Khi Hùng Dũng rất… hùng dũng
Ông Nguyễn Trọng Hỷ - người tiền nhiệm của ông Dũng - vốn được cho là người ăn nói hơi thiếu cẩn trọng (ít ra là ở vị trí của một chủ tịch LĐBĐ), chẳng hạn, ông Hỷ nói: “Đi xem bóng đá có nhất thiết phải đông thế không” khi được nhân viên thông báo về chuyện CĐV Hải Phòng đến sân SLNA quá đông và gây xích mích trong một vụ việc cách đây 7-8 năm. Ông Hỷ hay “hớ” tới mức có một dạo, VFF phải gấp rút ra quy chế… người phát ngôn, được giao cho ông Lân Trung - vốn được cho là có khoa nói. Mục đích cũng nhằm tránh cho Chủ tịch VFF bớt… ồn ào và gây ồn ào.
Chủ tịch LĐBĐVN Lê Hùng Dũng. |
Có lần, tôi ngồi với ông Hỷ, nghe ông tâm sự kiểu “cậu cậu - tớ tớ” - theo cách nói thông thường của ông, thì ông bảo: “Làm lãnh đạo VFF còn hơn cả làm dâu trăm họ, tất cả đều nhìn vào, hở ra là soi ngay. Tính tớ thì bộc toạc hay tâm sự với anh em phóng viên, tưởng nói chơi chơi vậy, thế mà lên báo”. Nhưng ai trong làng bóng đá cũng biết ông Hỷ nói nhiều, hay nói hớ nhưng tâm lành chứ chẳng có mưu mô gì nhiều. Lành tới mức cứ để các cháu, các em trong VFF làm loạn, vì thế bao nhiêu cái ghét của thiên hạ cứ như đổ vào đầu ông. Làm chủ tịch bóng đá, đúng là hay bị soi, đến như ông Blatter - Chủ tịch FIFA, một chính khách tầm cỡ thế giới hẳn hoi - nhưng liệt kê ra thì cũng có cả mớ những phát ngôn khiến người yêu bóng đá phát… khùng.
Ông Hùng Dũng lại có kiểu ồn ào riêng. Thật ra ông Dũng là thành viên gạo cội của VFF, tham gia BCH VFF từ năm 1997-1998, đến giờ cũng gần 20 năm. Nhưng dù có thế, ông vẫn bị cho là người ngoại đạo. Khi ông Dũng làm PCT, thì điều duy nhất mà người ta hay nhắc đến ông Dũng, ấy là khi nói đến… tiền, vì ông phụ trách tài chính, tài trợ. Chẳng hạn, đội tuyển sắp tới được thưởng bao nhiêu, V.League nhận tài trợ thế nào thì gặp ông Dũng.
Song rõ ràng, cái ồn ào của người làm doanh nhân nó khác với ồn ào của dân bóng đá đơn thuần. Mùa giải 2001, khi ông Dũng được tiếp quản đội CA TPHCM, trước những trận đấu sinh tử cuối mùa, ông Dũng đã gây sốc khi tuyên bố treo thưởng cho đội khoản tiền kỷ lục là 1,5 tỉ đồng nếu thắng cả 3 trận cuối cùng. Số tiền đó lúc ấy tương đương hơn 100.000USD nhưng đội bóng vẫn… thua. Thua theo cách mà sau này người ta nói với nhau: “Đã đâu vào đó hết rồi, thưởng hơn thế cũng chẳng ăn thua đâu”. Cho đến năm 2005, khi ông Dũng làm PCT VFF, ông cùng lãnh đạo VFF xuống Bacolod - Philippines thăm hỏi cầu thủ trước những trận đấu căng thẳng ở SEA Games 23, thế mà ông Hùng Dũng phải tức “lộn ruột” khi một cầu thủ “oắt con” ngồi ngả ngớn vểnh mặt hỏi: “Thế trận này thưởng bao nhiêu?”. Vụ bán độ ở Philippines vỡ lở và ông Dũng hiểu rằng, tiền thưởng dù nhiều cũng không mang lại thành công.
