Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Philip Roth: 'Tôi đã làm hết sức mình, với những gì tôi có'

Cho tới những năm cuối đời, Phillip Roth sống một mình, vẫn miệt mài sáng tác và các tác phẩm tuổi xế chiều của ông bỏ xa tiểu thuyết của nhiều nhà văn Mỹ ở tuổi sung sức.

Robert McCrum là một cựu biên tập viên văn học của tờ Observer. Bài viết của Robert McCrum mới được đăng trên tờ báo này kể về cuộc phỏng vấn nhà văn Philip Roth, khái quát sự nghiệp của tượng đài văn học Mỹ.

Trong lần Robert McCrum - nhà văn, biên tập viên người Anh - phỏng vấn Philip Roth vào năm 2008, khi ông 75 tuổi, tại nhà nghỉ đồng quê của ông ở ngoại ô Connecticut, dường như chỉ có ba suy nghĩ lớn khu trú trong tâm trí ông.

Đó là liệu ông có sống lâu hơn những người đương thời và đối thủ cạnh tranh của mình, đồn đoán ồn ào về Ủy ban Nobel (họ sẽ trao giải/ không trao giải?) và cuốn Lời khiếu nại của Portnoy (Portnoy’s Complaint).

Cùng với sự ra đi của Roth vào tuần trước ở tuổi 85, chỉ vài ngày sau khi Tom Wolfe - một bậc thầy văn xuôi người Mỹ khác qua đời, hai lo lắng đầu tiên của ông đã trở thành những điều vô nghĩa.

Su nghiep van chuong cua Philip Roth anh 1
Các tác phẩm đã xuất bản của Philip Roth. 

Viết tiểu thuyết như tự truyện, và viết tự truyện thì được xem là tiểu thuyết

Cuốn tiểu thuyết “gây sốc” này đã hơn 60 năm tuổi, nhưng một số độc giả vẫn chưa hiểu hết được khía cạnh tuyệt vời, hài hước về sự khám phá tình dục của một chàng trai trẻ người Mỹ gốc Do Thái bất hạnh, có thể vì nó liên quan đến người mẹ của nhân vật.

Là một cuốn tiểu thuyết mang hình thức tự truyện, nó đã được nhiều độc giả Mỹ xem như một lời tự bạch trong vỏ bọc của một cuốn tiểu thuyết: ngay lập tức Portnoy đã trở thành cuốn sách bán chạy nhất và thành công ngoài sức mong đợi.

Trong truyện, nhân vật Portnoy sử dụng một loạt những công cụ phong phú để tìm lối thoát cho những thôi thúc tình dục: bít tất cũ, đồ lót của em gái, găng tay bóng chày, đáng sợ hơn nữa là cả một miếng gan vốn dùng cho bữa tối của gia đình.

Cuốn sách là cách trị liệu mà cha đẻ của ngành phân tâm học Freud không bao giờ tính đến, một màn độc thoại trầm bổng để trích dẫn chính tác giả của nó, bởi một "cử nhân Do Thái trẻ tuổi đầy đam mê nhục dục, khao khát thèm muốn mẹ của mình", một trường văn liệt tội kỳ quặc sẽ đem "cái Nó trở lại trong người Do Thái".

Có lẽ chỉ nhà văn Harold Pinter, chủ nhân giải Nobel văn học năm 2005, người mà Roth có vài điểm tương đồng khi còn trẻ, có thể viết nên những trang văn đáng nhớ và lạ thường như vậy.

Su nghiep van chuong cua Philip Roth anh 2
Một cảnh trong phim Lời khiếu nại của Portnoy - chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Philip Roth.

Philip Milton Roth được sinh ra trong một gia đình người Mỹ gốc Do Thái thế hệ thứ hai ở Newark, New Jersey năm 1933 - hay là “trước cả lúc có tất da chân và thực phẩm đông lạnh” như kiểu ông thích nói. Cha mẹ ông đã hy sinh tất cả cho con trai của họ.

Ông sinh ra trong thời đại tổng thống Eisenhower nắm quyền ở Mỹ, lớn lên trong vùng ngoại ô vắt ngang sông Hudson, cách xa khỏi những cám dỗ lấp lánh của trung tâm thương mại tài chính Manhattan.

Nhưng ông vẫn là một phần của một thế hệ người Mỹ trẻ tuổi như các nhà văn William Styron, John Updike và Saul Bellow - những người muốn kiểm nhận và đổi mới xã hội của mình sau tàn dư của Thế chiến 2, thảm họa diệt chủng Holocaust và vụ ném bom nguyên tử Hiroshima.

