Thương vụ này đã phá bỏ kỷ lục của thị trường chứng khoán Việt Nam suốt 20 năm qua. Đại diện thương hiệu cho biết sức mạnh Vinhomes được tạo nên từ khả năng thay đổi diện mạo đô thị tại các địa phương.
"Hiện tượng" Vinhomes
Ngày 17/5, Vinhomes chính thức niêm yết gần 2,7 tỷ cổ phiếu lên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), mã chứng khoán VHM. Sau đó một ngày, VHM đã trở thành “hiện tượng” trên thị trường vốn Việt Nam khi lần đầu tiên có giao dịch trên 1 tỷ USD được thực hiện. Với gần 268 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng, đạt giá trị 1,35 tỷ USD, Vinhomes đã đạt kỷ lục Đông Nam Á về giá trị giao dịch cổ phần lần đầu tiên.
“Đây là giao dịch mang tính lịch sử, được coi là đợt chào bán cổ phần lớn nhất tại châu Á - Thái Bình Dương từ đầu năm đến nay. Đồng thời là đợt chào bán cổ phần lớn nhất trên thị trường cận biên châu Á từ trước tới nay”, bà Natasha Ansell - Giám đốc điều hành, Trưởng đại diện tại Việt Nam của Ngân hàng Citibank nhận định.
Dự án Vinhomes trải dài khắp cả nước. |
Điều đáng chú ý là kỷ lục giao dịch của VHM được xác lập trong bối cảnh thị trường chứng khoán thế giới và trong nước đang biến động. Trong đợt điều chỉnh vừa qua, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng mạnh cổ phiếu ở thị trường Việt Nam. Nhưng khi VHM xuất hiện, dòng vốn ngoại đã đảo chiều.
Những nhà đầu tư tham gia giao dịch đều là tổ chức uy tín trong nước và thế giới như: Capital Group, Avanda Investment Management Pte, Wadded & Reed, JPMorgan Asset Management, Dragon Capital và KIMC.
Theo thông tin từ một số tư vấn trong giao dịch, qua nhiều cuộc gặp gỡ và làm việc với các nhà đầu tư, số lượng đặt mua cổ phần VHM gấp 4-5 lần nhu cầu chào bán của cổ đông.
Sức hút từ thương hiệu
Phó chủ tịch Deutsche Bank khu vực Đông Nam Á - Philip Lee nhận xét: “Nhu cầu đặt mua cổ phiếu VHM của các nhà đầu tư tổ chức toàn cầu xuất phát từ uy tín và lịch sử hoạt động của Tập đoàn Vingroup, cũng như triển vọng tăng trưởng tích cực của Việt Nam”.
So với các nhà phát triển bất động sản (BĐS) khác, Vinhomes có những lợi thế cạnh tranh đặc biệt.
Ở góc độ nội lực, tổng tài sản Vinhomes đạt 94.693 tỷ đồng (tính đến ngày 31/3). Các dự án Vinhomes đều ở khu vực giao thông thuận lợi, trung tâm đô thị, điểm du lịch trọng điểm hoặc có tiềm năng tăng trưởng cao như: Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hưng Yên, Thanh Hóa, Hà Tĩnh và Đà Nẵng. Điều này đảm bảo nguồn tăng trưởng dài hạn của VHM, tính thanh khoản cao và linh hoạt cho các dự án.
Vinhomes cũng gắn liền thương hiệu với tiến độ thi công và chất lượng bàn giao, bao gồm cả tiện ích đi kèm như đường sá và các công trình công cộng khác.
Các dự án của Vinhomes đều có vị trí đắc địa. |
Về hiệu quả kinh doanh, công ty có tỷ lệ tiêu thụ ấn tượng. Các khu đô thị Vinhomes đều được vận hành bài bản, chuyên nghiệp, thậm chí thương hiệu này còn “xuất khẩu” được dịch vụ vận hành đô thị cho một số dự án của các doanh nghiệp khác.
Bên cạnh đó, các dự án của Vinhomes cũng góp phần định hình phong cách sống của một bộ phận người Việt. Điều này được thể hiện rõ qua block căn hộ cao cấp đầu tiên ở Vincom Bà Triệu đến các đại đô thị khắp cả nước.
Đặt mục tiêu phát triển toàn diện, trong thời gian tới, Vinhomes sẽ triển khai chiến lược “đô thị vệ tinh” cách trung tâm Hà Nội và TP.HCM khoảng 20 - 30 km và các tỉnh thành có tiềm năng phát triển tại Việt Nam.
Các đô thị vệ tinh đều có môi trường sống hiện đại, đầy đủ tiện ích tại chỗ như: siêu thị, trường học, trung tâm thương mại… Chiến lược mới được các nhà đầu tư quốc tế đánh giá cao do vừa đáp ứng nhu cầu thị trường vừa giãn dân khỏi khu vực trung tâm. Điều này cũng giúp làm giảm tình trạng tắc đường, ô nhiễm, tạo tiền đề xây dựng các thành phố hiện đại như các nước phát triển.