Tối 24/9, tại Hà Nội, nhà đấu giá nghệ thuật Chọn’s tổ chức phiên đấu số 7 nhằm tôn vinh các nghệ sĩ đương đại. Đây là phiên đấu duy nhất trong năm bán tranh nghệ sĩ đương đại. Các phiên khác dành cho tranh những nghệ sĩ quá cố, những nghệ sĩ thành danh.
Các họa sĩ có tranh xuất hiện tại phiên đấu số 7 Chọn's Auction House |
Phiên đấu bán gần hết số hiện vật mang ra đấu (26/30 hiện vật), với tổng giá trị giao dịch là 58.550 USD (hơn 1.3 tỷ đồng). So với tổng giá trị các phiên đấu có tranh danh họa, các họa sĩ thành danh, đây là con số không cao, nhưng nó cho thấy tranh của họa sĩ trẻ đã được để ý, sưu tập.
Trong số các hiện vật bán, tác phẩm đắt nhất là một điêu khắc sắp đặt có tên Những cái đuôi của nghệ sĩ Trần Đức Quỷ, được mua với giá 15.000 USD (khoảng 336.5 triệu đồng). Một số tác phẩm cao giá khác như bức Hoa thủy tiên (sơn mài của Đoàn Thị Thu Hương) với giá bán 10.500 USD (khoảng 236 triệu đồng), Miền hoang hoải 2 (acrylic của Trần Nhật Thăng) với giá bán 4.200 USD (94.2 triệu đồng)…
Trước phiên đấu có những nhận định cho rằng đây là bước đi mạo hiểm, bởi tranh của họa sĩ trẻ chưa có thị trường ổn định. Nhưng kết quả phiên đấu là tín hiệu lạc quan cho thị trường mỹ thuật đương đại Việt Nam. Phiên đấu không chỉ bán tranh của họa sĩ trẻ, mà người mua tranh, các nhà sưu tầm tranh tại phiên cũng toàn người trẻ.
Anh Trần Tuấn Linh - người đấu giá thắng tác phẩm Những cái đuôi với giá 15.000 USD vốn xuất phát là một nhà đầu tư tài chính nhưng từ lâu đã đam mê với nghệ thuật. Về lý do bỏ ra hơn 300 triệu đồng để mua điêu khắc sắp đặt - một tác phẩm thuộc loại hình khá mới mẻ - anh Linh cho biết trước hết anh rất thích ý tưởng độc đáo của tác phẩm.
Tác phẩm Những cái đuôi được Trần Tuấn Linh mua với giá 15.000 USD. |
Thêm nữa, nhà sưu tầm cho rằng đây là một khoản đầu tư không phải lớn nhưng theo anh là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay để ủng hộ và tạo cảm hứng sáng tác, đam mê theo đuổi nghệ thuật cho các họa sĩ trẻ đang sung sức, và sau cùng đây cũng là một khoản đầu tư tiềm năng trong tương lai.
“Nếu ngần ngại về thị trường đương đại thì tôi đã không mua. Các tác phẩm của họa sĩ trẻ còn đang được định giá ở mức giá thấp so với tài năng và công sức của họ bỏ ra. Đầu tư vào đây thì chúng ta không thể trông đợi lợi ích trong ngắn hạn, tuy nhiên tôi tin tưởng rằng trong một tương lai không xa, thị trường sẽ có sự nhìn nhận đúng đối với giá trị của nghệ thuật Việt Nam” -nhà sưu tầm Trần Tuấn Linh nói.
Nguyễn Phan Huy Khôi - một nhà sưu tầm từng đấu rất quyết liệt để sở hữu tranh của các họa sĩ thành danh ở những phiên trước - đến phiên này cũng đấu thắng một tác phẩm của họa sĩ trẻ. Anh cho rằng nghệ thuật thì không có thời gian hay già trẻ, việc mua một tác phẩm nghệ thuật có thể do yêu thích, hoặc nhìn thấy sự đầu tư ở đó.
Việc mua tranh đương đại với Huy Khôi có thể qua nhiều nguồn, trong đó đấu giá là một cách. Nhận định về thị trường cho nghệ thuật đương đại Việt, Nguyễn Phan Huy Khôi nói hiện nay xã hội có nhiều thách thức cho họa sĩ trẻ, nhưng cũng tạo nhiều điều kiện để nghệ sĩ tự học hỏi, quảng bá, kết nối với cộng đồng quốc tế.
Anh nói: “Nếu nghệ sĩ biết nắm bắt, có thể biến cái nguy thành cơ (cơ hội) cho mình. Những người sưu tầm trẻ chúng tôi cũng vậy, cũng phải học cách để biến cái khó thành cơ hội”.
Tranh Mơ về một đại dương của Trần Ngọc Thắng tại phiên đấu. |
Với chính các họa sĩ, phiên đấu giá số 7 của nhà đấu giá tại Hà Nội khá quan trọng. Trần Nhật Thăng - họa sĩ có bức Miền hoang hoải bán thành công - cho biết trước đây anh từng gửi tranh đấu giá tới mười mấy lần, nhưng toàn là đấu giá để làm từ thiện. Đây là cuộc đấu đầu tiên anh gửi tranh bán cho bản thân.
Chứng kiến phiên đấu, Trần Nhật Thăng có tâm thế vừa lo cho mình, vừa lo cho nhà đấu giá. Nếu tranh đưa ra không thành công, hoặc giá quá thấp, thì có chút ảnh hưởng tới uy tín tác giả. Sự ngập ngừng đó của Trần Nhật Thăng là dễ hiểu, bởi nó xuất phát từ thực tế thị trường tiêu thụ nghệ thuật trong nước còn khá non trẻ.