Vấn đề này “gây nên bầu không khí bất ổn, cũng như mâu thuẫn với cam kết ủng hộ hòa bình, ổn định trong khu vực của Trung Quốc”, Bộ Ngoại giao Philippines tuyên bố ngày 23/4, theo Reuters.
Cơ quan này cũng cho biết 160 tàu cá và tàu dân quân biển Trung Quốc đang xuất hiện ở khu vực quần đảo Trường Sa (chủ quyền Việt Nam) và bãi cạn Scarborough. Lực lượng này được hộ tống bởi 5 tàu hải cảnh.
Reuters cho biết đại sứ quán Trung Quốc ở Philippines chưa phản hồi về tuyên bố của Bộ Ngoại giao Philippines.
Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin từng tuyên bố sẽ gửi công hàm phản đối mỗi ngày, cho đến khi tàu Trung Quốc rời đi hết. Ảnh: Rappler. |
Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh Philippines vừa tăng cường lực lượng ở Biển Đông. Ngày 21/4, Manila thông báo điều hơn 10 tàu thuộc các lực lượng hải quân, cảnh sát biển và Cục Nghề cá và Tài nguyên biển đến đảo Palawan bên rìa Biển Đông. Năm máy bay của quân đội Philippines cũng được điều tới để hỗ trợ tuần tra.
Tháng 3/2020, Philippines tuyên bố phát hiện hơn 200 tàu Trung Quốc neo đậu gần đá Ba Đầu, thuộc cụm Sinh Tồn, quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Chiều 25/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Hoạt động của các tàu Trung Quốc trong phạm vi lãnh hải Sinh Tồn Đông thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm quy định của UNCLOS 1982 về hoạt động của tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải của quốc gia ven biển, đi ngược lại tinh thần và tuyên bố DOC, làm phức tạp tình hình, không có lợi cho quá trình đàm phán COC.
Ngày 12/4, Bộ Ngoại giao Philippines đã triệu tập đại sứ Trung Quốc để phản đối. Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin từng tuyên bố rằng nước này sẽ gửi công hàm phản đối mỗi ngày, cho đến khi các tàu Trung Quốc rời đi hết.