Cái không thành công của ông Dũng cũng nhiều, chứ chẳng ít. Ấy là khi ông Dũng được bầu làm Chủ tịch LĐBĐ TPHCM. Ở một nơi được cho là “giàu nhất nước”, làm bóng đá ở đó khác gì “sa chĩnh gạo” ấy thế mà ông Dũng không thể vực bóng đá TPHCM lên được. Đội bóng cứ giải thể, teo tóp dần rồi TPHCM trở thành “mảnh đất trắng” trên bản đồ bóng đá. Ông Dũng cũng đành nói lời từ chức và rồi trở thành… Chủ tịch VFF.
Người ta nhìn ông Hùng Dũng theo cái cách nhìn người… có tiền. Hiển nhiên, vì ông từng là Chủ tịch HĐQT Công ty vàng bạc đá quý SJC, Chủ tịch HĐQT Eximbank. Ở những vị trí ấy thì phải giàu là đương nhiên, nhưng giàu đến đâu thì… chịu. Cái giàu của ông Dũng không đo đếm được như cái giàu của "bầu" Kiên, "bầu" Đức, "bầu" Hiển. Song cái uy thì không kém cạnh. Cánh phóng viên thể thao gọi ông là… Lê Nhà Băng.
Và cách ồn ào của ông Dũng, phần lớn là liên quan đến tiền. Khi bắt đầu nắm VFF, từ tháng 3/2014, ông Hùng Dũng nói: “Sẽ kiếm 300 tỉ đồng/năm cho bóng đá Việt”. Câu này sốc vì ở thời điểm hiện tại, 30 tỉ đồng đã khó, lấy đâu ra 300 tỉ đồng. Lời tuyên bố của ông Dũng còn vượt ra khỏi tầm quốc gia, ồn ào lên tận LĐBĐ Đông Nam Á khi trang web của tổ chức này cũng không giấu nổi ngạc nhiên khi đặt câu hỏi: “Bóng đá Việt Nam thay chủ tịch mà được nhiều tiền thế thì các liên đoàn khác có nên học tập?”. Tất nhiên là cho đến giờ thì 300 tỉ đồng vẫn… mất hút. Thậm chí, nhà tài trợ Eximbank cũng rút luôn khỏi V.League, may mắn thay vào đó là Toyota.
Ông cũng nói: “Đội tuyển U19 sẽ dự… World Cup năm 2018”. Câu này thì quá… sốc và nhiều người cho rằng, ông nói vậy là chẳng qua… ăn theo U19, cũng như khi ông Dũng so sánh: “Nhà có 4 đứa con, 3 thằng lớn lêu lổng, không chịu học hành, lao vào cờ bạc, rượu chè, cá độ, nợ nần làm cho gia đình bị tai tiếng, bị dòng họ, hàng xóm chê bai, thằng út thì ngoan ngoãn, học giỏi và được tuyển thẳng vào Đại học Harvard thì với tư cách là cha mẹ, bạn có sung sướng, tự hào về thằng út không? Bạn có sẵn sàng giao phó sự nghiệp và trọng trách cho nó không?”. Nhiều người phản ứng, bảo kiểu coi U19 là con ngoan, còn lại các đội tuyển khác hư tất là một tuyên bố… vớ vẩn. Bởi lẽ, ngay cả lứa U19 ấy cũng chẳng phải là “con đẻ” của VFF mà là công đầu tư của ông "bầu" Đoàn Nguyên Đức.
