Họa sĩ Nguyễn Nghĩa Cương bên một bức tranh vẽ rồng. |
Rồng gỗ, rồng giấy, rồng mo cau…
Trong văn hóa dân gian của người Việt, rồng đại diện cho sự khởi sắc, phát triển, sinh sôi nảy nở. Vì thế, rồng mang đến cảm hứng đa dạng cho giới sáng tạo, từ đậm nét văn hóa truyền thống đến phá cách, trẻ trung, hiện đại; từ hiện thực đến bán trừu tượng, biểu hiện, lập thể... Các tác phẩm thể hiện trên đa chất liệu: từ kim loại, gốm, gỗ đến giấy dó, bột giấy, thậm chí cả… mo cau.
Đầu tháng 10 năm 2023, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã công nhận bộ tranh "Hóa Rồng" của họa sĩ Hoàng Trúc là “Bộ sưu tập tranh vẽ chủ đề Rồng trên chất liệu mo cau nhiều nhất Việt Nam". Sau hơn 30 tháng nghiên cứu và tỉ mẩn thực hiện, Hoàng Trúc đã vẽ được 1.789 bức tranh mo cau, trong đó có 1.324 bức tranh mo cau vẽ hình rồng. Những chiếc mo cau mộc mạc, tưởng chừng như bỏ đi qua bàn tay của Hoàng Trúc đã trở thành những tác phẩm nghệ thuật độc đáo và thân thiện với môi trường. Con rồng trong tranh mo cau của ông, vì thế cũng gần gũi, dân dã hơn. Họa sĩ cho biết, việc vẽ tranh trên mo cau không quá khó khăn tuy nhiên ông phải nghiên cứu khắc phục sự cong vênh, ẩm mốc của mo cau trước tác động của thời tiết cũng như cắt tỉa, ép phẳng sao cho tự nhiên nhất. Qua nhiều lần thực hành, ông quyết định dùng màu acrylic vì có độ phủ cao hơn, khô nhanh hơn, độ bền màu tốt hơn.
Trong năm qua, ngoài vẽ tranh, họa sĩ Triệu Long dành thời gian lọ mọ ở xưởng với đống giấy loại, hết xay lại trộn, lên khuôn, đổ màu… Cách đây vài tháng, anh bắt đầu khoe thành quả lên facebook: Những con rồng nhiều màu sắc lấy cảm hứng từ hình tượng “cá chép hóa rồng”. Mỗi con dài cả 2m, nặng gần 30kg. Tuy làm từ bột giấy nhưng vẫn toát lên vẻ khỏe khoắn, vui tươi. “Kỹ thuật làm thì không khó, nhưng sợ nhất là thời tiết nồm ẩm nên phải sấy rất kỹ. Mỗi con để hoàn thiện mất khoảng 1 tháng”, Triệu Long chia sẻ. Vì mất nhiều thời gian nên từ đầu năm đến nay, anh mới chỉ làm được khoảng chục con. Tùy nhu cầu của khách hàng, có con được giữ màu nguyên bản của bột giấy, có con được điểm trang bằng màu bột, sơn acrylic, có con lại được phủ sơn mài xịn xò.
Năm nay nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát lại tiếp tục cho ra mắt bộ sưu tập 1.000 tác phẩm mang hình tượng rồng. Bộ sưu tập này được anh lấy ý tưởng từ truyền thuyết con Rồng, cháu Tiên. Anh Phát đưa hình tượng rồng thời Lý, với các phẩm chất cao đẹp của người Việt như sự nho nhã, chất phác, thân thiện... vào trong bộ sưu tập. Các chất liệu anh sử dụng trong bộ sưu tập cũng gắn liền với đời sống, lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc ta như gỗ, mây, tre... Trong đó, tác phẩm anh Phát tâm huyết nhất phải mất tới hai năm để thực hiện là “Bộ ghế Rồng Tiên”. Tác phẩm là một chiếc ghế dài, với 50 nàng tiên đủ các kích thước, được sắp xếp bố cục rất tỉ mỉ. “Tôi chọn các thân gỗ lũa mềm mại, uyển chuyển để làm nguyên liệu. Trong quá trình tạo tác bộ sản phẩm này, quan trọng nhất là làm sao để các đoạn gỗ thô, cứng có thể ghép nối với nhau, tạo nên một hình rồng hoàn chỉnh”, anh nói. Chiếc ghế được dát 2.500 lá vàng 24k, cao 1,65 mét, rộng 2 mét được chế tác từ sơn mài trên gỗ lũa.
