Trên trang Facebook cá nhân, ông Anh Phạm, người còn được biết trong giới dịch thuật là Gấu, khẳng định, những câu Kiều "Trời còn để có hôm nay/ Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời" mà Phó tổng thống Mỹ Joe Biden sử dụng trong lần tiếp Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2015 hay câu “Rằng trăm năm cũng từ đây/ Của tin gọi một chút này làm ghi” mà Tổng thống Barack Obama lẩy chuyến công du Việt Nam đều do ông gợi ý.
Ông Anh Phạm (ngoài cùng bên trái), phiên dịch cho Tổng thống Obama trong buổi tiếp xúc với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Ảnh: Hoàng Hà |
“Một bạn gửi cho comment ai đó bày tỏ sự nghi ngờ mình không phải là người đưa ra hai trích dẫn Kiều trong hai trận lượt đi và lượt về vừa qua. Lý do theo người đó là mình mới quanh 40 (tuổi) chưa thể đủ thâm trầm để hiểu Kiều sâu sắc như thế. Mình xin khẳng định mình vinh dự là người đề xuất các câu trên”, ông Anh Phạm (tên thật là Phạm Tuấn Anh) viết trên Facebook cá nhân.
Theo người thông ngôn của Tổng thống Obama trong chuyến thăm Việt Nam, câu “Sen tàn cúc lại nở hoa/ Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân” mà Tổng thống Bill Clinton từng dùng không quá đặc biệt. Hai câu "Trời còn để có hôm nay/ Tan sương trước ngõ vén mây giữa giời" mà ông Biden lẩy đắt hơn hai câu đó rất nhiều.
Nhận định về cách dùng những câu Kiều, ông Anh Phạm cho rằng sử dụng trích dẫn từ Kiều là một thứ nghệ thuật. Tới một tuổi nhất định, ông đã hiểu và yêu Truyện Kiều cũng như đồng cảm với những tương đồng giữa thân phận nàng Kiều với số phận dân tộc.
Các câu thơ trong Kiều nếu chỉ đứng riêng hoặc trong văn bản truyện Kiều thì chỉ đẹp cái đẹp nghệ thuật. Để đưa được các trích dẫn Kiều ra minh họa cho hoàn cảnh nhất định đòi hỏi phải có cái nhìn sâu sắc tới tận bản chất của hoàn cảnh để tìm ra góc cạnh liên tưởng có thể dùng thơ Kiều tóm lược lại. Nhưng nếu chỉ tóm lược không thì mới chỉ là tạm đạt và đó là việc ai cũng làm được.
"Dùng các câu 'Sen tàn cúc lại nở hoa/ Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân' không đòi hỏi quá nhiều trí tuệ thẳm sâu - ai đọc mà không hiểu đó là những câu thơ chỉ sự khai mở, chuyển tiếp. Cái đẹp đạt đấy tuy thế đó là cái đẹp ngơ ngơ không có cái tình người, cái tâm sự thầm kín, cái mong chờ, mơ ước, cái khổ sở, vật vã, dự liệu, lo lắng...tóm lại là thiếu những hàm ý, ẩn ý, liên tưởng đa chiều đa lớp của những trích dẫn cực đắt mà mình luôn cố tìm”, ông Anh Phạm chia sẻ về cách mình lựa chọn những câu Kiều.
Trước đó, Anh Phạm chia sẻ hai câu Kiều được chọn nhất quán hết sức với thái độ của Hoa Kỳ với Việt Nam tuy phản ánh ước mơ hơn là sự thật. Người dịch nói cho tất cả mọi người liên quan biết là muốn hai câu đó sẽ là câu kết thúc của bài diễn văn, giống như viên ngọc lớn trên đỉnh vương miện. Người dịch muốn nhìn thấy một cam kết chặt chẽ, gắn bó, thân tình, gia đình y như ý đồ thể hiện trong hai câu thơ.
"Tuổi tác chỉ là điều kiện cần để người ta đủ trưởng thành, hiểu biết để cảm kích với tác phẩm minh triết dân tộc này. Nếu có sẵn hiểu biết và tâm sự, tuổi tác lại không bị đòi hỏi. Tôi tự nhận mình may mắn có được sự hiểu biết cần thiết này". Anh Phạm nói.
Để nói về Tổng thống Obama, ông Anh Phạm chọn hai câu Kiều: “Ngổn ngang trăm mối bên lòng/ Nên câu tuyệt diệu ngụ trong tính tình”.
Anh Phạm Tuấn Anh, 40 tuổi, thường được biết trên mạng với biệt danh Gấu, sinh ra ở Bắc Ninh và lớn lên tại Hà Nội. Tuấn Anh tốt nghiệp Đại học Ngoại Thương Hà Nội trước khi sang học cao học tại Princeton. Anh Tuấn Anh từng làm cho World Bank trước khi chuyển sang làm phiên dịch cho chính phủ Mỹ.