Những tiền bối của Roth - Norman Mailer, Gore Vidal và Kurt Vonnegut - đã thể hiện cách riêng của họ trong việc tiếp quản nền tiểu thuyết Mỹ. Roth cũng vậy, nhận nhiệm vụ này thông qua các tác phẩm của ông, gây nên chấn động lạ thường cho bối cảnh êm đềm của nền văn học Mỹ lúc đó với cuốn Tạm biệt, Columbus (Goodbye, Columbus) ra đời năm 1959.

Từ rất sớm, Roth đã học được cách chịu đựng sự chú ý có thể dẫn đến những phản ứng cực đoan của dư luận - sự khó chịu dai dẳng với tầng lớp dưới đáy xã hội, sự soi mói đầy ghen tuông của văn đàn và những lời đùa cợt không ngừng về việc thủ dâm sau khi Lời khiếu nại của Portnoy được xuất bản vào năm 1969. Ngày nay những tội lỗi văn chương của ông nghe có vẻ lỗi thời đến kỳ lạ.

Nhiều người đồng quan điểm với nhận xét của nghệ sĩ hài Peter de Vries rằng sự nghiệp của Roth là câu chuyện khá phổ biến trên văn đàn nước Mỹ: "Một cô nàng mơ ước được làm nữ thần danh vọng - và nổi lên như một ả khốn trong mắt công chúng".

Ám ảnh, khinh khỉnh, tự coi mình là trung tâm

Một số nhà phê bình vẫn chỉ trích ông vì sự thờ ơ đối với quy tắc xã hội và những đả kích nhằm vào giấc mơ Mỹ. Ông có như vậy thật không, tôi tự hỏi khi chúng tôi gặp nhau, hay chỉ vô tình làm dấy lên sự phẫn nộ?

"Tôi chẳng mấy để ý đến cảm giác của độc giả," ông trả lời, "Đặc biệt càng không khi tôi viết. Người đọc duy nhất mà tôi viết cho chính là tôi, tôi quá bận rộn cố gắng làm rõ mọi thứ, và gặp rất nhiều rắc rối rồi, chẳng bao giờ tôi nghĩ đến chuyện X, Y, hoặc Z sẽ suy nghĩ gì về nó?”.

Thể hiện trong câu nói này chính là con người đích thực của Roth: thần kinh, mắc chứng ám ảnh, khinh khỉnh và tự coi mình là trung tâm. Điều duy nhất còn thiếu là sự hài hước thái quá (giễu nhại, tưởng tượng, châm biếm và nhắc đi nhắc lại) trong bất kỳ cuộc trò chuyện nào với nhà văn khi ông đang trên đà và có hứng.

Su nghiep van chuong cua Philip Roth anh 3
Barack Obama trao Huy chương Nghệ thuật và Nhân văn cho Philip Roth tại Nhà Trắng tháng 3/2011. Ảnh: Patsy Lynch

Sự phẫn nộ quá mức của dư luận trộn lẫn với cơn thịnh nộ tự chán ghét bản thân đặc trưng của Roth thời thanh niên đã ném ông, khi ấy còn là một người đàn ông trẻ tuổi, vào thế giới hiếu kỳ tầm thường vô vị của công chúng.

Ông dành hầu hết cuộc đời trưởng thành của mình chạy trốn khỏi những kẻ báo thù đeo bám, nhấn mạnh rằng tiểu thuyết của mình không phải là tự truyện.

Nhưng dù thế nào thì các chủ đề trong những sáng tác ban đầu của ông cũng là thứ không đổi trong toàn bộ tác phẩm sau này, tạo thành một bức tranh toàn thể mô tả bản sắc tình dục của người đàn ông Mỹ gốc Do Thái và những phức cảm rối bời trong bất kỳ mối quan hệ nào với người khác giới.

Những nhà phê bình phàn nàn về “tính ái kỷ” và sự đi quá giới hạn của Roth sau cái chết của ông thật là thiếu sót. Sự tự kiểm táo bạo và tàn nhẫn như vậy - từ cuốn Tristram Shandy (nhà văn Laurence Sterne), Huckleberry Finn (nhà văn Mark Twain) đến Dịu dàng là đêm (Tender Is the Night - nhà văn F. Scott Fitzgerald) hay Kẻ trần truồng và người chết (The Naked and the Dead - nhà văn Norman Mailer) - không bao giờ kết thúc trong nghệ thuật tiểu thuyết.

