Sarah Everard, 33 tuổi, được nhìn thấy lần cuối cùng khi rời khỏi nhà của một người bạn vào lúc 21h tối 3/3 ở phía nam thành phố London, Anh. Cô được trình báo mất tích không lâu sau đó.
Cuộc điều tra của cảnh sát đã phát hiện một số bộ phận thi thể - về sau được xác định là của Sarah - tại một khu rừng cách đó khoảng 90 km, gần thị trấn Ashford thuộc hạt Kent. Cho đến nay, một sĩ quan thuộc Sở cảnh sát London có tên Wayne Couzens, 48 tuổi, và một người phụ nữ khác đã bị bắt giữ vì có liên quan đến vụ án.
Dựa trên chứng cứ thu thập được, cảnh sát quyết định truy tố Couzens vì hành động bắt cóc và giết người.
Sarah Everard. Ảnh: Sky News. |
Sarah Everard là trường hợp mới nhất của sự gia tăng các vụ tấn công và quấy rối nhằm vào phụ nữ không chỉ tại Anh mà còn ở nhiều quốc gia khác, theo bình luận của Guardian. Những vụ tấn công này đặt ra một vấn đề cấp thiết mà các nhà lập pháp và các cơ quan chức năng cần phải giải quyết triệt để.
Những vụ tấn công ngày một gia tăng
Các vụ tấn công nhằm vào phụ nữ là vấn đề nhức nhối đối với lực lượng cảnh sát và các cơ quan chức năng tại khắp nơi trên thế giới trong một thời gian dài.
Đặc biệt trong những năm gần đây, sự gia tăng về số lượng cũng như mức độ của các vụ tấn công, cùng với đó là sự dũng cảm lên tiếng của những nạn nhân đã cho thấy một bức tranh rõ nét hơn về tình trạng bạo lực đối với phụ nữ.
Những vụ tấn công tại những nơi công cộng là phổ biến nhất do đây là những nơi mà phụ nữ ít có khả năng tự bảo vệ mình và thủ phạm có thể trốn thoát dễ dàng sau khi thực hiện hành vi phạm tội.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trên thế giới cứ 3 người phụ nữ thì sẽ có một người từng là nạn nhân của một vụ tấn công tình dục hoặc bị hành hung trong quá khứ.
Tại Anh, nơi vụ án của Sarah Everard đang gây ra một làn sóng phẫn nộ gay gắt, trong 2 năm gần đây, số phụ nữ bị sát hại đều lên tới con số cao nhất trong một thập kỷ. Tính trung bình cứ 3 ngày sẽ có một phụ nữ bị sát hại. Trong phần lớn các vụ án, thủ phạm đều là nam giới, theo BBC.
Không chỉ với các vụ án giết người, số lượng phụ nữ bị tấn công tình dục cũng có chiều hướng gia tăng. Theo số liệu gần đây nhất của Văn phòng Số liệu Quốc gia Anh, tính tới năm 2017, ước tính 3,4 triệu phụ nữ từng là nạn nhân của một vụ tấn công tình dục.
Số lượng phụ nữ bị tấn công có xu hướng gia tăng trong khoảng thời gian cách ly do dịch Covid-19. Ảnh: Illinois State University. |
Những vụ tấn công đối với phụ nữ không chỉ diễn ra tại một số quốc gia cá biệt. Tại Ấn Độ, theo số liệu Cục Thống kê Số liệu tội phạm Quốc gia (NCRB), trong năm 2019, mỗi ngày có 88 phụ nữ là nạn nhân của các vụ tấn công tình dục.
Những giải pháp gây tranh cãi
Trước tình trạng đáng báo động trên, chính phủ của nhiều quốc gia trên thế giới đã đề ra những giải pháp khác nhau để đảm bảo an toàn cho phụ nữ, khuyến khích các nạn nhân lên tiếng.
Chiến lược bảo vệ trẻ em gái và phụ nữ trong giai đoạn 2016-2020 của chính phủ Anh nhắc tới hai giải pháp chính. Đầu tiên là tăng cường giáo dục về giới tính đối với học sinh chú trọng vào cách hành xử trong xã hội. Thứ hai là cung cấp thông tin lịch sử phạm tội về những đối tượng liên quan cho những người phụ nữ lo ngại mình có thể là nạn nhân của một vụ tấn công từ người đang có quan hệ thân mật.
Tại Mỹ, chính quyền thời Tổng thống Bill Clinton đã thông qua Đạo luật Chống bạo lực với Phụ nữ (VAWA) vào năm 1994 và được gia hạn vào năm 2013. Đạo luật trên cung cấp ngân sách và nguồn lực cho hoạt động điều tra các vụ án bạo lực chống lại phụ nữ, bồi thường cho nạn nhân của các vụ tấn công.
Phụ nữ đấu tranh đòi sự bảo vệ của các chính phủ. Ảnh: Sky News. |
Bên cạnh một số biện pháp thiết thực, cũng có rất nhiều giải pháp mang tính tranh cãi đã được khuyến cáo bởi lực lượng cảnh sát tại các quốc gia. Tiêu biểu chính là việc yêu cầu phụ nữ phải thay đổi cách ăn mặc nhằm tránh thu hút những kẻ tấn công hay không ra ngoài sau một khoảng thời gian nhất định.
Những giải pháp này được cho là kém hiệu quả khi chỉ nhắm vào nạn nhân thay vì là một giải pháp để ngăn chặn những kẻ phạm tội.