Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tạp chí tri thức trực tuyến

Phía sau tấm băng đội trưởng

Băng đội trưởng của "Ta", hay "Tây, của "sao" mới hay "sao" cũ lại là những câu chuyện dài dễ nảy sinh bi kịch với nhiều đội bóng ở V-League.

Phía sau tấm băng đội trưởng

Băng đội trưởng của "Ta", hay "Tây, của "sao" mới hay "sao" cũ lại là những câu chuyện dài dễ nảy sinh bi kịch với nhiều đội bóng ở V-League.

>>Alfred Riedl không có ''cửa'' về V-League?

>>Khi cầu thủ bắt tay với giang hồ

Khơi nguồn "bất ổn"

Ở nhiều đội bóng, việc đoàn kết nội bộ được xem như một trong những vấn đề cần giải quyết đầu tiên, trong đó vai trò của người đội trưởng được đặc biệt coi trọng. Đội trưởng được xem là cầu nối của lãnh đạo, BHL và các cầu thủ, là người thay mặt HLV trưởng điều hành đồng đội khi thi đấu trên sân, là người tập hợp được anh em và trong với nhiều trường hợp còn là thủ lĩnh tinh thần, truyền "lửa" cho anh em trong những "trận chiến". Tuy nhiên, với việc nhiều đội bóng không còn mang tính địa phương, mà tập hợp cầu thủ tứ xứ như ở V-League hiện nay thì thực tế của chiếc băng đội trưởng đã có nhiều chuyện "sóng gió".

Đội trường Hồng Minh của T&T Hà Nội (số 17).

Ở XM.HP thời ông Riedl, chiếc băng đội trưởng là một điều "tế nhị". Khi Văn Thành bị chấn thương và không thường xuyên có mặt ở đội hình chính, ông Riedl đã tự quyết việc chọn nhân vật được đeo băng đội trưởng. Các trận đầu mùa, Leandro đã được ông Riedl giao phó trách nhiệm, thay vì Văn Thành (chấn thương), Tuấn Điệp (trong bán cán sự mùa trước).

Khi được người viết hỏi tại sao chọn Leandro làm đội trưởng XM.HP, mà không chọn một cầu thủ địa phương có tiếng nói quan trọng trong đội ở XM.HP như các HLV trưởng trước vẫn làm, ông Riedl đã phân tích chuyện vai trò của Leandro như thế nào ở giữa sân và cũng đề cập đến chuyện một số cầu thủ VN chưa gương mẫu để làm thủ lĩnh ở đội bóng. Ở trận XM.HP-Thể Công, ông Riedl đã định để Ngọc Thanh đeo băng đội trưởng ở đội hình xuất phát, nhưng chân sút số nội số 1 V-League 2008 đã từ chối (?).

Tất nhiên, ông Riedl với cách làm việc kiểu Tây có sự lựa chọn của riêng mình mà nhìn từ ngoài ông đánh giá là ổn. Nhưng với nhiều cầu thủ đất Cảng thì chuyện người ngoài qua mặt "quân mình" để làm thủ lĩnh là điều bị "soi" kỹ. Để rồi cùng với những trận đá dở liên tiếp của XM.HP, ông Riedl đã bị "bật sới"!

Không chỉ ở XM.HP mà nhiều đội bóng khác cũng đã nhọc nhằn trong cuộc bình ổn đội nhà chỉ vì chiếc băng đội trưởng. Ở những "đại gia" tập hợp nhiều "sao", chuyện ai được chọn làm thủ lĩnh lại càng được ngắm nghía nhiều hơn.

Ngay như câu chuyện thời sự liên quan đến Dương Hồng Sơn tuần trước, người ta cũng đã xì xào nhiều về chuyện các cầu thủ T&T.Hà Nội chưa nhìn về một hướng mùa này, từ khi có sự xuất hiện ồ ạt của nhiều gương mặt kỳ cựu. Hồng Minh, Minh Đức đến T&T.Hà Nội đều là những cựu binh có thương hiệu ở V-League, Trọng Hải từ Thanh Hóa ra Thủ Đô cũng từng trong ban cán sự ở XM.CT.Thanh Hóa, rồi Hồng Sơn là đội trưởng từ thời T&T.HN còn "bơi" ở giải hạng Nhất. Chuyện "bằng mặt nhưng không bằng lòng" giữa các áo mới và cũ ở T&T.HN như thế nào thì chỉ có người trong cuộc mới hiểu rõ hơn ai hết, chỉ có điều khi những ấm ức về chuyện nội bộ đã bùng lên trong cảnh "rượu vào lời ra" thì vụ Hồng Sơn "đưa đường" cho Sỹ Mạnh tấn công các đàn anh Hồng Minh, Minh Đức đã thành "scandal" ở V-League 2009. Không chỉ để oai.