Đối với Roth, Lời khiếu nại của Portnoy thiết lập một hình mẫu cho tất cả các tác phẩm của ông, sự hành xác tinh tế của văn chương tự chiêm nghiệm. "Không có nhà văn hiện đại nào đã tự kiểm chính mình được đến vậy cho tới nay", Martin Amis đánh giá.

Sau tai tiếng với câu chuyện về Portnoy, Roth đã ẩn náu khỏi sự nổi tiếng bằng bản ngã khác của mình, nhân vật nhà văn Nathan Zuckerman, và trốn tránh những áp lực của đời sống văn học Mỹ qua các chuyến du lịch trải dài khắp Châu Âu và Vương quốc Anh, đỉnh điểm là cuộc hôn nhân của ông với nữ diễn viên Claire Bloom.

Giai đoạn giữa của sáng tác hư cấu của ông, bị chi phối bởi những tiểu thuyết viết về Zuckerman, và cuộc hôn nhân thứ hai của ông (người vợ đầu tiên của ông đã qua đời trong một vụ tai nạn xe hơi năm 1968), ngày càng trở nên rắc rối bởi sự thôi thúc phải hoàn thiện nghệ thuật của mình.

Những cuốn sách về Zuckerman như Bài học giải phẫu (The Anatomy Lesson) và Ngược đời (The Counterlife) khiến các nhà phê bình và người hâm mộ của Roth vui mừng lẫn bực dọc. "Đời đi vào trong truyện, truyện bước ra ngoài đời", nhà phê bình văn học và tiểu sử gia Hermione Lee nhận xét, "đó là tên trò chơi nước đôi của Roth".

Tiểu thuyết gia rất ghét bị hỏi về bản ngã khác của ông. “Tôi là Roth hay Zuckerman?” - ông sẽ trả lời - “Tất cả là tôi. Chẳng có gì là tôi". Hoặc trong cuốn Sự lừa dối ông nói: “Tôi viết tiểu thuyết và người ta nói đó là tự truyện; tôi viết tự truyện rồi người ta bảo nó là hư cấu. Vì vậy tôi có vẻ thật mù mờ còn họ rất thông minh, hãy để họ quyết định đó là cái gì hay không là cái gì".

Su nghiep van chuong cua Philip Roth anh 4
"Tôi là Roth hay Zuckerman? Tất cả đều là tôi. Chẳng có gì là tôi" - Phillip Roth tại nhà riêng ở Manhattan tháng 1/2018. Ảnh: Philip Montgomery

Sự tự tin của ông về bản nguyên sâu sắc đầu tiên của mình được hình thành và sau đó đã làm hỏng mối quan hệ với người vợ Bloom. Người từng tuyên bố rằng bà muốn "dành trọn cuộc đời với người đàn ông phi thường này", đã ly dị ông ta vào năm 1995 sau nhiều năm sống trong sự khiêu khích.

Roth đã đưa chuyện ngoại tình của mình vào những tiểu thuyết hư cấu như Sự lừa dối (Deception) xuất bản năm 1990, bản tường thuật chính xác đến tàn nhẫn về việc một người chồng Mỹ trốn thoát khỏi người vợ ghen tuông trong mối tình của mình với một phụ nữ người Anh tao nhã. Bloom đã trả thù lại vào năm 1996 với cuốn tự truyện Rời bỏ ngôi nhà búp bê (Leaving a Doll’s House).

Sau cuộc hôn nhân tan vỡ với Bloom, Roth rút lui về sống đơn độc ở Connecticut, làm việc cả ngày lẫn đêm, trở thành một ông già cô đơn tính tình khó chịu.

Ông đã từng ca tụng cuộc sống như vậy trong cuốn tiểu thuyết ra đời năm 1979 của mình Người viết thuê (The Ghost Writer): “Sự tinh khiết. Thanh thản. Sự đơn giản. Tách biệt. Tất cả sự tập trung, vẻ đẹp và bản sắc của một con người dành riêng cho tiếng gọi cao quý, vượt trội, siêu phàm … đây là cách tôi sẽ sống".

Bị cô lập với nàng thơ của mình, về mặt nghệ thuật ông được tự do. "Nếu tôi thức dậy lúc năm giờ, không thể ngủ và muốn làm việc", ông nói với tờ New Yorker, "Tôi sẽ ra ngoài và đi làm".  Những cuốn tiểu thuyết viết ở tuổi xế chiều của Roth vẫn bỏ xa nhiều nhà văn Mỹ khác đang ở độ sung sức mà chỉ bằng nửa tuổi ông.

