Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 21/5, ông Harry Roque, người phát ngôn của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, cho biết Manila "đặc biệt quan ngại” về sự hiện diện của các máy bay ném bom chiến lược Trung Quốc ở Biển Đông.
Chính phủ Philippines cho biết vẫn chưa thể độc lập xác minh thông tin máy bay ném bom chiến lược xuất hiện ở Hoàng Sa như báo chí Mỹ đưa.
"Tuy nhiên, chúng tôi vẫn ghi nhận các thông tin trên và một lần nữa bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về những tác động của diễn biến đến các nỗ lực duy trì hòa bình và ổn định tại khu vực", ông cho biết tại buổi họp báo thường kỳ.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Philippines (DFA) thông báo đang theo dõi chặt chẽ các diễn biến trên Biển Đông. "Thông điệp phù hợp về các diễn biến gần đây đã được truyền tải thông qua kênh ngoại giao. Tuy nhiên, chính sách hiện tại của chúng tôi không ủng hộ công bố tất cả mọi hành động của chính phủ Philippines mỗi khi có diễn biến trên Biển Tây Philippines và Biển Đông", thông cáo của DFA cho biết.
Cơ quan này không nói rõ đã lên án hay bày tỏ quan ngại về động thái quân sự vừa qua của Trung Quốc, chỉ cho biết đang sử dụng "cách tiếp cận khác" để tránh rơi vào tình thế bất lợi, theo trang Philippine Star.
Harry Roque, người phát ngôn của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Ảnh: Inquirer. |
Trước đó vào ngày 18/5, Tân Hoa xã dẫn nguồn tin quân sự cho biết không quân Trung Quốc đã tập trận ở "vùng biển phía nam", có sự tham gia của máy bay ném bom chiến lược H-6K đủ khả năng mang tên lửa hạt nhân. Một video chiếc H-6K hạ cánh và cất cánh chớp nhoáng trên một hòn đảo ở Biển Đông cũng được đăng tải bởi trang People's Daily.
Theo South China Morning Post, đây là lần đầu tiên PLA cho máy bay ném bom H-6K thực hiện đáp và cất cánh trên đường băng xây dựng trái phép tại Biển Đông. Các chuyên gia quốc tế nói địa điểm H-6K hạ cánh là đảo Phú Lâm, Hoàng Sa. Quần đảo thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam nhưng đang bị Trung Quốc chiếm đóng và quân sự hóa trái phép.
Người phát ngôn Lầu Năm Góc Christopher Logan đã lên án động thái quân sự của Bắc Kinh làm “tăng căng thẳng và gây mất ổn định khu vực”, cho thấy Trung Quốc đang tiếp tục các hoạt động quân sự hóa trên biển Đông. Ông nhấn mạnh chính phủ Mỹ vẫn giữ cam kết thúc đẩy một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở cửa, theo CNN.
Hình ảnh máy bay ném bom H-6K hoạt động trên bầu trời ở khu vực Biển Đông tháng 7/2016. Ảnh: Tân Hoa xã. |
Tổng thống Duterte thời gian qua đã chịu nhiều chỉ trích từ các chính trị gia đối lập khi gạt chiến thắng năm 2016 tại Tòa Trọng tài trong vụ kiện Biển Đông sang một bên, cải thiện quan hệ Manila - Bắc Kinh để nhận thêm đầu tư hạ tầng.
Ngày 19/5, Thượng nghị sĩ Philippines Panfilo Lacson đã kêu gọi chính phủ có hành động phản ứng việc Trung Quốc quân sự hóa trên Biển Đông. Ông cho rằng Philippines có thể tìm kiếm sự giúp đỡ từ các đồng minh để gây sức ép, buộc Trung Quốc dừng các hoạt động quân sự.