Sohail Pardis đang lái xe từ thủ đô Kabul của Afghanistan đến tỉnh Khost gần đó để đón em gái tham gia lễ Eid ăn mừng kết thúc tháng Ramadan của người Hồi giáo.
Đáng lẽ đó là khoảng thời gian vui vẻ bên gia đình. Nhưng trong chuyến đi vào ngày 12/5, lúc qua sa mạc, xe của Pardis đã bị chặn lại tại trạm kiểm soát của các tay súng Taliban.
Những người dân trong làng chứng kiến vụ việc kể lại Taliban đã bắn vào xe của Pardis trước khi nó đổi hướng và dừng lại. Sau đó, họ lôi Pardis ra khỏi xe và chặt đầu anh, CNN cho biết hôm 23/7.
Chỉ vài ngày trước, Pardis đã tâm sự với bạn mình anh nhận được những lời đe dọa từ Taliban sau khi họ phát hiện anh làm phiên dịch viên cho quân đội Mỹ trong 16 tháng.
“Họ nói anh ấy là gián điệp của người Mỹ, là tai mắt của Mỹ, là người phản bội nên họ sẽ giết anh ấy và gia đình”, đồng nghiệp của Pardis, Abdulhaq Ayoubi, nói với CNN.
Pardis là một trong số hàng nghìn phiên dịch viên người Afghanistan từng làm việc cho quân đội Mỹ, hiện phải đối mặt với sự đàn áp của Taliban khi nhóm này giành thêm quyền kiểm soát tại nhiều khu vực.
Nhiều người nói với CNN cuộc sống của họ bị đe dọa khi Taliban tiến hành trả thù sau khi Mỹ rút khỏi Afghanistan.
"Chúng tôi không thể ở đây. Taliban không thương xót chúng tôi", Ayoubi nói.
Sohail Pardis, phiên dịch viên người Afghanistan từng làm việc cho Quân đội Mỹ, đã bị Taliban giết hồi tháng 5. Ảnh: CNN. |
Thời gian làm việc trở thành bản án tử hình
Pardis để lại phía sau cô con gái 9 tuổi. Bé gái đang nhận được sự chăm sóc của Najibulla Sahak, anh trai Pardis, người đã phải rời nhà tại Kabul vì lo sợ mình trở thành nạn nhân tiếp theo.
"Tôi rất lo lắng cho sự an toàn của gia đình mình. Không có nhiều việc làm ở đất nước này, và tình hình an ninh rất tồi tệ", Sahak nói.
Sau 16 tháng làm việc cho Mỹ, Pardis bị chấm dứt hợp đồng vào năm 2012 sau khi thất bại trong cuộc kiểm tra bằng máy phát hiện nói dối. Ayoubi, bạn của Pardis, cho biết anh đang tìm cách rời khỏi Afghanistan nhưng không đủ điều kiện để được cấp Thị thực Nhập cư Đặc biệt (SIV) vì đã bị chấm dứt hợp đồng.
Có hàng trăm phiên dịch viên người Afghanistan đã bị chấm dứt hợp đồng vì bài kiểm tra này. Nhiều người lo sợ nếu ở lại Afghanistan, họ sẽ phải chịu số phận tương tự Pardis.
Abdul Rashid Shirzad là một trong số đó. Ông đã phục vụ trong quân đội Mỹ 5 năm với tư cách là một nhà ngôn ngữ học và chịu trách nhiệm phiên dịch cho Lực lượng Đặc biệt Mỹ.
Theo Shirzad, thời gian phục vụ cho quân đội Mỹ đã trở thành bản án tử hình với ông khi chính phủ từ chối cấp visa, và ông nghĩ mình sẽ trở thành mục tiêu của Taliban.
“Nếu họ bắt được tôi, họ sẽ giết tôi, giết cả con tôi và vợ tôi nữa”, ông nói.
Shirzad không biết mình đã làm gì sai và chưa bao giờ nhận được lời giải thích rõ ràng cho việc chấm dứt hợp đồng. Trong thư từ chối thị thực của ông, Đại sứ quán Mỹ ghi “thiếu sự phục vụ trung thành và có giá trị”.
Trong khi đó, thư giới thiệu của chỉ huy Hải quân Mỹ Seal miêu tả ông là “một tài sản quý giá và cần thiết”, người “bất chấp hỏa lực của kẻ thù” và đã “cứu sống nhiều người Mỹ cũng như người Afghanistan”.
Trong một thư giới thiệu từ người chỉ huy khác, người này trình bày việc ông Shirzad đã tham gia 63 “nhiệm vụ tác chiến có rủi ro cao” và là “yếu tố quan trọng” đối với sự thành công của đội.
"Nếu ở Afghanistan có hòa bình, nếu tôi không phục vụ cho quân đội Mỹ, nếu Taliban không đuổi theo tôi, tôi sẽ không bao giờ rời bỏ đất nước của mình", Shirzad nói.
Ông Shirzad hiện không thể về quê và gia đình ông phải chuyển chỗ mỗi tháng.
“Chúng tôi rất sợ hãi. Tương lai của chồng và các con tôi đang gặp nguy hiểm”, vợ của ông nói. “Chồng tôi đã làm việc cho họ, tính mạng anh ấy đã gặp nguy hiểm. Tôi muốn người Mỹ cứu chồng tôi khỏi nguy hiểm này”.
Một binh sĩ Mỹ đi cùng thông dịch viên Afghanistan ở tỉnh Laghman, Afghanistan. Ảnh: Reuters. |
“Cảm thấy bị bỏ rơi”
Khoảng 18.000 người Afghanistan làm việc cho quân đội Mỹ đã đăng ký chương trình Thị thực Nhập cư Đặc biệt (SIV) cho phép họ đến nước này.
Vào ngày 14/7, Nhà Trắng thông báo phát động “Chiến dịch Đồng minh tị nạn”, một nỗ lực nhằm tái định cư hàng nghìn thông dịch và biên dịch viên người Afghanistan từng làm việc cho Mỹ.
Người phát ngôn của Đại sứ quán Mỹ tại Kabul cho biết họ đang “tích cực làm việc để đảm bảo Mỹ báo đáp những người đã giúp đỡ chúng tôi”.
Quá trình xét duyệt hồ sơ xin thị thực thường kéo dài và phức tạp. Người nộp đơn sẽ được đánh giá xem liệu họ có gây rủi ro cho an ninh quốc gia Mỹ hay không. Cũng có nhiều lý do khiến đơn xin thị thực bị từ chối, bao gồm cả những người không đủ tiêu chuẩn do tính chất công việc.
Những người Afghanistan bị từ chối thị thực cảm thấy họ đang bị nước Mỹ bỏ rơi.
Anh Ayoubi cũng thất bại trong bài kiểm tra nói dối và bị chấm dứt hợp đồng dù anh được trao huy chương vì đã cứu một trung sĩ Mỹ giẫm phải bom.
Giống như Shirzad, anh cảm thấy mình bị “buông tay” một cách bất công và nghĩ rằng cơ hội để đưa gia đình đến một nơi an toàn tiêu tan.
“Tôi đã nghĩ chúng tôi sẽ có một Afghanistan tươi đẹp. Chúng tôi chưa bao giờ nghĩ đến tình huống như hiện tại”, anh nói.