Theo ghi nhận của phóng viên, các loại phích nước của Trung Quốc được bán khá nhiều trên thị trường TP.HCM, Hà Nội...
Mù mờ nguồn gốc
Một siêu thị trên đường Cống Quỳnh, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, TP.HCM đang bày bán phích nước có thân bằng inox; khi lắc nhẹ, đáy phích có tiếng lạo xạo và không có hộp đựng. Tại siêu thị có 3 cỡ bình: loại 300 ml (giá 84.000 đồng), 500 ml (giá 98.000 đồng) và 750 ml (giá 122.500 đồng). Điều đáng nói, trên sản phẩm chỉ toàn tiếng TQ, không có nhãn phụ, chỉ có tem của siêu thị ghi tên sản phẩm là “bình du lịch”, mã sản phẩm và giá tiền. Do đó, người tiêu dùng không thể biết các thông tin về nơi sản xuất, nơi nhập khẩu, kết cấu thành phần hay thông tin hướng dẫn sử dụng.
Nhiều phích nược có nguồn gốc Trung Quốc xuất hiện tại các chợ, siêu thị trên địa bàn cả nước. |
Anh Tuấn, nhân viên một cửa hàng chuyên kinh doanh đồ gia dụng trên phố Hàng Khoai (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), cho biết phích giữ nhiệt bán khá chạy trong mùa đông, vì tính tiện lợi, nhỏ gọn. “Loại phích này có đủ các loại của Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc, Thái Lan… nhưng hàng Trung Quốc chiếm ưu thế. Nhiều người chọn mua phích nước Trung Quốc vì giá rẻ, kiểu dáng bắt mắt mà không hề để ý đến nguồn gốc, xuất xứ”, anh Tuấn nói.
Cách đây không lâu, người dân xã Tiên Phong, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam phát hiện một gói bột nhỏ dạng cát mịn trong phích nước Trung Quốc; khi hít vào thấy rát cổ, khó thở . Đến ngày 8/10, Sở Y tế Quảng Nam đã công bố kết quả phân tích, xét nghiệm các gói chất lạ này. Kết quả cho thấy gói bột lạ chứa các chất: bụi silic (74,2%), cadimi (0,77 mg/kg), chì (7,27 mg/kg), asen (4,59 mg/kg), thủy ngân (0,66 mg/kg). Trong số những hóa chất này có một số chất ở hàm lượng cao có thể gây hại cho sức khỏe con người nếu hít phải.
Chưa yên tâm về “chất lạ”
Dù đã có kết quả về chất lạ trong phích nước ở Quảng Nam gây độc hại khi hít phải, nhưng vì sao nhà sản xuất lại bỏ chất đó vào trong bình phích nước. Đến nay vẫn chưa có câu trả lời chính xác.
Ông Đặng Xuân Thanh, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT Quảng Nam, cho biết đây là lần đầu tiên, ông thấy dưới đáy phích nước có gói chất lạ dạng cát, vì lâu nay tại Quảng Nam không hề bán hay mua loại bình phích này. Theo TS Vũ Đức Lợi, Phó Viện trưởng Viện Hóa học (Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam), chất bột này là cát pha. “Vật liệu làm phích Trung Quốc rất nhẹ, phần đầu lại tương đối nặng nên có lẽ người ta cho túi cát để giữ thăng bằng và làm tăng trọng lượng của phích", ông Lợi giải thích. Trong khi đó, PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm (đại học Bách khoa Hà Nội), khuyến cáo với những loại phích nước không rõ nguồn gốc, rất có thể thành phần thủy tinh được sử dụng làm lõi phích không sạch, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Giải thích về vấn đề này, ông Đỗ Hải Triều, Phó trưởng phòng thị trường công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông, cho biết: theo nguyên tắc chung của phích nước, khả năng giữ nhiệt nằm ở cấu tạo của ruột phích. Về cơ bản, ruột phích được cấu tạo bởi 2 bình thủy tinh lồng vào nhau, ở giữa 2 bình thủy tinh là lớp chân không, giúp cho ruột phích có thể giữ nhiệt tốt. Chính vì vậy, khi ruột phích bị vỡ, núm phích (không khí lọt vào) thì phích sẽ giữ nhiệt kém. Mặt khác, nhà sản xuất tiến hành mạ một lớp bạc nằm ở giữa 2 lớp thủy tinh để làm tăng thêm khả năng giữ nhiệt. Vỏ phích chỉ có tác dụng giữ định vị ruột phích và đảm bảo việc sử dụng được thuận tiện. “Nếu đúng như giới chuyên môn xác định trong gói chất lạ đó có các chất như chì, thủy ngân, asen... thì là các chất độc ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Đối với các loại phích nước mà ruột bằng kim loại thì muốn tăng thêm khả năng giữ nhiệt, người ta sử dụng các lớp cách nhiệt như xốp, các vật liệu khác. Còn trường hợp dùng một gói lạ để giữ nhiệt thì chưa bao giờ tôi nghe thấy”, ông Triều cho hay.