Rồi ông Dũng đòi đưa “cơ quan điều tra về thất bại của ĐTVN tại AFF Cup 2014”. Câu này khiến nhiều cầu thủ tức. Họ nói, cả 3 tháng trời tập trung thì không thấy ông chủ tịch đâu, chẳng một lần đến thăm, động viên, thăm hỏi chỉ xuất hiện lúc… khai mạc và ở trận bán kết lượt về khi đội tuyển thua, tất cả các cầu thủ mong ông xuống sân động viên họ thì ông lại trốn tịt trong phòng kính…
Mới rồi, ông Lê Hùng Dũng lại gây “sốc” khi so sánh “HAGL được yêu quý hơn cả Thể Công và Cảng Sài Gòn ở thời đỉnh cao”. Câu này gây “bão”, đặc biệt với những người đã từng chơi ở Thể Công, yêu Thể Công. Có người nói thẳng: “Ông Dũng vẫn chỉ dựa hơi U19 và sẵn sàng đạp đổ cả những tượng đài của bóng đá Việt Nam như Thể Công”.
Một góc lặng lẽ của ông Hùng Dũng
Khi về hưu, ông Dũng cho ra mắt cuốn sách ảnh “Lê Hùng Dũng - 60 năm cuộc đời” do nhà nhiếp ảnh Giản Thanh Sơn tổng hợp và chụp. Cuốn sách ấy dù có phần hơi… khoe bản thân nhưng cũng giúp người ta hiểu thêm một góc lặng lẽ của ông Dũng. Chẳng hạn như chuyện ông Lê Hùng Dũng thực chất là họ Nguyễn. Bố ông Dũng là ông Nguyễn Quyền Sinh - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, nguyên Chủ tịch Liên đoàn Quần vợt Việt Nam. Theo cuốn sách thì ông Dũng sinh năm 1954, nhằm che giấu nhân thân là con của một cán bộ tập kết, trong giấy khai sinh ông được mang họ mẹ. Cố nhà văn Nguyễn Quang Sáng - một người thân của gia đình ông - đã từng kể: “Anh (Nguyễn Quyền Sinh) có hai con trai, nhưng mang hai họ khác nhau. Đứa con đầu lấy họ của anh - họ Nguyễn, đứa con thứ hai vừa ra đời thì anh xuống tàu đi tập kết, vợ con đều ở lại. Để tránh con mắt soi mói, nhòm ngó của địch nên lấy họ mẹ, họ Lê...”.
Phía sau sự ồn ào của ông Dũng cũng là một góc thú vị khác. Như việc ông nổi tiếng trong giới chơi xe cổ cả nước vì sở hữu những chiếc xe độc nhất vô nhị. Ông Dũng có thú chơi xe cổ, mà phải là xe "độc”. Ông Dũng sở hữu chiếc Dodge sản xuất năm 1936, nhập vào VN năm 1937, do chính quyền Pháp cấp biển số C.H 666. Hiện ở VN chỉ có... 1 chiếc duy nhất do ông Dũng sở hữu. Một chiếc xe cổ vào hàng cực hiếm mà ông Dũng sở hữu khác là chiếc môtô BMW R2 độc nhất tại VN. Chiếc môtô này cũng sản xuất năm 1936, nhập vào VN năm 1943 và từ năm 1954 (năm ông Dũng sinh ra) được mang biển số Việt Nam BMT-001. Đây cũng là chiếc môtô đầu tiên được đăng ký tại nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngoài ra, ông Dũng còn sở hữu chiếc BMW R50 sản xuất năm 1954. Hiện ông Dũng đang phục chế chiếc ôtô Chaika sản xuất năm 1947 - chiếc xe được Đại sứ Liên Xô cuối cùng tại VN sử dụng. Chaika là dòng xe độc nhất vô nhị được quan chức Liên Xô sử dụng vì lý do an ninh…
Người ta nói, ông Dũng khôn và khéo hơn nhiều so với ông Hỷ. Cái khôn của ông Dũng là… ra tiền. Vì thế, dù ông có hơi ồn ào một chút thì cũng là “nằm trong dự tính” và thật ra, ở vị trí ấy thì ai chẳng… ồn ào?