Đội cứu hộ chuẩn bị di dời một phần thân tàu USS Guardian hôm 29/3/2013. |
Người phát ngôn Lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ tại Thái Bình Dương, Đại tá Brad Bartelt hôm 14/10 phát biểu trên tờ Stars and Stripes (Mỹ): “Tất cả tàu hải quân liên quan ít nhiều đến nghi án giết người đều đang bị tạm giữ tại cảng của Philippines”.
5 chiếc tàu kể trên bao gồm hai chiến hạm đổ bộ USS Peleliu (LHA-5) và USS Germantown (LSD-42), hai tàu hải quân Mỹ USNS Sacagawea (T-AKE-2) và USNS Washington Chambers (T-AKE-11) cùng một chiếc phà WestPac Express. Đại tá Bartelt từ chối tiết lộ thông tin chi tiết do lo ngại vấn đề an ninh và cũng không nói rõ thời điểm những chiếc tàu được cho đi.
Trước đó, ngày 14/10, hãng tin Reuters đưa tin một lính thủy quân lục chiến Mỹ đang bị phía Mỹ tạm giữ trên tàu USS Peleliu. Binh sĩ này đến từ tiểu đoàn 2, trung đoàn thủy quân lục chiến số 9, đóng trụ sở tại trại Lejeune, bang North Carolina – Mỹ. Đây là nghi can trong vụ sát hại người đẹp chuyển giới Philippines Jeffrey Laude, 26 tuổi, hôm 11/10 gần thành phố Olongapo.
Cái chết của Laude làm bùng lên các cuộc biểu tình bên ngoài Đại sứ quán Mỹ tại Philippines. Truyền thông nước sở tại đặt vấn đề phải chăng Mỹ đang muốn can thiệp quân sự vào quốc đảo.Sau vụ việc, ông Eduardo Oban, một quan chức ngoại giao Philippines, đồng thời là giám đốc Ủy ban Hiệp định Viếng thăm Quân sự (VFAC) thông báo tàu USS Peleliu sẽ phải ở lại để phục vụ công tác điều tra.
Tuy nhiên, quá trình đàm phán sau đó dẫn đến kết quả cả 5 tàu hải quân, trong đó 4 tàu không liên quan đến vụ giết người, đóng ở Vịnh Subic đều không được rời khỏi. Nguồn tin cảnh sát Philippines cho biết họ đang chờ kết quả khám nghiệm tử thi để trình cáo trạng lên tòa án. Phát ngôn viên của Tổng thống Philippines, Herminio Coloma đảm bảo với gia đình của Laude rằng chính phủ sẽ làm hết sức để đòi lại sự công bằng cho nạn nhân.
Trước đó, vào khoảng đầu tháng 4/2013, Philippines đã yêu cầu Mỹ trả 1,4 triệu USD để bù đắp cho những thiệt hại của một rạn san hô bị tàu chiến Mỹ mắc kẹt làm hư hỏng.
Số tiền bồi thường này được đưa ra dựa trên nghiên cứu của các cơ quan Philippines, trong đó có lực lượng cảnh sát biển. Theo điều tra, tàu quét mìn USS Guardian của hải quân Mỹ đã gây hư hại cho ít nhất 2.345 mét vuông của rạn san hô Tubbataha.
Giám đốc công viên hải dương nơi chịu trách nhiệm quản lý Tubbataha, bà Angelique Songco nhấn mạnh rằng số tiền này dựa trên bộ luật đã được thông qua về bảo vệ rạn san hô, một di sản thiên nhiên thế giới đã được UNESCO công nhận ở biển Sulu.
"Đây chỉ là một quá trình đơn giản: đánh giá chính xác rạn san hô và sau đó họ bồi thường. Đó là tất cả. Rất dễ hiểu", bà Angelique Songco nói.Vụ việc này từng khiến các nhà dân tộc chủ nghĩa Philippines phản ứng mạnh mẽ và yêu cầu Mỹ phải chi trả một lượng tiền bồi thường lớn. Tuy nhiên, bà Songco cho hay Philippines sẽ chỉ yêu cầu số tiền dựa trên khu vực bị thiệt hại.
Mỹ đã xin lỗi về sự cố này và cho biết sẽ hợp tác để giải quyết vấn đề. Trong thông báo hồi đầu tháng 4/2013, hải quân Mỹ cho biết họ không muốn thắc mắc gì về trách nhiệm pháp lý mà sẽ hợp tác với chính phủ Philippines để đánh giá thiệt hại.