Đeo băng đội trưởng ở nhiều đội bóng không chỉ là chọn ban cán sự cho có đủ ban bệ mà nhiều ông bầu, HLV còn phải tính đến nhiều chuyện khác cho đội nhà. Nhiều đội, đội trưởng không chỉ là chức danh chỉ giới hạn trong vai trò cầu thủ mà "VIP" này còn được bổ sung cho Ban huấn luyện. SLNA, XM.HP, HA.GL đều đã tăng cường thành viên cho BHL bằng các đội trưởng. Chỉ có điều, sự kết hợp vai trò "hai trong một" này hiệu quả được đến đâu thì các đội lại xuất hiện chuyện "mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh" bởi vai trò của những Huy Hoàng (SLNA), Văn Thành (XM.HP), hay Duy Quang (HA.GL) có vai vế khác nhau ở đội bóng của họ.

"Đội trưởng có vai trò quan trọng trong sinh hoạt tập luyện. Chọn cầu thủ đeo băng đội trưởng không phải để làm cho oai mà giúp Ban huấn luyện và đồng đội trong sinh hoạt, tập luyện, thi đấu tạo được sự đoàn kết đúng nghĩa là một tập thể", HLV Vương Tiến Dũng đã nhấn mạnh đến trách nhiệm của đội trưởng. Ông Dũng đã bôn ba qua nhiều đội bóng, đã nếm nhiều nỗi đau ở những CLB mà ông từng được "trải thảm" lúc đầu nên ông hiểu rõ chuyện "sáng, tối" về việc lựa chọn nhân sự cho chức danh đội trưởng.

Ở Thể Công, băng đội trưởng mùa này không còn thuộc về lão tướng Phương Nam mà Bảo Khanh và Phước Tứ, các tuyển thủ QG, được giao nhiệm vụ "thủ lĩnh". Khi Khanh vào sân, anh sẽ mang băng đội trưởng, còn khi tiền vệ số 8 Thể Công ngồi ngoài thì Phước Tứ thay thế. Ông Dũng giao băng đội trưởng cho Bảo Khanh, Phước Tứ căn cứ vào tiêu chí đầu tiên với việc hai cầu thủ này là tuyển thủ QG, có nhiều kinh nghiệm, chuyên môn so với số trẻ Thể Công nên việc họ được tín nhiệm là điều không phải bàn cãi.

Những yếu tố khác (lối sống, tầm ảnh hưởng trong sinh hoạt, tinh thần...) cũng được tính đến nhưng nhiệm vụ chuyên môn với ông Dũng phải là số 1. Ông Dũng tin vào sự lựa chọn của mình khi có được những cầu thủ chuyên môn tốt thay mặt BHL chỉ đạo quân nhà ở trên sân. Nhưng việc Ban huấn luyện Thể Công tự giới thiệu và quyết người làm đội trưởng chứ không đưa ra "bầu bán" như trước có giúp đội bóng này ổn định trong cả mùa giải năm nay vẫn còn là dấu hỏi.

Chiếc băng đội trưởng chỉ là một phần trong cuộc sống hậu trường có không ít chuyện bi, hài ở các đội bóng. Băng đội trưởng có đủ màu sắc và số phận của những người được "chọn mặt gửi vàng" cũng có đủ chuyện "muôn màu cuộc sống". V-League 2009 vẫn còn 19 chặng đua và câu chuyện xoay quanh những người trong cuộc vẫn hứa hẹn nhiều sự kiện "bùng nổ".

Theo Thể Thao Văn Hóa

Theo Thể Thao Văn Hóa

Bạn có thể quan tâm