Vừa hoàn thành gần 30 bức tranh rồng trên chất liệu giấy điệp, họa sĩ Nguyễn Nghĩa Cương nhận định: Vẽ rồng không dễ! Dữ quá thì tạo cảm giác xa cách mà hiền quá thì dễ mất đi vẻ oai phong. Bởi thế, anh đi sâu vào khai thác sự biến hóa của màu sắc. Được đào tạo mỹ thuật bài bản nhưng Cương thú nhận anh thích lối vẽ dân gian, tự nhiên của những người không học mỹ thuật, đó có thể từ một ông nặn tò he, hoặc một nghệ nhân không chuyên hay vẽ cổng đình… Những nét vẽ ngây ngô, bản năng nhưng đầy cảm xúc tự nhiên. Có lẽ bởi thế, không chỉ tranh vẽ rồng mà phần lớn sáng tác của Nguyễn Nghĩa Cương đều mang đậm tính dân gian, lấy cảm hứng từ dân gian để rồi biến tấu với lối thể hiện đầy tính sáng tạo khiến người xem cảm thấy vừa gần gũi, nhẹ nhàng, vừa phóng túng, thanh thoát.
“Bộ ghế Rồng Tiên” sơn mài trên gỗ lũa của nghệ nhân Tấn Phát được làm kỳ công trong 2 năm. |
Rồng cười, rồng khóc, rồng ngóc đầu…
Trong 12 con giáp, rồng là loài vật không có thật nên khi sáng tác, các nghệ sĩ cũng để trí tưởng tượng mặc sức bay bổng, từ đó, con rồng hiện lên với đủ đầy diện mạo, sắc thái.
Đặc điểm trong tranh rồng của họa sĩ Lê Trí Dũng là đều “ngẩng cao đầu”, bay lên đầy khí thế. Đó là những con rồng với những gam màu tươi, sáng trong tư thế nghênh Xuân, đón mừng năm mới. Họa sĩ quan niệm, “con vật chủ” của năm phải mạnh mẽ và sung sức, để phù trì cho gia chủ cả năm may mắn, hạnh phúc. Bởi thế khi ông vẽ rồng, màu chủ đạo thường là gam màu nóng thuộc dương. Ông cũng thường vẽ tranh với tâm thế “nhân cách hóa”, những chủ đề tình mẹ, gia đình đoàn tụ, hạnh phúc đón xuân, sung túc... được đưa vào tranh tết như một lời cầu chúc đầu năm...
Chào đón năm Giáp Thìn, hoạ sĩ – nhà điêu khắc Vũ Dũng cũng tạo nên tác phẩm nghệ thuật độc đáo mang tên "Hí Long Vân” – dáng rồng ngậm ngọc cuộn tròn ẩn mình trong mây được dát vàng 24k. Từ khúc gỗ thô sơ, qua bàn tay khéo léo của người nghệ sĩ đã trở thành những linh vật rồng với nhiều chi tiết tinh xảo. Để tạo nên tác phẩm có sự kết hợp giữa ngôn ngữ tạo hình truyền thống và đương đại, nhà điêu khắc Vũ Dũng đã lựa chọn những đặc điểm độc đáo của Rồng Việt thời Lý, kỳ vọng tạo nên một linh vật với đường nét và hình thể đậm chất Việt Nam. Nâng niu tượng rồng trên tay, ông phân tích: Đây là hình tượng của một tàng long kiên định, hiểu mình hiểu thời, chờ đúng vận hội mà không hề kiêu ngạo. Mây cuốn xung quanh rồng chỉ thiên thời, thời điểm thuận lợi, là một bước đệm vững chãi để vươn lên, thể hiện khát khao của con người và những nỗ lực không ngừng để đạt được thành công.
Những chú rồng “cute” của những nghệ sĩ trẻ GenZ. |
Được một nhóm họa sĩ trẻ gen Z thực hiện, bộ tác phẩm "Năm Con Rồng" đang “gây bão” trên mạng xã hội vì độ hóm hỉnh, vui nhộn. Bộ tượng được lấy ý tưởng từ văn hóa dân gian, họa tiết trong điêu khắc thủ công truyền thống, với nhân vật chính là 5 chú rồng ngộ nghĩnh, đại diện cho 5 tính cách cùng những trạng thái, biểu cảm của con người: Bình thản, hạnh phúc, ngủ, ngáp, làm dáng hay khóc nhè…
“Tác phẩm mang tinh thần của những người trẻ luôn lạc quan, yêu đời. Có lúc vô tri, có lúc lười biếng, có lúc thét gầm.. nhưng cũng có lúc chậm lại, hạnh phúc và sống trong cuộc sống vận động mỗi ngày", họa sĩ Dương Đức Mạnh, đồng tác giả của tác phẩm chia sẻ.
Anh cho biết, nhóm mất khoảng 3 tháng để hoàn thành bộ mẫu đầu tiên sau nhiều công đoạn như phác thảo trên giấy, tạo hình bằng đất, thử nghiệm màu và chất liệu… Rồng làm bằng bột đá ép kết hợp sơn phun và những nét vẽ tay sử dụng chất liệu sơn mài truyền thống.
Có thể thấy, những chú rồng trong các tác phẩm của nghệ sĩ Việt đang ngày càng trở nên đời hơn, không còn xa cách mà mộc mạc, gần gũi nhưng tựu chung vẫn thể hiện được nét linh thiêng, khỏe khoắn và ước vọng về một năm mới may mắn, tài lộc trong văn hóa tín ngưỡng dân gian Việt.