh tế đang phát triển. Citigroup ước tính dòng kiều hối toàn cầu có thể giảm tới 100 tỷ USD trong kịch bản xấu nhất.
Năm 2019, kiều hối về Philippines đạt 30 tỷ USD, trở thành ngành thu ngoại tệ lớn thứ hai tại nước này, sau xuất khẩu. Kiều hối cũng chiếm khoảng 10% GDP của Philippines. Tỷ trọng này cao hơn nhiều so với các nước như Ấn Độ và Trung Quốc - những nơi có lượng lớn người lao động làm việc ở nước ngoài.
Nhân viên y tế Philippines lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại Manila. Ảnh: EPA. |
Theo dữ liệu của Ngân hàng Trung ương Philippines, kể từ năm 2001, chưa năm nào dòng kiều hối chảy về nước này giảm, kể cả trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Tuy nhiên, năm nay, dòng tiền này có thể giảm tới 30% theo dự báo của cựu bộ trưởng kinh tế Philippines đầu tháng 4.
“Trong quá khứ, lực lượng lao động Philippines tỏa khắp thế giới đã mang về dòng kiều hối dồi dào” kể cả trong các cuộc khủng hoảng, Sanjay Mathur, nhà kinh tế thuộc ANZ, cho biết. Tuy nhiên, dịch Covid-19 khiến gần như mọi khu vực địa lý có đóng góp lớn cho kiều hối cạn kiệt tăng trưởng.
Mỗi năm, hơn 2 triệu người Philippines ra nước ngoài làm việc, trong đó hầu hết là lao động phổ thông hoặc nhân viên bán hàng, dịch vụ. Nước này cũng cung cấp 25% lực lượng lao động của ngành kinh doanh tàu biển toàn cầu.
Nước nhận kiều hối nhiều thứ 4 thế giới
Dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy Philippines là nước nhận kiều hối lớn thứ 4 trên thế giới. Theo nhà kinh tế Mathur của ANZ, khoảng 75% lượng kiều hối đó được chi tiêu vào những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu như thực phẩm, giáo dục và y tế.
Trong một thông cáo chung, hơn 90 tổ chức đại diện cho người lao động Philippines ở nước ngoài trình bày tình hình hiện tại. “Người lao động ở nước ngoài, vốn ít nhận được quan tâm trước đại dịch, đã hoặc có nguy cơ bị bỏ rơi”, nhóm cảnh báo.
Nhóm này nói rằng chính phủ Philippines đã khiến tình trạng của họ tồi tệ hơn khi không có kế hoạch hỗ trợ đầy đủ trong thời gian phong tỏa cũng như không quan tâm tới những vấn đề họ gặp phải ở nước sở tại.
Bộ Lao động và Việc làm Philippines cho biết đã hỗ trợ 26.000 người lao động bị mắc kẹt ở nước ngoài và 30.000 người khác đã đăng ký hưởng trợ cấp theo chương trình hỗ trợ trị giá 1,5 tỷ peso cho người lao động mất việc làm của chính phủ. Lao động về nước cũng được cấp chỗ ở tạm thời và phương tiện di chuyển từ Manila về quê.
Người lao động Philippine trong một cơ sở sản xuất đồ bảo hộ y tế ở Manila. Ảnh: EPA. |
Không chỉ ảnh hưởng tới các gia đình, dòng kiều hối sụt giảm cũng tác động tới cán cân thanh toán của Philippines và gây áp lực lên đồng nội tệ trong bối cảnh thị trường bất ổn.
Shilan Shah, nhà kinh tế tại Capital Economics, nhận định tình trạng này có thể sẽ buộc Ngân hàng Trung ương Philippines thắt chặt chính sách tiền tệ sớm hơn kế hoạch.
Trong khi đó, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Philippines Benjamin Diokno mô tả kiều hối “tiếp tục là một trong những nguồn ngoại tệ ổn định nhất” đối với nước này. Ông cũng cho biết các nhà hoạch định chính sách đang theo dõi sát sao diễn biến hiện tại.