Giai đoạn chuyển giao của thế kỷ 20 sang 21 đã chứng kiến sự nở rộ kỳ lạ trong trí tưởng tượng của ông với Bức họa đồng quê nước Mỹ (American Pastoral) (1997), Tôi đã kết hôn với một người cộng sản (I Married a Communist) (1998), Vết nhơ trần thế (The Human Stain) (2000), và một lời tiên tri ma quái mang tên Âm mưu chống lại nước Mỹ (The Plot Against America) (2004).

Cuối cùng ông không còn là một kẻ khủng khiếp đáng sợ nữa, mà là một người phát ngôn cao tuổi của văn học Mỹ. Những áng văn xuôi cuối đời của ông có sự thôi thúc, nhịp điệu và nét giản đơn của sự vĩ đại: những từ ngữ được viết đi viết lại trong đời sống tách biệt gần như tu sĩ.

Su nghiep van chuong cua Philip Roth anh 5
Philip Roth và người vợ thứ hai - nữ diễn viên Claire Bloom khi chưa ly dị.

Người canh chừng cánh cổng dẫn vào trí tưởng tượng của người Mỹ

Trong những năm cuối đời, ông sống một mình, ít nhất là khi ở Connecticut. Còn ở New York, nơi ông đến trú đông và sống như một tượng đài văn chương, lại là một câu chuyện khác.

Trong chuyến viếng thăm của biên tập viên Robert McCrum tới thiên đường nông thôn của nhà văn, Roth khoe cái hồ bơi mà ông thích bơi lội, bãi cỏ của ông và cuối cùng là phòng làm việc đơn sơ bằng gỗ mà ông viết lúc đang đứng như thể muốn canh chừng những cánh cổng dẫn vào trí tưởng tượng của người Mỹ.

Không có ngày nào trôi qua mà ông không nhìn chằm chằm vào ba từ đáng ghét đó: qwertyuiop, asdfghjkl và zxcvbnm (những cụm từ được tạo ra khi nối liên tục các phím chữ cái trên máy tính từ trái sang phải, đồng thời theo tiếng lóng lần lượt mang nghĩa nhàm chán, cảm giác không thể diễn tả bằng lời, những kẻ hoang tưởng nghiện máy tính).

Như ông từng nói, khá là dứt khoát: “Vì vậy tôi làm việc, tôi đang trong nhiệm vụ. Tôi giống như một bác sĩ và đó là phòng cấp cứu. Và tôi chính là ca bệnh khẩn".

Những cuốn tiểu thuyết cuối của Roth thực ra là truyện vừa, nhưng chúng vẫn đầy uy lực và được coi trọng, ít nhất là bởi những người không gặp vấn đề với những lời buộc tội hồi xưa về "chứng sợ phụ nữ" và "ái kỷ".

Có lẽ Roth cảm thấy kết thúc của mình đã đến gần. Với sự khiêm nhường đáng ngạc nhiên, ông chọn trích dẫn câu nói của võ sĩ quyền Anh vĩ đại Joe Louis: "Tôi đã làm hết sức mình có thể với những gì tôi có". 

Năm 2007, ông xuất bản cuốn Exit Ghost, chia tay nhân vật Zuckerman, và sau đó vào năm 2010 là lời tạm biệt với tất cả các cuốn sách, tác phẩm cuối cùng của ông: Sự trừng phạt (Nemesis).

Vào năm 2012, ông nói với BBC rằng ông sẽ không viết thêm nữa và sẽ thả mình chìm đắm "ngày càng sâu hơn, thường xuyên hơn vào Thung lũng Bóng tối đáng sợ".

Nhận thấy tầm vóc của ông trong toàn cảnh nền văn học Mỹ, tờ Observer đã ca ngợi với những lời tán dương như "sự thú vị tuyệt đối trong phong cách của ông - thứ văn xuôi bền bỉ, rõ ràng, chính xác và tinh tế, có khả năng níu giữ bạn trong những suy nghĩ linh hoạt của nhân vật cho đến bao nhiêu trang mà nhà văn muốn cũng được".

Theo một cách nào đó, điều đó cũng không hẳn đã đúng trọng tâm. Chủ đề của ông đến cuối cùng vẫn là, theo lời của Martin Amis, "bản thân mình, bản thân mình, bản thân mình".

Tiểu thuyết gia lỗi lạc Philip Roth qua đời ở tuổi 85

Nhà văn Mỹ Philip Roth, người từng đoạt giải Pulitzer và được đánh giá là một trong những tiểu thuyết gia vĩ đại nhất thế kỷ 20, vừa qua đời ở tuổi 85.



Thanh Bình

Bạn có thể quan tâm