23 bàn thắng cùng 32 kiến tạo trong một mùa giải thực sự là một thống kê khó tin. Với 4.379 phút thi đấu, có nghĩa là anh ta chỉ mất trung bình 77,8 phút cho mỗi lần tham gia vào một bàn thắng.
Cũng mùa 2015/16 đó, người được mệnh danh là ông vua kiến tạo, Mesut Oezil cũng chỉ có tổng cộng 20 pha kiến tạo. Nếu kể thêm 8 pha lập công, tiền vệ người Đức cần trung bình 141 phút để ghi dấu ấn.
Điều bất ngờ hơn nữa, cầu thủ tuyệt vời trên chỉ có giá 26,3 triệu bảng, quá rẻ trong bối cảnh thị trường chuyển nhượng ngày một lạm phát giá cả. Vậy, việc sở hữu Henrikh Mkhitaryan vào mùa hè 2016 quả thực là một giấc mơ với MU.
Mkhitaryan đến MU với rất nhiều kỳ vọng. |
Nhưng 16 tháng đã trôi qua và người hâm mộ Quỷ đỏ tự hỏi, người từng tạo nên hiệu suất phi thường 77,8 phút/bàn+kiến tạo đã ở đâu? 3.713 phút đã chơi mọi đấu trường trong màu áo MU, Mkhitaryan cần trung bình 161 phút để tham gia vào một bàn thắng, lâu gấp đôi trước đây.
Tệ hơn nữa, nhất quán là hai từ không tồn tại với ngôi sao người Armenia. Mùa trước phải đợi đến tận tháng 12 anh ta mới tỏa sáng và chỉ thực sự hòa nhập với lối chơi chung ở nửa cuối của mùa giải.
Mùa này trong vai trò “số 10”, Mkhitaryan gây ấn tượng ngay khi bắt đầu. 5 đường kiến tạo chỉ trong 3 trận đầu mùa đem lại cảm giác khá rõ ràng, rằng cầu thủ này bây giờ sẽ là nhân tố không thể thiếu của MU, và không gì có thể ngăn cản sự bùng nổ của anh ta.
3 tháng qua Mkhitaryan không kiến thiết một bàn thắng nào. |
Than ôi, quãng thời gian tươi đẹp ấy vụt đi nhanh như khi nó đến. 3 tháng qua Mkhitaryan không kiến thiết một bàn thắng nào. Bàn thắng cuối cùng tiền vệ 28 tuổi ghi được cũng cách đây 2 tháng, ở trận gặp CSKA Moscow hồi cuối tháng 9.
Nếu như 3 trận đầu tiên, Mkhitaryan thiết lập 14 cơ hội ngon ăn cho đồng đội (4,6/trận) thì 12 trận sau đó, chỉ có 15 cơ hội được tạo ra (1,2/trận). Trong thất bại trước Chelsea, tiền vệ người Armenia không cung cấp nổi một tác động có ý nghĩa bất kỳ suốt 61 phút có mặt trên sân.
Phong độ nghèo nàn của Mkhitaryan chính là lời giải thích cho việc tại sao MU đã chơi rất tệ, luôn trong tình trạng bế tắc và thiếu ý tưởng. Kể từ đầu tháng 9 cho đến trước trận đấu với Newcastle, đội quân của Mourinho còn tạo ra số cơ hội ít hơn 3 đội lóp ngóp ở phía cuối BXH Premier League là Stoke, Crystal Palace và Bournemouth.
Rất khó để cắt nghĩa chính xác sự suy giảm của Mkhitaryan. Có thể là vì thể lực, thông qua việc anh chỉ chơi trọn vẹn 90 phút 3 lần trong 16 trận mùa này. Ngoài ra yếu tố tâm lý cũng đóng vai trò quan trọng.
Lần gần nhất ra sân (gặp Chelsea), Mkhitaryan đã chơi cực tồi với 29 lần chạm bóng, 19 đường chuyền và không tạo ra cơ hội hay một cú sút. |
Cầu thủ người Armenia luôn có vấn về khi mọi chuyện không đi đúng hướng. Anh dễ dàng bị chi phối bởi cảm xúc và chỉ cần một vài hành động sai trái đủ giết chết sự tự tin. Từ một cầu thủ có khả năng sáng tạo phi thường, anh bỗng nghi ngờ năng lực bản thân và cần rất lâu sau mới có thể vực dậy.
Đầu mùa này Mkhitaryan đã tỏa sáng rực rỡ và nhiều người nhanh nhảu nói, đó là vì anh chơi như một “số 10”. Thật ra không phải. Mkhitaryan có thể đảm nhiệm nhiều vị trí khác nhau và bằng chứng là anh đã bùng nổ ở mùa 2015/16 trong vai trò chạy cánh. Việc điều chỉnh vị trí ở đây chỉ mang liệu pháp tâm lý, giúp anh ta lấy lại sự tự tin.
Nhưng HLV không thể hỗ trợ mãi, một khi Mkhitaryan không chịu thay đổi chính mình. Và những gì diễn ra cho thấy, Mourinho đã mất kiên nhẫn với tiền vệ 28 tuổi.
Trận gặp Newcastle, anh bị loại khỏi danh sách đăng ký dù không hề chấn thương. Đó chỉ là khởi đầu của sự kết thúc. Một nguồn tin từ Old Trafford nói với tờ The Sun, “Mkhitaryan đang chiến đấu để cứu vãn sự nghiệp ở MU”. Nếu không sớm phục hồi phong độ tốt nhất, anh có thể bị bán vào mùa hè tới, thậm chí ngay trong tháng 1.
Đó là cái kết đáng buồn cho một tài năng, nhưng không thể tránh khỏi.
Trong 16 tháng qua, Mkhitaryan ra sân 57 trận (3.713 phút) cho MU, ghi 13 bàn thắng và có 10 kiến tạo ở mọi đấu trường. Như vậy, bình quân tiền vệ người Armenia phải đợi 285 phút cho mỗi lần nổ súng, và 161 phút để tham gia vào một pha lập công.